Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hội Nông dân Nam Định hỗ trợ xây dựng các Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn

Thu Nga - 07:32 19/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua tại UBND xã Hải Giang, Hội Nông dân tỉnh Nam Định phối hợp với Hội Nông dân huyện Hải Hậu tổ chức thẩm định dự án “Nuôi lươn không bùn" từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương của Tổ hợp tác thuộc Hội Nông dân xã Hải Giang với 13 thành viên là hội viên nông dân chăn nuôi giỏi, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường.
TIN LIÊN QUAN

Hội hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi lươn không bùn

Theo ông Vũ Đình Từ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Giang, quá trình thành lập Tổ hợp tác và xây dựng dự án “Nuôi lươn không bùn” của Hội Nông xã Hải Giang nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm nhân rộng mô hình và tạo ra chuỗi giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Các thành viên tổ hợp tác rất phấn khởi trước sự quan tâm của các cấp Hội và cam kết sau khi thẩm định, nguồn vốn được giải ngân sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích để phục vụ cho sản xuất thật hiệu quả, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bà Trần Thị Thúy Đoan (đứng giữa), Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu thăm mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ ông Vũ Văn Như, xã Hải Giang.

Sau khi báo cáo cấp ủy, chính quyền về Dự án thành lập Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn, Hội Nông dân xã đã tích cực chuẩn bị và thực hiện theo các bước hướng dẫn, khi được giải ngân, các thành viên được vay từ nguồn vốn này cần sử dụng nguồn vốn một cách có trách nhiệm và hiệu quả, thu hút được nhiều hội viên tham gia vào Tổ hợp tác và tham gia vào Hội. Hội Nông dân xã Hải Giang mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của Hội cấp trên và các cấp, các ngành để phong trào hoạt động của Hội xã càng ngày càng phát triển.

“Công tác rà soát các mô hình được Hội Nông dân huyện thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn và lựa chọn mô hình phù hợp đạt các tiêu chí của dự án. Hội Nông dân huyện mong muốn sau khi được tiếp cận và thực hiện dự án, các thành viên Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn thuộc Hội Nông dân xã Hải Giang sẽ thực hiện đúng theo cam kết, sử dụng đúng mục đích và phát huy đồng vốn hiệu quả, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông sẽ tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi lươn an toàn, bảo vệ môi trường cho các hội viên nông dân tham gia dự án và người nuôi lươn tại địa phương” - Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu cho biết.

 Ông Nguyễn Thanh Long – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trưởng đoàn thẩm định dự án đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án đối với tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và thực sự đem lại hiệu quả...  Ông Nguyễn Thanh Long cũng giao trách nhiệm cho Hội Nông dân xã Hải Giang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án, đồng thời hướng dẫn Tổ hợp tác xây dựng quy chế sinh hoạt định kỳ của Tổ trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Thư - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hải Giang đánh giá, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến phong trào nông dân trong xã, đặc biệt là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội viên nông dân trong xã luôn có tinh thần đoàn kết dám nghĩ dám làm, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả, góp phần tích cực tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã.

Đoàn công tác Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình nuôi lươn không bùn tại HTX Nam Hải (huyện Nam Trực).

Cùng với việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn thuộc Hội Nông dân xã Hải Giang, Hội Nông dân tỉnh Nam Định cũng đang hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác nuôi thuỷ sản, trong đó có nuôi lươn không bùn tại HTX Nam Hải (huyện Nam Trực).

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và lựa chọn mô hình phù hợp, anh Vũ Văn Như (xã Hải Giang, Hải Hậu) đang thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trên bể áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi. Năm 2018, sau khi tìm hiểu và tham quan thực tế tại các tỉnh phía Nam, nhận thấy đây là mô hình rất hiệu quả, anh Như đã xây 20 bể xi măng nuôi lươn không bùn. Sau 10-12 tháng, bán 1 vạn con lươn thương phẩm có thể cho lãi từ 70-80 triệu đồng. Trong năm 2022 với 20 bể đã xuất bán được khoảng hơn 5 tấn lươn thương phẩm.

Hiện tại, anh Như đã mở rộng quy mô nuôi lươn lên 60 bể với 10 vạn con, nuôi theo hình thức gối vụ để giảm áp lực về tài chính khi mua giống. “Gia đình chúng tôi vẫn có mong muốn mở rộng thêm quy mô vì lươn là đối tượng nuôi đang có hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về tài chính, bà con cũng rất mong muốn có được đầu ra ổn định để yên tâm phát triển sản xuất”, anh Vũ Văn Như nói và cũng hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi trong thời gian tới.

Thành công từ mô hình của anh Như, hiện xã Hải Giang đã có 15 hộ đầu tư xây bể nuôi lươn không bùn và liên kết thành lập nhóm để tương trợ nhau từ vật tư đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Mô hình nuôi lươn không bùn hiện đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ cho người dân địa phương. Hiện nay, lươn thương phẩm của toàn xã chủ yếu được bán cho các thương lái, chưa có đầu ra ổn định nên nhiều hộ đang rất đắn đo khi muốn mở rộng quy mô nuôi lươn.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình hội viên Vũ Văn Phụng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Hải Giang nằm ngay cạnh bờ sông Ninh Mỹ. Đây là hộ chuyển sang nuôi lươn không bùn từ năm 2020 bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước như gia đình anh Như. Với gần 20 bể lươn, anh Phụng khẳng định đây là đối tượng nuôi hiệu quả, đem lại lợi nhuận ổn định cho gia đình: “Với gia đình tôi, mỗi 1 vạn lươn giống sau khi chăm sóc, xuất bán, trừ hết các chi phí có thể thu lời từ 70 - 80 triệu, hiệu quả rõ rệt hơn hẳn so với trước đây”.

Mô hình nuôi lươn không bùn của hội viên Vũ Văn Phụng, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Hải Giang.

“Trong nuôi lươn, cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình khoa học kỹ thuật đã được các chuyên gia hướng dẫn, thức ăn được sử dụng thường là thức ăn thủy sản như cám cá chẽm, cám cá chuối. Mỗi ngày sẽ có 2 lần cho ăn và 3 lần thay nước. Lươn là loài ưa sạch. Buổi sáng sẽ phải thay nước vào lúc từ 5 - 6h, sau đó cho ăn. Buổi chiều thay nước vào khoảng 15 – 16h rồi cho ăn lần 2, đến tối thay nước lần cuối vào lúc 21h”, anh Phụng chia sẻ về cách nuôi lươn.

Để có một lứa lươn xuất bán cần nuôi từ 10 - 12 tháng và theo tính toán của người nuôi ở xã Hải Giang, mỗi 1kg lươn cần khoảng 1,2kg thức ăn với giá thức ăn hiện vào khoảng 33.000 đồng/kg, chưa kể con giống, công chăm sóc.

Về giống, các hộ nuôi lươn vẫn nhập từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mức giá dao động từ 50 - 60 triệu đồng/1 vạn giống tùy thời điểm, với kích thước 300 - 400 con/kg. “Với 1 vạn giống ban đầu có thể nuôi trong 2 bể, sau đó khi được khoảng 2 tháng sẽ tiến hành tách đàn, lọc kích thước bằng lưới rồi chia ra khoảng 4 bể nuôi đến khi xuất bán”, anh Vũ Văn Như cho biết.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Hải Hậu thăm mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Phạm Thế Thành, thành viên trong tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Hải Giang.

Lươn đến khi đạt kích cỡ khoảng 3 - 4 con/kg thì có thể xuất bán. Giá bán lươn hiện nay vào khoảng 150.000 đồng/kg lươn sống, có giảm so với trước đây (khoảng 200.000 đồng/kg) nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi lươn.

Về các bệnh trên lươn, nông dân nuôi lươn ở Hải Giang chia sẻ kinh nghiệm, chủ yếu là các bệnh đường ruột, xuất huyết hay bệnh nấm. Để phòng trừ, cứ mỗi tuần chủ trại phải đánh bể diệt khuẩn một lần. Còn khi quan sát thấy lươn đã bị nấm thì phải cô lập bể, đánh thuốc để chữa bệnh cho lươn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác