Hội NDVN và Bộ Tư pháp phối hợp đẩy mạnh chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân
Ông Nguyễn Thanh Tịnh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương cùng chủ trì, điều hành hội nghị.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Hội NDVN và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Theo báo cáo hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam là Uỷ viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương do bà Nguyễn Thị Vân Anh – Thủ trưởng cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Hội NDVN trình bày: Hiện nay, Trung ương Hội NDVN đã kiện toàn, bổ sung 22 báo cáo viên pháp luật đăng ký với Bộ Tư pháp theo các lĩnh vực công tác chuyên môn.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra… tổ chức được trên 76.150 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 5,9 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các tỉnh, thành Hội hiện có hơn 220 nghìn thành viên là cán bộ Hội các cấp tham gia vào gần 130 tổ hòa giải. Hội ND các cấp đã tham gia với các ngành, đoàn thể hòa giải gần 48 nghìn vụ việc.
Trung ương Hội NDVN đã phối hợp biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến pháp luật trên 5.000 cuốn “Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân”; trên 95.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật.
Cùng với việc tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống báo chí của Hội như Báo Nông thôn ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới, các cấp Hội còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá… giúp nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng trong thực tiễn.
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cũng đã thành lập và duy trì 6.480 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với gần 190 nghìn thành viên tham gia. Đây vừa là mạng lưới tuyên truyền pháp luật, hoà giải viên, vừa là lực lượng nòng cốt trong phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở thôn ấp, bản, làng.
Qua đó, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân, giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn; giảm tình trạng vi phạm pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL còn chưa được thường xuyên, liên tục, chủ yếu cung cấp thông tin văn bản pháp luật, việc đi sâu phổ biến các vấn đề pháp luật đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân còn chưa được nhiều.
Hình thức; nội dung tuyên truyền còn chưa được đa dạng, thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của hội viên, nông dân. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân còn hạn chế, chưa đồng đều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua đó, Trung ương Hội NDVN đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương cung cấp thêm thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của Hội đồng thường xuyên, kịp thời hơn nữa; kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện về kinh phí để các cấp Hội thực hiện công tác PBGDPL; có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật nhất là đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Đối với Bộ Tư pháp, Trung ương Hội đề nghị tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, nhất là những Luật mới ban hành, có tác động rộng rãi tới nhân dân; nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL; chỉ đạo ngành Tư pháp các cấp phối hợp, tạo điều kiện cùng Hội Nông dân trong thực hiện công tác PBGDPL, cung cấp tài liệu, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã chia sẻ những hoạt động của các ban, đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên. Theo đó, các ban, đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn đều đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân vào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho biết: Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân, Tạp chí Nông thôn mới đã tổ chức các chuyên mục riêng về pháp luật trên các ấn phẩm Tạp chí Nông thôn mới in và Tạp chí Nông thôn mới điện tử. Trong đó chú trọng đến các nội dung tuyên truyền như: Tư vấn pháp luật; phổ biến các luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền gương người tốt việc tốt; các mô hình Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật...
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Hội thì: Hội Nông dân các cấp áp dụng nhiều hình thức PBGDPL đa dạng, thiết thực như phát hành tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật… đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, PBGDPL; tham gia tích cực vào công tác tiếp công dân, hoà giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đối tượng tuyên truyền là nông dân có hạn chế, khó khăn hơn nhiều so với các đối tượng khác. Do đó, phải thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền, PBGDPL cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng ban Kinh tế TƯ Hội cũng đề xuất, ngoài kinh phí phối hợp hàng năm, Bộ Tư pháp cũng như Hội đồng tăng cường hỗ trợ sách, tài liệu về pháp luật để hỗ trợ cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có tài liệu để hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật kịp thời đến nông dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh đến 3 khó khăn lớn hiện nay trong công tác tuyên truyền PBGDPL, đó là: Trình độ nhận thức của người nông dân còn thấp; địa bàn vùng nông thôn rộng lớn; điều kiện trang thiết bị còn thiếu. Do đó, Hội Nông dân mong muốn Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước để Hội làm tốt công tác tuyên truyền tới từng địa phương.
Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ xây dựng đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia chương trình tuyên truyền PBGDPL đến với nông dân", trong đề án sẽ thực hiện rõ các nội dung, đó là xác định đối tượng, lực lượng tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền PBGDPL nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Trung ương Hội NDVN trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị tập trung triển khai, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL cho nông dân để xây dựng thói quen, ý thức chấp hành pháp luật cho người nông dân. Đặc biệt, Trung ương Hội cũng cần phát huy trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện các hoạt động PBGDPL cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Đồng thời phải quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cung cấp tài liệu cho những người làm công tác PBGDPL ở cơ sở; tiếp tục phát huy các hình thức PBGDPL hiện tại đồng thời tăng cường đổi mới phương thức PBGDPL để tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người nông dân; chung tay cùng các bộ, ngành triển khai tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền PBGDPL cho hội viên, nông dân; xây dựng Đề án về tuyên truyền PBGDPL.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng đề nghị Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Hội có những tham mưu, đề xuất với lãnh đạo 2 cơ quan triển khai các hoạt động.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi