Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Bình Thuận: Hướng dẫn hội viên nông dân chuyên canh rau an toàn ở Hàm Thuận Bắc

Nguyễn Trung Toàn - 16:10 09/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác. Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ hội viên về giống, kỹ thuật canh tác, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để chuyên canh rau an toàn đạt hiệu quả cao.  
TIN LIÊN QUAN

Tập huấn cho hội viên nắm chắc kỹ thuật canh tác 

Hiện nay, toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 730ha rau các loại, tập trung tại địa bàn thị trấn Phú Long, các xã Hàm Đức, Hồng Sơn, Thuận Minh và Hồng Liêm… với sản lượng 6.147 tấn, năng suất bình quân đạt 84 tạ/ha. Sản lượng rau xanh có xu hướng tăng qua các năm gần đây và tăng chủ yếu trong vụ Đông Xuân, sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước bình quân khoảng 5%. Cơ cấu, chủng loại rau trên địa bàn huyện khá phong phú và đa dạng như nhóm rau ăn lá, rau lấy quả, rau lấy thân, củ, rễ.

Việc sản xuất rau sạch trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh minh hoạ

Rau của nông dân huyện Hàm Thuận Bắc được nhập trực tiếp vào hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các huyện, thành phố, thị xã, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể của các trường học, bệnh viện… với sản lượng tương đối ổn định. Để kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, từng bước quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rau của huyện Hàm Thuận Bắc, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã phối hợp với địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân cấp xác nhận 05 chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn cho hệ thống quầy hàng bán lẻ và các bếp ăn tập thể, định kỳ giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng tem xác nhận điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code. Toàn huyện có 30,9 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có 02 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác, 02 hộ trang trại sản xuất các chủng loại rau có khả năng cung ứng sản phẩm rau an toàn, VietGAP.

Mới đây, nhằm tăng cường hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chuyên canh trồng rau an toàn, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hồng Liêm - địa phương có diện tích canh tác rau xanh lớn của huyện và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện khai giảng lớp trồng rau sạch cho các hộ hội viên nông dân tại địa phương.

Khai giảng lớp tập huấn trồng rau sạch cho hội viên nông dân xã Hồng Liêm.

Bà Võ Thị Kim Triên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Liêm cho biết: Lớp trồng rau sạch được khai giảng dựa trên nhu cầu của hội viên nông dân trực tiếp sản xuất rau tại địa phương. Việc canh tác, sản xuất trong thời gian qua của hội viên nông dân được thực hiện theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, chất lượng chưa cao. Để khắc phục những hạn chế trên, hội viên nông dân trong xã cần được hỗ trợ thêm về kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất. Nhận thấy nhu cầu của hội viên nông dân, Hội Nông dân xã đã vận động các hộ trực tiếp trồng rau để mở lớp nhằm giúp cho hội viên nắm bắt thêm về những kiến thức, kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ vào quá trình sản xuất từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo quy chuẩn để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau sạch; đồng thời giúp tăng thu nhập cho người trồng rau.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Hội Nông dân xã Hồng Liêm đã xuống giống thử nghiệm mô hình trồng tỏi năng suất cao. Sau khi tham khảo trên địa bàn xã, về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã Hồng Liêm đã chọn 3 hộ tham gia trình diễn mô hình trồng tỏi tại địa phương. Ngay những ngày đầu khi tiếp cận mô hình, ông Huỳnh Văn Năm (thôn Liêm Thuận, xã Hồng Liêm) hết sức tâm đắc bởi từ trước tới nay tại địa phương chưa có hộ nông dân nào trồng giống cây gia vị này.

Hội viên nông dân tham gia tập huấn được các cán bộ Khuyến nông phổ biến kỹ thuật trồng rau xanh, rau gia vị.

Theo ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc, giống tỏi Phan Rang là giống tỏi địa phương thuộc TP. Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cũng được trồng và phát triển thành vùng hàng hóa lớn tại một số tỉnh có điều kiện sinh thái tương tự như ở Hàm Thuận Bắc. Đối với giống tỏi Phan Rang mà bà con nông dân xã Hồng Liêm đang trồng thì năng suất thu hoạch được 3,5 tạ/sào. Kết quả sau khi đã trừ chi phí, bà con vẫn thu lợi nhuận được 3,5 triệu đồng/sào.

Giống tỏi Phan Rang có thời gian sinh trưởng từ trồng đến thu hoạch khoảng 125-130 ngày, lá xanh đậm, dày, cứng, củ to trung bình, tép tỏi tỏa đều và chắc, vỏ lụa củ màu trắng ngà. Năng suất củ khô khoảng 8 - 10 tấn/ha, có hương thơm, mùi vị cay nồng. So với một số cây trồng khác thì cây tỏi không tốn nhiều công chăm sóc, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.Trong đó, phân bón chủ yếu sử dụng để bón lót trước khi xuống giống. Còn thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng hạn chế để ngăn ngừa sâu bệnh hại lá.

Phổ biến kỹ thuật trồng tỏi giúp hội viên nâng cao hiệu quả kinh tế

Ông Nguyễn Văn Ánh lưu ý bà con một kỹ thuật khi trồng tỏi đó là người trồng phải chia khu đất thành từng luống cao, từ 5-10cm để tăng khả năng thoát nước. Cây tỏi nếu phát triển tốt thì sau thời gian 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch. Khi lá và thân cây bắt đầu khô, chuyển sang màu vàng, đường kính củ đạt 3,5 - 4cm là đã đến tuổi cho thành phẩm. Thông thường, quá trình thu hoạch chia làm 3 - 4 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày.

Ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tại lớp tập huấn.

Trồng tỏi trong vụ Đông - Xuân, tốt nhất từ 15 tháng 10 đến đầu tháng 11 dương lịch, thu hoạch từ tháng 2 đến đầu tháng 4 năm sau. Trồng tỏi trên chân ruộng cao, thoát nước tốt, đất cát, cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp, giàu mùn, độ pH thích hợp 6,0-6,5. 1.3. Đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, bằng phẳng và sạch cỏ dại, kết hợp với bón phân chuồng đã ủ hoai mục. Nếu đất chua (pH < 6) cần phải bón thêm vôi bột, lượng vôi bón tùy theo độ chua của đất (trung bình 500 - 1000 kg/ha). Mật độ trồng 100 cây/m2, khoảng cách trồng: Cách hàng x cách cây: 10 cm x 10 cm. Trồng tỏi theo luống, chiều rộng mỗi luống 90 – 100cm, khoảng cách rãnh giữa 2 luống 30 - 40cm; mỗi luống trồng khoảng 8 - 9 hàng tỏi.

Chuẩn bị giống: Chọn những tép từ củ chắc, khối lượng củ 12-15g, đường kính củ 3,5-4,0 cm có 10-12 tép, chọn từ 8-10 tép bênh ngoài để trồng, không sử dụng tép lõi. Lượng giống: 0,7-1,0 tấn/ha.

Kỹ thuật trồng: Găm đứng 2/3 tép tỏi vào đất, sau đó có thể phủ một lớp rơm rạ băm ngắn lên luống để giữu ẩm và hạn chế cỏ dại. Sau trồng 8 -10 ngày kiểm tra và trồng dặm những chỗ không mọc hoặc bị sâu phá hại.

Lượng phân bón cho 1ha tỏi bao gồm: Phân hữu cơ: 20 tấn phân chuồng ủ hoai (bón lót sau khi làm đất). Phân hóa học: Lượng phân nguyên chất (kg/ha): 350 kg Urê; 500 kg Super lân; 280 kg Sulfat Kali. Phân hữu cơ chỉ dùng loại đã ủ hoai, không dùng phân tươi hoặc nước phân tươi để tưới cho cây. Bón phân khi đất đủ ẩm, bón vào chiều mát.

Thời kỳ bón phân và lượng phân bón: Bón mỗi lần (cho 1 ha tỏi) như sau:

Nhà nông cần sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho tỏi theo phương pháp tưới phun mưa, lượng nước tưới theo nhu cầu sinh trưởng của cây tỏi. Giai đoạn cây tỏi phát triển thân lá cần phải tưới nước đủ ẩm (độ ẩm 70 - 80%). Giai đoạn củ lớn nhu cầu cần nước giảm (cần ẩm độ 60%), không nên tưới thừa nước ở giai đọan này vì cây tỏi dễ sinh bệnh và ảnh hưởng đến bảo quản.

Trong quá trình canh tác, nhà nông không được để tỏi bị ngập úng, phải tiêu nước kịp thời khi gặp mưa lớn, khi gặp thời tiết mưa lớn và kéo dài nên xới xáo để tạo đất thông thoáng. Nhà nông cần thường xuyên nhổ sạch cỏ dại trên ruộng tỏi; thường xuyên quan sát và phòng trừ sâu bệnh cho cây tỏi.

Đối với nhóm bọ trĩ, dòi đục lá, bà con nông dân cần sử dụng một trong các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật sau: Emamectin benzoate), Spinetoram, Clothianidin. Đối với nhện hại: sử dụng một trong các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật sau: Bifenazate, Spirodiclofen, Sulfur, Abamectin…  Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra (bệnh khô đầu lá, bệnh thối nhũn): sử dụng một trong các hoạt chất thuốc Ningnanmycin, Kasugamycin; Fthalide + Kasugamycin. Các bệnh do nấm gây ra (Bệnh mốc sương, bệnh than đen, bệnh thối rễ,…) sử dụng một trong các hoạt chất sau: Propineb + Trifloxystrobin.

Thu hoạch: Khi lá của cây bắt đầu khô và chuyển sang màu vàng, khi có từ 30-50% lá bị tàn lụi, hoặc sau khi trồng từ 125 - 130 ngày tuổi là có thể thu hoạch. Nhổ củ, giũ sạch đất bó thành chùm, treo trên dây ở chỗ thoáng để bảo quản. Nếu có nhiều để vào kho, trên giàn nhiều tầng thông 5 thoáng để bảo quản tỏi thương phẩm.

Nông dân thu hoạch tỏi giống Phan Rang. Ảnh minh hoạ.

Kỹ thuật nhân giống và thu hoạch củ tỏi giống: Nhân giống tỏi bằng kỹ thuật tuyển chọn những củ to, chắc, tép tỏi tỏa đều, không bị bệnh. Sau khi trồng 140 ngày tuổi, khi củ tỏi đã già và chín sinh lý, thu hoạch vào thời điểm không bị mưa. Tỏi sau khi thu hoạch được phơi khô cho tới khi vỏ ngoài khô và héo toàn bộ lá; Bóc bớt lớp vỏ ngoài của củ, bó thành từng túm (2-3 kg/túm). Sau khi phun thuốc phòng trừ sâu mọt hại tỏi giống từ 3- 4 giờ cho nước thuốc thấm khô rồi đưa vào bảo quản trên các giàn nơi thoáng mát./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác