Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng địa phương
Bà Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/HNDTW ngày 31/01/2024 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch số 12 KH/HNDT ngày 13/3/2024 về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024 và hướng dẫn cho 21 huyện, thành, thị phối hợp triển khai thực hiện theo chương trình công tác. Trong đó Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện có chương trình tập huấn lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với nghiệp vụ công tác Hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nắm tình hình kinh tế xã hội và nhận thức pháp luật để tổ chức quán triệt, học tập pháp luật cho hội viên, nông dân; tìm hiểu thông tin, nắm bắt các vấn đề để vận động giúp đỡ các hộ dân tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, từ kế hoạch hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và sự phối hợp của UBND tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024, với nhiều nội dung cụ thể. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với điều kiện và tình hình, nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội ở mỗi địa phương khác nhau. Các hoạt động của Hội cần thiết thực, gắn với hoạt động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ pháp luật theo định hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở.
Trong đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đặc biệt chỉ đạo các cấp Hội cơ sở có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm hơn đến việc tuyên truyền pháp luật. Theo bà Nguyễn Thị Hải, các quy chế, chính sách dưới dạng văn bản thường khô cứng, có tính “hàn lâm”, khó hiểu đối với phần đông bà con lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, vì mưu sinh, bà con hàng ngày lên nương rẫy, ruộng đồng nên việc tập trung bà con tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là việc làm khó khả thi. Do đó, để tuyên truyền các văn bản luật pháp có hiệu quả chủ yếu phải dưới dạng tờ rơi, tờ gấp, sách, câu hỏi - đáp, chương trình phát thanh. Cùng với đó là hoạt động tích cực của cán bộ tuyên truyền pháp luật của địa phương. Họ tới từng nhà, nói rõ từng mục, từng chính sách và có thể trợ giúp pháp lý từng vụ việc cụ thể. Một số xã xây dựng tủ sách pháp luật đặt ở trung tâm xã, nếu cần thì tới đó tra cứu.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ Hội cơ sở. Ông heo ông Trần Văn Lập – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành Tư pháp và các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung và nhất là đối với khu vực miền núi nói riêng, gắn với việc củng cố, kiện toàn, xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại cơ sở.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tích cực tổ chức tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa X; Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị. Kết quả, đã tổ chức cho 5.200 lượt cán bộ hội viên nông dân trên toàn tỉnh...
Đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền
Theo bà Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, các cấp Hội tập trung tuyên truyền các vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân như chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; các tiêu chí xã chuẩn nông thôn mới, thôn, bản chuẩn nông thôn mới; phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, an toàn lao động, dân số, kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền xây dựng, phát triển tổ hợp tác; các quy định pháp luật về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thuỷ sản, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; tuyên truyền phòng chống ma tuý, buôn bán, tàng trử, sử dụng pháo nổ; Luật bảo vệ người tiêu dùng,….
Các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã được chuyển tải tới cán bộ, hội viên nông dân trong 21 huyện, thành thị với các hình thức tuyên truyền phong phú như: Hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt lồng ghép hoặc thông qua đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện, loa truyền thanh xã, xóm, các báo, phát tờ gấp, tờ rơi, bản tin Tiếng nói nhà nông, Cổng thông tin điện tử của Hội, trang mạng Facebook.... Kết quả, Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở trực tiếp và phối hợp lồng ghép tuyên truyền pháp luật được 2.782 buổi 161.212 lượt người tham gia, trong đó có 354 buổi 14.585 lượt người tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia tiếp công dân được 2.820 buổi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 20 đơn thư khiếu nại, tố cáo; tham gia 697 vụ hòa giải thành chủ yếu ở các chi hội...
Theo Kế hoạch 126 KH/HNDTW về hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia các hoạt động tuyên truyền từ cơ sở, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại các trung tâm của huyện và trụ sở cơ quan hội nông dân. Lồng ghép tìm hiểu Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật cán bộ công chức, Luật lao động qua các buổi sinh hoạt, tập huấn để thông qua đó cán bộ công chức hiểu và thực hiện đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của người lao động và quyền của công chức, viên chức. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo sâu rộng việc tuyên truyền Luật An toàn giao thông, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ người tiêu dùng cho đông đảo cán bộ hội viên nông dân nắm và thực hiện.
Chia sẻ về những kết quả đạt được từ đầu năm đến nay, ông Trần Văn Lập – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Các cấp Hội đã phối hợp các ngành chức chức năng tổ chức tập huấn 24 lớp về các kỹ năng trong công tác xã hội, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, kiến thức truyền thông về phòng chống lao. Trong đó, điển hình như Hội Nông dân thị xã Hương Trà đã tổ chức 1 lớp tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho 90 cán bộ, hội viên; Hội Nông dân Thành phố tổ chức 3 lớp tuyên truyền an toàn giao thông, đảm bảo trật tự đô thị cho 100 hội viên nông dân tham gia. Hội Nông dân thị xã Hương Thủy tổ chức 1 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 50 hội viên nông dân, 3 lớp tập huấn tuyên truyền lề Luật đất đai, công tác hòa giải ở cơ sở cho 120 hội viên; 2 lớp vầ an toàn vệ sinh thực phẩm cho 100 hôi viên nông dân tham gia. Hội Nông dân thành phố Huế đã tổ chức 11 buổi tuyên truyền pháp luật cho 294 hội viên nông dân tham dự.
Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế còn thông qua trang thông tin điện tử của Hội, Fanpage, nhóm Zalo của Hội Nông dân tỉnh để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân; cấp phát 2.500 tờ rơi về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Hưởng ứng tháng cao điểm tuyên truyền Ngày pháp luật Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Quảng Điền đã tổ chức Hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức Nông thôn mới nâng cao và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028. Tham gia có 100 hội viên nông dân đến từ 11 đội của 11 xã, thị trấn.Tại hội thi, các đội phải trải qua ba phần thi gồm: Phần thi tự giới thiệu, phần thi kiến thức và phần thi tài năng. Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức đã 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba và giải phụ phần thi tài năng xuất sắc nhất.
Ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, việc hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam cũng đã được các cấp Hội lên kế hoạch, thực hiện thông qua nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật do Hội NDVN triển khai tới Hội Nông dân các tỉnh, thành phố ngay từ đầu năm, thường xuyên, liên tục, kịp thời mà không chỉ tập trung vào tháng cao điểm trong năm (tháng 11). Các cấp Hội xác định rõ việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để tạo thành một thói quen tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân; khơi dậy trong nông dân ý thức về trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn./.
- TIN BUỒN: Cụ Nguyễn Văn Cang từ trần
- Cụm thi đua số 4: Tăng cường kết nối giao thương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hoạt động an sinh xã hội
- Sát cánh cùng nông dân vượt khó, Cụm thi đua số 1 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác Hội
- Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân..."