Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan T.Ư Hội Nông dân Việt Nam
Đồng chi Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mới luôn được Trung ương Hội NDVN quan tâm, chỉ đạo với mục tiêu nâng cấp, nâng tầm đội ngũ cán bộ Hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chi Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mới luôn được Trung ương Hội NDVN quan tâm, chỉ đạo với mục tiêu nâng cấp, nâng tầm đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, với hai chuyên đề rất mới, đó là “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và “Về nhận diện và xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội” sẽ mang lại cách tiếp cận chi tiết về khái niệm, nội hàm, nội dung của chuyên đề cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, giúp chuyển biến về nhận thức, tư duy, nâng cao khả năng xây dựng kế hoạch, tham mưu của từng cá nhân trong công việc, nhiệm vụ được giao tại đơn vị, nhất là tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện phục vụ Đại hội Hội Nông dân các cấp trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Tiến Nam, trong những năm gần đây, mạng xã hội đã có những phát triển mạnh mẽ và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, đây là công cụ tuyên truyền nhanh, lan rộng và có sức tác động lớn đến tư tưởng của cán bộ, hội viên nông dân nói riêng. Vì vậy, việc bổ sung kiến thức về nhận diện và xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội trong buổi tập huấn hôm nay góp phần giúp cán bộ, công chức viên chức cơ quan có những nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như có cái nhìn đa chiều, từ đó có những nhận thức, lý luận sắc bén để đấu tranh với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, hạn chế “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Tiến Nam nhấn mạnh, trong thời gian một ngày với 2 chuyên đề quan trọng, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương Hội nghiêm túc, tập trung lắng nghe, lĩnh hội và tiếp thu những kiến thức được bồi dưỡng, áp dụng vào thực tiễn để hoàn thành tốt hơn nữa công việc chuyên môn được giao.
Toàn cảnh Hội nghị Chuyên đề.
Hội nghị được cập nhật kiến thức Chuyên đề Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh do TS. Trương Thị Mỹ Nhân, giảng viên chính Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt.
TS. Trương Thị Mỹ Nhân nêu bật tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh được nhấn mạnh tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đó cũng là mục tiêu rất quan trọng trong chiến lược phát triển và hội nhập sâu mà toàn Đảng, toàn dân phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu đó, việc đầu tiên là cần đổi mới tư duy về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tri thức hóa nông dân, làm giàu từ nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại. Từ thay đổi về tư duy phát triển đó sẽ giải quyết bài toán về tăng trưởng bền vững nông nghiệp, phát triển hài hòa nông thôn và nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, đảm bảo vấn đề an sinh.
Trong xu hướng phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, khi thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để duy trì và phát triển đồng bộ, bền vững các mục tiêu “tam nông” mà Văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII đề ra, cán bộ, hội viên nông dân các cấp Hội NDVN từ Trung ương tới cơ sở cần nắm bắt nội dung và trả lời các câu hỏi:
Nông nghiệp sinh thái thay thế nông nghiệp truyền thống? Đó là sự đấu tranh giữa số lượng và chất lượng. Làm nông nghiệp hướng tới chất lượng thì chắc chắn sẽ tụt giảm sản lượng rất lớn và ngược lại. Và vấn đề thị trường, là xác định các nhu cầu, là các quy ước chất lượng vùng sản phẩm truyền thống, là chỉ dẫn địa lý... để từ đó định vị thương hiệu.
Nông thôn hiện đại thay thế dần nông thôn truyền thống? Vậy tính toán bảo tồn văn hóa dân tộc, an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành ở các vùng nông thôn như thế nào trong quá trình hiện đại hóa nông thôn, đưa nông thôn về gần thành thị
Nông dân văn minh thay thế nông dân truyền thống? Sự phụ thuộc, bị động trước đây (Vấn đề đào tạo chuyên môn, kỹ năng ứng phó với các cú sốc của thị trường, năng lực am hiểu pháp luật?).
Vai trò của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh?
TS. Trương Thị Mỹ Nhân, giảng viên chính Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt nội dung chuyên đề tại Hội nghị.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới
Theo chia sẻ của TS. Trương Thị Mỹ Nhân, về khái niệm Nông nghiệp sinh thái: Nói đến phát triển nông nghiệp bền vững là nói đến nông nghiệp sinh thái, một nền nông nghiệp cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường, đồng thời chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và bao trùm.
Về cơ bản, nông nghiệp sinh thái mềm dẻo trong các lựa chọn về qui mô (lớn - nhỏ) và tính chất (tích hợp một phần hoặc toàn phần), bởi vậy giúp cung cấp các giải pháp phù hợp với bối cảnh và iải quyết các vấn đề của địa phương, khu vực.
Trên cơ sở mục tiêu bảo vệ và khai thác hoạt động chức năng của hệ sinh thái (dịch vụ sinh thái), nông nghiệp sinh thái có lợi thế thành công ở qui mô lớn, bởi vậy hình thức sản xuất nông nghiệp này thường dựa trên sự đồng sáng tạo kiến thức, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của các nhà sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, nông nghiệp sinh thái tăng quyền cho các nhà sản xuất và cộng đồng - đóng vai trò là tác nhân tạo ra thay đổi.
Về mặt kỹ thuật, nông nghiệp sinh thái áp dụng các nguyên tắc sinh thái trong thiết kế hệ thống sản xuất nhằm tăng cường lợi ích sinh thái (như kiểm soát sinh học, thụ phấn, tái tạo dinh dưỡng, bảo vệ đất, nước…) theo các qui mô khác nhau. Các tiến trình sinh thái sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở áp dụng công nghệ. Bởi vậy thâm canh nông nghiệp sinh thái hiện đại có thể kết hợp với nông nghiệp chính xác và ứng dụng công nghệ số.
Gần đây, nông nghiệp sinh thái đã được các tổ chức quốc tế và Liên Hợp quốc đưa vào thảo luận như là một công cụ chiến lược để đạt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam: Để phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất nông nghiệp hiện đại của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ phải là một nền nông nghiệp sinh thái thông minh dựa trên ứng dụng đổi mới sáng tạo của các hệ thống nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các phương thức quản trị thông minh, chính xác, áp dụng công nghệ số nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trong điều kiện sử dụng tiết kiệm, bền vững và hiệu quả các nguồn lực tự nhiên.
Để nông nghiệp sinh thái có điều kiện phát triển, việc tích tụ, tập trung ruộng đất thành các trang trại trung bình là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề để sản xuất trên quy mô lớn và hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp làm chủ các doanh nghiệp gia đình, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Giữa các trang trại cần được hỗ trợ bởi liên kết, hợp tác trong khuôn khổ các HTX Nông nghiệp và các dịch vụ chuyển đổi số nhằm tăng hiệu quả. Cần cải thiện các chính sách và quy định về sử dụng đất nông nghiệp để giúp nông dân dễ dàng tạo ra các hệ thống sản xuất bền vững và đa dạng hơn, như chuyển từ thâm canh lúa hoặc ngô sang các hệ thống hỗn hợp (ví dụ: lúa - tôm, trái cây, rau hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp, hệ thống chăn nuôi kết hợp trồng trọt, nông nghiệp bảo tồn, VAC…). Các hệ thống này cần có chiến lược phát triển dài hạn, quản lý một cách hệ thống liên ngành, tích hợp kiến thức khoa học và kiến thức địa phương để tránh rủi ro trong chuyển đổi tự phát gây mất cân bằng cung cầu thực phẩm và sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên đất.
Gia tăng việc tiếp cận với các thị trường có yêu cầu chất lượng cao để gia tăng hiệu quả sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch thông qua áp dụng cơ giới hóa, canh tác nông nghiệp chính xác, nông nghiệp kỹ thuật số.
Nông thôn hiện đại: Là khái niệm chỉ các hoạt động kinh tế, xã hội nông thôn mang tính mới, hiện đại, trên cơ sở áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và đời sống ở nông thôn. Nông thôn hiện đại trước hết thể hiện ở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ phù hợp trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản kết hợp với các phương thức quản trị hiện đại, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng miền để bảo đảm sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với bảo quản, chế biến và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản kết hợp với du lịch nông thôn và bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuỗi giá trị nông sản, kết nối nông thôn - đô thị, quản trị nông thôn hiện đại, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nông dân văn minh là khái niệm chỉ phẩm chất, năng lực, phong cách của người nông dân. Đó là những người nông dân chuyên nghiệp, có trình độ dân trí cao, có kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, có tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo và làm giàu bền vững, biết ngoại ngữ, có kỷ năng sử dụng máy tính, tin học, hiểu biết về hội nhập quốc tế.
Để xây dựng người nông dân văn minh, cần quan tâm việc hỗ trợ học tập, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết hướng tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
TS. Trương Thị Mỹ Nhân cho rằng, mô hình “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” thể hiện các đặc điểm, tính chất: đáp ứng yêu cầu phát triển; chứa đựng các đặc điểm chung, có thể là phổ biến, có sự đổi mới về mô hình tổ chức, vận hành, bảo vệ môi trường ở nông thôn; đạt hiệu quả cao trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.