Thông tin từ cơ sở

Hòa Vang:

Tổ chức Hội Nông dân tham gia tổ chức giỗ liệt sĩ, tri ân gia đình có công

Hồng Đoàn - 16:07 25/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), bằng tấm lòng tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, Hội Nông dân các cấp cùng chính quyền và đoàn thể các xã trong huyện Hoà Vang (TP. Đà Nẵng) đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực tri ân các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách tại địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Hội Nông dân tham gia tổ chức các lễ giỗ liệt sĩ

Ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) có lễ giỗ liệt sĩ được chính quyền và nhân dân 11 xã trên địa bàn huyện duy trì, tổ chức suốt nhiều năm qua vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7). Lễ giỗ diễn ra thật ấm áp nghĩa tình, đậm chất nhân văn và thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thời chiến tranh, Hòa Vang là một trong những vùng bị giặc đánh phá ác liệt, là chiến trường chính của các đơn vị bộ đội chủ lực như Trung đoàn 31 (Đại đội 25 Đặc công), Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2), Sư đoàn 324 (Mặt trận 4), Trung đoàn pháo binh 575, lực lượng vũ trang của huyện cùng nhiều đơn vị phối hợp. Trên địa bàn huyện hiện có 11 nghĩa trang với 5.081 mộ liệt sĩ, trong đó 2.302 mộ có đầy đủ thông tin, 389 mộ có một phần thông tin, 1.605 mộ chưa xác định thông tin, 785 mộ vong (mộ không có hài cốt)... Còn hôm nay, quê hương này đã khoác lên mình chiếc áo mới với sự phát triển năng động, ngày càng giàu, đẹp. Dù cảnh vật đổi thay nhưng lòng người Hòa Vang không thay đổi. May mắn được hưởng trái ngọt thanh bình, những người sống sau chiến tranh vẫn không quên quá khứ một thời đấu tranh gian khổ.

Chi hội Nông dân thôn Lệ Sơn Bắc cùng hệ thống chính trị thôn đã tổ chức lễ giỗ Liệt sĩ Lê Văn Mộc tại nhà bà Đặng Thị Đợi - vợ liệt sĩ neo đơn.

Bà Phạm Thị Cúc Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho biết, nhằm làm vơi bớt nỗi cô quạnh, chia sẻ tình làng nghĩa xóm, tri ân các liệt sĩ, những người con quê hương đã anh dũng hi sinh cho độc lập, tự do, ngày 21/7/2024, Chi hội Nông dân thôn Lệ Sơn Bắc cùng hệ thống chính trị thôn đã tổ chức lễ giỗ liệt sĩ Lê Văn Mộc tại nhà Bà Đặng Thị Đợi - vợ liệt sĩ neo đơn. Anh Nguyễn Đăng Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lệ Sơn Bắc bộc bạch: “Mọi người đến với nhau bằng tấm lòng ấm áp, nghĩa tình. Khi triển khai hoạt động này, các anh, các chị trong hệ thống chính trị thôn hưởng ứng nhiệt tình và đầy tâm huyết. Mỗi người đều thể hiện nghĩa cử của mình là tự động đưa ra món, tự đi chợ, tự nấu nướng và dọn vệ sinh không để gia đình bận tâm, cán bộ trong hệ thống chính trị thôn đều đến rất sớm để chăm lo gia đình".

Đây là hoạt động thiết thực giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Được biết tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến có 1.169 ngôi mộ liệt sĩ là những người con của mảnh đất Hòa Tiến hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại hòa bình cho đất nước.

Ban Chấp hành Hội Nông xã Hoà Phú tổ chức làm lễ giỗ cho liệt sỹ Phạm Khôi (thôn Hoà Phát).

Ngày 23/7/2024, Ban Chấp hành Hội Nông xã Hoà Phú tổ chức làm đẹp bàn thờ, làm lễ giỗ cho liệt sĩ Huỳnh Thê và tặng quà cho ông Huỳnh Ngôn (thôn Hội Phước) là con của liệt sĩ, Hội Nông dân xã cũng phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội của xã tổ chức giỗ liệt sĩ Phạm Khôi (thôn Hoà Phát).

Còn theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hoà Liên đã thăm và tặng 5 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho các gia đình cán bộ chi hội là người có công với cách mạng, gia đình đang thờ cúng liệt sĩ.

Hội Nông dân xã Hoà Liên đã thăm và tặng 5 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho các gia đình cán bộ chi hội là người có công với cách mạng, gia đình đang thờ cúng liệt sĩ.

Cũng nhân dịp này, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hoà Khương đến thăm và tặng 3 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho các gia đình chính sách là người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ. Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Khương chia sẻ: “Đây là hoạt động hàng năm được Hội Nông dân xã duy trì đều đặn thông qua sự ủng hộ của hội viên nông dân trong xã nhằm tri ân những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những mất mát trong chiến tranh của người dân địa phương, đồng thời cũng bày tỏ tình cảm của hội viên nông dân trong xã với các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, tăng cường tính gắn kết nhân dân, tình đoàn kết xóm làng”.

Hội Nông dân xã Hoà Khương đến thăm và tặng 3 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho các gia đình chính sách là người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc

Chiều 24/7 vừa qua, Hội Nông dân huyện phối hợp với Hội Cựu chiến binh huyện Hòa Vang cùng các đơn vị, đoàn thể chính trị xã Hòa Phước tổ chức làm đám giỗ tri ân các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng tại gia đình ông Nguyễn Quang Vinh ở thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước.

Ông Trương Văn Hòa, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Hòa Vang cho biết, nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm Hội chọn một gia đình liệt sĩ neo đơn, khó khăn để thăm hỏi, tặng quà động viên và hỗ trợ tổ chức làm đám giỗ để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hoạt động này góp phần giúp xoa dịu phần nào nỗi đau thương, mất mát của các gia đình liệt sĩ.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Hòa Phong, nhiều năm nay, mỗi dịp 27-7, xã tổ chức lễ giỗ trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã và mời tất cả thân nhân liệt sĩ ở địa phương đến dự. Kinh phí tổ chức đều xã hội hóa. Năm nay, xã sẽ tổ chức lễ giỗ liệt sĩ vào chiều 25-7. Hơn 920 ngôi mộ đều được sửa sang tươm tất, có đèn, nhang, hoa tươi và có cả áo giấy đặt ngay ngắn trên từng phần mộ... Nhiều thân nhân liệt sĩ chia sẻ, ở gia đình cũng có làm giỗ hàng năm vào ngày hy sinh của người thân, nhưng lúc về dự giỗ chung, được gặp nhiều gia đình khác, cùng trò chuyện, chia sẻ những mất mát, đau thương trong chiến tranh, họ cảm thấy ấm lòng hơn.

Ngoài lễ giỗ do xã tổ chức, lễ giỗ liệt sĩ còn được Hội Nông dân các cấp lan tỏa đến tận thôn xóm, như ở các thôn Yến Nê, La Bông (xã Hòa Tiến), Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), La Châu (xã Hòa Khương), Trường Định (xã Hòa Liên)... Người dân đến dự giỗ liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình tri ân những người đã ngã xuống. Giỗ liệt sĩ ở vùng nông thôn Hoà Vang  vì thế trở thành nét đẹp nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, sáng ngày 20/7, Hội Nông dân xã Hoà Châu cùng với các hội đoàn thể của xã tổng ra quân dọn vệ sinh môi trường tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã và thay hoa mới, thắp hương tại các phần mộ Liệt sĩ.

Cùng với việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ, Hội Nông dân các cấp huyện Hoà Vang còn tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang Liệt sĩ. Điển hình như Hội Nông dân các xã Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Phước và các hội đoàn thể của xã tổng ra quân dọn vệ sinh môi trường tại nghĩa trang Liệt sỹ của xã và thay hoa mới tại các phần mộ liệt sỹ của xã.

Hội Nông dân xã Hoà Phong ra quân vệ sinh môi trường, chỉnh trang, thay hoa mới phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ của xã.

Có thể nói, các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ hàng năm đều diễn ra trân trọng, ấm áp, nghĩa tình từ Trung ương đến địa phương, nhưng với người dân huyện Hòa Vang, mỗi lễ giỗ liệt sĩ phải được tổ chức thiêng liêng và sâu lắng. Một việc làm nhân văn giàu ý nghĩa của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở vùng nông thôn này là sự tri ân những người đã hy sinh thân mình để đất nước, quê hương có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Qua đó, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về công lao của những người đã ngã xuống, để trau dồi đạo đức, nhân cách và lẽ sống, xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác