Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tích cực thực hiện chuyển đổi số
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Hải Dương về thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số; Kế hoạch số 2358/KH-UBND ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Nghị quyết “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 3125/KH-UBND ngày 25/8/2021 về triển khai phong trào thi đua Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt, lồng ghép các nội dung chuyển đổi số trong xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai các mặt công tác của Hội.
Trước hết, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được lợi ích của chuyển đổi số, sức mạnh của công nghệ số đối với đời sống, sản xuất nói chung và trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị để tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nông sản và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử…
Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương để hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, gắn mã số, mã vạch, mã QR Code cho sản phẩm, hàng hóa. Hội cũng đã phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh Hải Dương, Viettel tỉnh Hải Dương… để tổ chức tập huấn hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử...
Ngoài ra để thuận lợi trong hoạt động quản lý điều hành, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương và Hội Nông dân cấp huyện trên địa bàn đã sử dụng chữ ký số để ban hành văn bản ký số của Hội. Đến nay 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện đã được xử lý trên môi trường mạng. 100% đại hội Hội Nông dân cấp huyện, 30% đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở nhiệm kỳ 2023-2028 vừa qua đã sử dụng quét mã tài liệu QR-Code…
Nhiều mô hình áp dụng công nghệ số
Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã trực tiếp xây dựng 38 mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ nhóm liên kết sản xuất nông sản an toàn có gắn tem truy xuất nguồn gốc, tổ chức 58 buổi tập huấn có nội dung về chuyển đổi số như các kỹ năng quảng bá, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Trong đó Hội Nông dân cấp tỉnh trực tiếp tổ chức 33 buổi tập huấn cho 2.718 cán bộ, hội viên, hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp).
Đến nay đã có nhiều sản phẩm được các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như: Dưa chuột an toàn xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ), ổi an toàn xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), dưa hấu an toàn tại xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng); táo an toàn phường Cộng Hoà, Thanh long an toàn xã Hoàng Hoa Thám (TP. Chí Linh), nho Hạ Đen xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc)... Từ đó đã có nhiều hội viên, nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao hơn phương thức sản xuất truyền thống.
Xác định chất lượng nông sản là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân, hội viên nông dân trên địa bàn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản. Các mô hình tưới nhỏ giọt; tự động hoá trong chăn nuôi... đã được triển khai, áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như:
Mô hình Nuôi gà đẻ trứng của hội viên nông dân Đào Hữu Thuân tại xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng) trang trại đã sử dụng hệ thống bán tự động máy móc bao gồm chuồng lạnh, nuôi lồng, máy hút gió, máy cung cấp thức ăn, nước uống; Mô hình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm trứng gà được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa lên sàn giao dịch điện tử VOSO do tập đoàn Viettel hỗ trợ. Mô hình nuôi lợn của hội viên Bùi Mạnh Cường tại xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng) với hệ thống chuồng chăn nuôi lợn công nghệ “Chăn nuôi thông minh” hiện đại của Hà Lan (bao gồm sử dụng công nghệ tự động hóa cho ăn, quản lý khẩu phần ăn, quản lý quá trình mang thai cũng như tự động hóa trong điều chỉnh tiểu khí hậu chuồng nuôi): 15.000 m2 với số lượng lợn lái khoảng 1.500 con; lợn thịt thương phẩm khoảng 15.000 còn; Hàng năm sản xuất trên 15.000 lợn giống chất lượng cao, cung ứng lợn thịt thương phẩm ra thị trường khoảng 3.000 tấn/năm. Mô hình nuôi đà điểu của hội viên Nguyễn Thị Bình phường Minh Tân (thị xã Kinh Môn) mỗi con đà điểu đều được đánh số đeo vào cổ để theo dõi; Trứng đà điểu được đánh số theo số của đà điểu mẹ; sau khi thu hoạch trứng, công nhân sẽ tiến hành phân loại, những quả đủ tiêu chuẩn sẽ được cho khử khuẩn để đưa vào lò ấp; Trang trại sử dụng công nghệ lò ấp tự động, lò được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài với sản lượng ấp 2.000 trứng/năm; Tỷ lệ ấp nở trứng đạt khoảng 80%, cao hơn 20% so với các công nghệ lò ấp truyền thống (đạt 60%); Trứng đà điểu được gắn tem truy xuất nguồn gốc, được quảng bá trên trang facebook, zalo…
Cũng từ đó, giờ đây người nông dân Hải Dương đã có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, các ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng đã giúp nông dân Hải Dương chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.
Chính vì vậy, năm 2022, Hải Dương có 130.293 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân Sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp (đạt 69,2 % so với hộ đăng ký, 46,85% so với số hộ nông dân toàn tỉnh), trong đó: 197 hộ đạt cấp Trung ương, 3.583 hộ đạt cấp tỉnh, 19.875 hộ đạt cấp huyện và 106.638 hộ đạt cấp cơ sở.
Sáu giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông dân, nông nghiệp, nông thôn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia thực hiện chuyển đổi số của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý nhận thức của một bộ phận hội viên, nông dân về chuyển đổi số có mặt chưa đầy đủ; vẫn còn số đông hội viên, nông dân chưa được đào tạo, tập huấn bài bản về chuyển đổi số nên còn gặp nhiều khó khăn trong các thao tác và đánh giá hiệu quả.
Nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Mặt khác quy mô của nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; sự thiếu thốn và chưa đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị máy móc (thiếu máy tính, điện thoại thông minh…); khó khăn về nguồn lực tài chính để thực hiện các mặt chuyển đổi số… là những rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã đề ra 6 nhóm giải pháp để thực hiện:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chuyển đổi số, từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, tích cực tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được lựa chọn.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, tập huân, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về chuyển đổi số cho cán bộ Hôi nông dân các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở để hình thành lực lượng nòng cốt tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành giữa các cấp Hội, tiến tới thực hiện ký số, gửi nhận văn bản điện tử giữa cấp huyện và cơ sở.
Ba là, Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả. Hướng dẫn tổ hợp tác, hộ kinh doanh, nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo các gian hàng điện tử, gian hàng số, cung cấp sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng.
Bốn là,, ứng dụng các nền tảng công nghệ số đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, marketing, quản trị kinh doanh nông nghiệp…
Năm là, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương sẽ từng bước xây dựng hệ cơ sở dữ liệu công tác Hội và phong trào nông dân, tích hợp, khai thác sử dựng để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan và công tác Hội trong toàn tỉnh Hải Dương.
Và thứ sáu là tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ để Hội Nông dân tỉnh Hải Dương và cơ sở thực hiện các nội dung chuyển đổi số hiệu quả.
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng thị trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam