Hội Nông dân Phú Yên: Đào tạo nghề theo “đặt hàng”, hỗ trợ sinh kế thiết thực cho nông dân
Được Trung ương Hội nâng cấp cơ sở vật chất, Trung tâm quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Ngày 3/10/2022, tại TP. Tuy Hòa, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn giao tài sản sau đầu tư cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Phú Yên (Trung tâm). Trước đó, Trung tâm được Trung ương Hội thành lập năm 2002 tại TP.Tuy Hòa, với kinh phí xây dựng hơn 4.8 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, Trung tâm đã mở 45 lớp đào nghề cho lao động nông thôn, với 1.350 học viên. Về dịch vụ hỗ trợ nông dân, Trung tâm đã tín chấp bán trên 540 tấn phân bón trả chậm, với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Trung tâm cũng đã phối hợp với Bưu điện Phú Yên giúp 9.540 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại lễ bàn giao Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp Phú Yên.
Theo thống kê của Trung tâm, trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm tổ chức đào tạo được hơn 400 lớp nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề, với gần 17.000 hội viên nông dân tham gia học nghề. Sau thời gian đào tạo, từ 75-80% nông dân đã có việc làm ổn định, một số hộ đứng ra thành lập chi tổ hội nghề nghiệp, phát huy nghề đã học và được địa phương công nhận thoát nghèo; một số hộ trở thành khá giả, kinh tế gia đình từng bước phát triển, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Sau gần 2 năm được hỗ trợ đào tạo nghề nuôi và phòng trừ bệnh cho trâu bò do Trung tâm tổ chức, nhiều hội viên nông dân ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đã xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Chị Hờ Vương, một hộ nuôi cho biết: “Với nghề nuôi bò sinh sản, chúng tôi đã có thu nhập cao hơn so với làm rẫy. Để duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi này, công đầu phải kể đến sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân với việc dạy nghề rất bài bản về cách chọn giống, cách chăm sóc và phòng trừ bệnh. Nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chu kỳ sinh sản, nên trong quá trình nuôi, gia đình tôi đã kiểm soát được 90% dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt ngày càng thấp”.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm, được sự quan tâm nâng cấp về cơ sở hạ tầng của Trung ương Hội NDVN và của tỉnh Phú Yên, xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên nông dân có vai trò quan trọng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là nông dân ở nông thôn, tới đây Trung tâm tiếp tục tiến hành khảo sát, tập hợp hội viên nông dân có nhu cầu học nghề, sau đó tổ chức dạy nghề hoặc phối hợp với các đơn vị, đối tác để triển khai các khóa dạy nghề, đáp ứng thiết thực và kịp thời nhu cầu học nghề của nông dân.
Tháng 10 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp khai giảng 4 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Tham gia các lớp học có gần 150 học viên chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo ở các xã Sông Hinh, Ea Bia (huyện Sông Hinh) và Cà Lúi, Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) tham gia các lớp học.
Trong thời gian khoảng 3 tháng, các học viên được trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi bò đực giống, bò cái sinh sản, phòng và chữa bệnh cho trâu bò. Cùng với lý thuyết, lớp học thực hành nhận biết các dấu hiệu bệnh, sử dụng thuốc thú y, kỹ thuật tiêm phòng và chữa trị một số bệnh thường gặp với đàn trâu, bò tại địa phương như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.
Khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh).
Sau khi hoàn thành khóa học, Trung tâm sẽ cấp chứng chỉ nghề “Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò” cho các học viên đạt yêu cầu. Đây cũng sẽ là những nhân tố tích cực tại cộng đồng phát triển nghề chăn nuôi, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mở rộng đào tạo nghề theo “đặt hàng” của các địa phương
Thời gian tới, Trung tâm sẽ bố trí thời gian học nghề phù hợp, tránh tình trạng thời gian đào tạo nghề trúng vào mùa vụ; hướng dẫn học viên thành lập các tổ liên kết hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp cận các nguồn vốn vay, xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi sản xuất…
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Tỉnh Hội chỉ đạo các cấp Hội tiến hành điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình lao động nông thôn trên cơ sở có định hướng những ngành nghề phù hợp với từng đơn vị. Với vai trò đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã xây dựng các bộ chương trình, khung chương trình theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề, liên kết với các công ty, doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp hội viên, nông dân có việc làm sau khi hoàn thành khóa học”.
Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương khảo sát thật kỹ các đối tượng học nghề là nông dân và dạy nghề theo nhu cầu, theo “đặt hàng” của các địa phương để mở lớp mang lại hiệu quả cao. Cũng theo ông Huỳnh Văn Dũng, việc mở rộng đào tạo nghề theo “đặt hàng” của các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân cần được khuyến khích. Nhất là chú trọng đào tạo cho đối tượng bị thu hồi đất ở các địa phương có các công trình trọng điểm phục vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đào tạo, chương trình, hình thức, phương thức cũng như phương pháp truyền đạt cần linh hoạt sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.
“Cụ thể, các lớp sẽ tổ chức dạy vào ban đêm thay vì ban ngày, dạy vào lúc thời vụ nông nhàn, dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”… Mặt khác, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn phải có hướng tiếp cận linh động, thiết thực thì chất lượng chắc chắn sẽ nâng cao”, ông Dũng nói.
Một buổi hướng dẫn nông dân thực hành canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Hòa Phong, (huyện Tây Hòa) do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Phú Yên tổ chức.
Theo ông Lê Văn Lới, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Phú Yên, trong công tác dạy nghề cho nông dân, Trung tâm thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với trình độ nhận thức của nông dân. Tài liệu phục vụ giảng dạy được lựa chọn ngắn gọn, dễ nhớ; áp dụng dạy song hành giữa lý thuyết với thực hành cầm tay chỉ việc trên mô hình, cây trồng, vật nuôi.
Cùng với dạy nghề, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hội viên nông dân cũng được trung tâm quan tâm triển khai. “Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống cây, con, vật tư phục vụ các mô hình thực hành học nghề của hội viên, nông dân, đặc biệt, quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt chương trình mua phân bón trả chậm cho nông dân”, ông Lới cho biết thêm.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm