Điện Biên: Đào tạo nghề đa dạng cho hội viên nông dân
Lao động qua học nghề có việc làm ổn định đạt tỷ lệ cao
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được Hội Nông dân tỉnh Điện Biên chú trọng. Qua kiến thức và kỹ thuật được trang bị từ các lớp đào tạo nghề, nhiều người lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định.
Năm 2021, toàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề được cho 8.185 lao động nông thôn, trong đó có khoảng 4.800 lao động nông thôn được hưởng các hỗ trợ của các chương trình, dự án của nhà nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh duy trì được việc làm ổn định cũng đạt được trên 75%. Những kết quả đó đã góp phần rất tích cực vào công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Vừa qua, dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Điện Biên), 35 học viên lớp dạy nghề trồng nấm là hội viên nông dân ở bản Ta Lét 1 (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) đều đã có thể tự tay hoàn thành những bịch nấm sò đầu tiên. Các học viên nông dân rất phấn khởi vì đã nắm được kỹ thuật cơ bản về trồng nấm để tương lai có thể tự trồng nấm tại nhà, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Lớp khai giảng kỹ thuật trồng nấm và trồng cây ăn quả cho hội viên nông dân bản Che Phai và bản Nà Búng (phường Thanh Trường, TP.Điện Biên Phủ).
Chị Lò Thị Thắm, hội viên nông dân bản Ta Lét 1 cho biết: “Qua lớp học này chúng tôi được học rất nhiều kiến thức như sơ chế rơm, nghiền vật liệu như thế nào, độ ẩm ra sao, ủ rơm thế nào cho đúng cách... sau đó là sơ chế nấm rơm và nấm sò. 4 chị em trong tổ khi học xong cũng đang rủ nhau ủ một đống rơm để làm nấm sò, vì 1 nhà làm nhiều rơm quá thì làm không hết, nên 4 chị em đang rủ thành lập 1 tổ để làm”.
Chị Quàng Thị Sinh, cùng bản Ta Lét 1 cũng phấn khởi nói: “Rất cảm ơn Trung tâm đã tạo điều kiện cho bản thân em và bà con được hiểu biết thêm về nghề trồng nấm rơm, từ đó tạo điều kiện cho bà con biết thêm nghề để có điều tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã và đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, huyện Điện Biên đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.100 lao động nông thôn.
Chú trọng khảo sát nhu cầu, tổ chức dạy nghề đa dạng cho hội viên
Để công tác đào tạo nghề và việc ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Từ đó phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên nông dân tại cơ sở.
Từ ngày 12 đến ngày 19/9/2022, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên phối hợp với phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ tổ chức khai giảng 9 lớp học nghề cho 350 hội viên nông dân của các xã Thanh Hưng, Thanh Yên, Pom Lót, Thanh Nưa, Thanh Luông, Pa Thơm (huyện Điện Biên) và phường Thanh Trường, xã Nà Nhạn (Thành phố Điện Biên Phủ).
Ông Lù Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi khai giảng.
Học viên được học các nghề kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng nấm, trồng lúa và trồng ngô. Tất cả các lớp học được diễn ra trong thời gian 2 tháng, Lớp học được học được thực hiện theo phương thức “Cầm tay chỉ việc” giúp học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức vào thực tiễn nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có tại gia đình.
Đối với lớp trồng cây ăn quả, các học viên được tìm hiểu về giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả, được hướng dẫn cách lựa chọn giống cây ăn quả (bưởi, xoài, nhãn...), kỹ thuật nhân giống, ghép giống kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây, cách thu hoạch và bảo quản các loại quả, được học lý thuyết, đồng thời thực hành ngay tại vườn từ khâu làm đất đào hố, chuẩn bị phân bón và xuống giống, việc chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây ăn quả theo thời kỳ sinh trưởng.
Học viên lớp trồng cây ăn quả xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) trao đổi kinh nghiệm với Giám đốc HTX công nghệ cao Phú Mỹ Xanh.
Lớp trồng nấm: Học viên sẽ được giảng viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm và nấm dược liệu, như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Kỹ thuật và phương pháp xử lý nguyên liệu, nuôi cấy meo giống. Kỹ thuật ươm sợi nấm, cách chăm sóc nấm trong quá trình sinh trưởng, thu hoạch. Công tác sơ chế và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nấm thương phẩm. Kỹ năng lựa chọn loại nấm thích hợp theo mùa vụ và nhu cầu thị trường để nuôi trồng nấm.
Lớp trồng lúa và trồng ngô: Học viên sẽ được đào tạo về kỹ thuật trồng lúa, ngô năng suất cao: cách xử lý đất, ngâm ủ giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trị sâu bệnh cho lúa, ngô…
Các giảng viên sẽ truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu, dành thời gian trao đổi để học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức thời gian học lý thuyết là 30 tiết, thời gian thực hành là 250 tiết. Ngoài ra học viên còn được tham quan các mô hình của các hộ sản xuất giỏi.
Thông qua các lớp dạy nghề nhằm góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt tạo điều kiện giúp cho hội viên nông dân tăng thu nhập, đồng thời cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá -–hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới..
Tỉnh Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định ở tỉnh đạt khoảng 80%. Mục tiêu này được kỳ vọng giúp người lao động có thể tiếp cận được với các công việc đòi hỏi tay nghề cao để có thu nhập ổn định hơn.
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”