Thông tin từ cơ sở

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang:

Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tiếp thu chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số

(Tapchinongthonmoi.vn) –Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang luôn tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp thu chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trong sản xuất, kinh doanh, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có quy mô sản xuất lớn.
TIN LIÊN QUAN

Trong đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chú trọng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Với Phong trào này, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân theo hướng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có và ký kết quy chế phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp ngoài tỉnh để tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho 75.671 lượt hội viên, nông dân.

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (đứng) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Maxxgro về hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. (Ảnh: Hội ND tỉnh Kiên Giang)

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang có 642.077 lượt hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét có 350.383 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so với trước. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng cho lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ và giúp 2.184 hộ thoát nghèo.

Đến cuối năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 214 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân được được công nhận mô hình “Dân vận khéo” các cấp. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn tham gia đóng góp 3,5 tỷ đồng; 3.779 ngày công lao động; hỗ trợ giống, vật tư trị giá gần 7 tỷ đồng cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội cũng đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, đặc biệt là đóng góp nông sản, hàng hóa hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch Covid-19. Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng thành công 138 mô hình điểm ứng dụng khoa học - công nghệ mới; 25 mô hình trình diễn về nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản… với tổng kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ vốn cho nông dân được các cấp Hội phối hợp triển khai kịp thời, tập trung vào các mô hình mới, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 50,4 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội 9,2 tỷ đồng. Hai nguồn vốn này đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án.

Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (đứng) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc với  huyện uỷ Gò Quao về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Ảnh: Hội ND tỉnh Kiên Giang)

Trong suốt quá trình lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn đổi mới, sáng tạo trong từng cách làm, từng bước phát huy có hiệu quả vai trò đồng hành với nông dân trong việc giới thiệu, cung ứng dịch vụ, vật tư, thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là phối hợp giới thiệu hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, máy móc, thiết bị và dịch vụ trong các khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý và có cơ chế ưu đãi phù hợp.

Song song đó, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang còn phối hợp cung ứng 116 tấn lúa giống, 314.375 cây giống, 169 tấn thức ăn, phân bón, tổng kinh phí 45 tỷ đồng thực hiện các hoạt động thử nghiệm có đối chứng và sơ kết theo vụ để giúp nông dân lựa chọn phát triển mô hình sản xuất, nhất là các mô hình theo hướng thân thiện với môi trường, mô hình hữu cơ, an toàn sinh học.

Với trăn trở nông nghiệp truyền thống tỉnh Kiên Giang đa phần là nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế không cao, mặc dù người nông dân có cần cù, chịu khó. Từ đó, các cấp Hội Nông dân xác định chỉ có kinh tế hợp tác, coi kinh tế hợp tác là một triết lý sản xuất nông nghiệp mới có thể đánh thức tiềm năng của từng mảnh ruộng, đầm tôm, bè cá của người dân để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập... Các cấp Hội đã vận động thành lập 366 tổ hợp tác, 82 hợp tác xã, tăng 30% so đầu nhiệm kỳ.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cũng đã phối hợp với các ban, ngành xây dựng được 14 nhãn hiệu tập thể cho các Hợp tác xã (HTX) và Tổ hợp tác (THT) như: Khóm-Vĩnh Phước A, Hồ Tiêu-Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Tôm càng xanh-Gò Quao (Gò Quao); sò huyết An Minh-An Biên, Cua biển An Minh (An Minh); Khóm Tắc Cậu (Châu Thành); “Ghẹ Hàm Ninh” (Phú Quốc); “Khoai lang Mỹ Đức”, “Cá bóp Tiên Hải” (Hà Tiên); Cua biển-Vĩnh Thuận, Dưa Hoàng Kim, Khóm Ba Đình, Tôm khô, Dưa lê (Vĩnh Thuận).

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 257 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao; trong đó, 212 sản phẩm đạt 3 sao, 39 sảm phẩm đạt 4 sao, 06 sản phẩm đạt 5 sao; 177 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây là những sản phẩm tiêu biểu đưa nông sản của tỉnh nhanh chóng hội nhập thị trường quốc tế.

Với sự đồng hành hiệu quả của các cấp Hội Nông dân, tính đến ngày 15/8/2014, toàn tỉnh có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) nâng cao; 07 huyện/thành phố được công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là: Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương, Hà Tiên; 03 huyện An Minh, Kiên Hải và Châu Thành trong tháng 6/2024, đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1.28.%.

Phát huy những kết quả đã được trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, xác định, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân dựa trên nguyên tắc “Nhân dân thực hiện, chính quyền đồng hành và hỗ trợ”. Các cấp Hội Nông dân tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn liền với đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất nông sản để hội nhập quốc tế với mục tiêu: Lấy nội lực làm căn bản, tổ chức thực hiện với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân hưởng lợi và duy trì, phát triển thành quả”.

Đồng thời các cấp Hội Nông dân khai thông mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa để cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh của người dân. Thực hiện hiệu quả chương trình OCOP thông qua mạng lưới cửa hàng bán lẻ nông sản sạch an toàn gắn với cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng, xem đây là định hướng trọng tâm để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh về văn hóa và con người, nông thôn, sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp do nông dân Kiên Giang làm ra đến cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh và các trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác