Hội ND Tuyên Quang: Tập huấn cho giảng viên nguồn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Quỹ BRACE tài trợ.
Tham gia khóa tập huấn có 30 đại biểu gồm cấp tỉnh, cấp huyện và 9 xã của 3 huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.
Các học viên đã được các giảng viên truyền đạt kiến thức xoay quanh 4 nội dung chính gồm: Tầm quan trọng của nông dân chăn nuôi; Hướng dẫn kỹ thuật nuôi sâu canxi; Hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun/trùn quế; Thực hành kỹ năng điều phối.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với phương pháp giảng dạy tương tác trực tiếp, lấy người nông dân làm trung tâm, các đại biểu tham gia lớp tập huấn đã trao đổi, thảo luận và trực tiếp thực hành các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Đây là khoá học rất phù hợp với hoạt động của HND tỉnh Tuyên Quang, vừa phát triển được sản xuất nông nghiệp vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Là thành viên của lớp tập huấn, bà La Mai Huyên – Chủ tịch Hội ND xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) cho hay: Tham gia lớp tập huấn, tôi được trang bị kiến thức từ các chuyên gia và trực tiếp thử nghiệm các mô hình như: Nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế…Tôi thấy lớp tập huấn rất hay bởi những thắc mắc của chúng tôi được các giảng viên trực tiếp trả lời luôn.
“Theo đó, chúng tôi đã hiểu được kỹ thuật nuôi trùn quế rất hiệu quả với nguồn chất thải hữu cơ, phụ phẩm cây trồng và nguồn phân động vật; kỹ thuật nuôi sâu Canxi giúp xử lý tốt nguồn chất thải tại các bếp ăn, lò mổ và nguồn chất thải chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi. Đồng thời tạo ra sâu Can xi có giá trị dinh dưỡng cao là thức ăn rất tốt cung cấp cho vật nuôi… Sau lớp tập huấn chúng tôi sẽ có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp phát triển sản xuất bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân trên địa bàn xã Vinh Quang” ông Huyên cho hay.
Đồng quan điểm với bà La Mai Huyên, ông Bùi Ngọc Lân - Chi hội trưởng chi hội 2 phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết thêm: Chúng tôi ở thành phố, diện tích đất sản xuất không lớn, vì vậy tôi thấy mô hình nuôi trùn quế rất phù hợp với hội viên nông dân chúng tôi, không cần quá nhiều diện tích mà vẫn có được sản phẩm để kết hợp trong chăn nuôi, trồng trọt… Tôi sẽ phổ biến những kiến thức này để cho hội viên nông dân Chi hội 2 chúng tôi nắm được và sớm triển khai vào thực tế.
Kết thúc chương trình cả 30 thành viên của lớp tập huấn đã hiểu rõ hơn về các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, từ đó sẽ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân cùng xây dựng các mô hình, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn chất thải hữu cơ là nguyên liệu quý trong trồng trọt, chăn nuôi. Các học viên sau khi tham gia khóa học cam kết áp dụng những kiến thức bổ ích được học để xây dựng mô hình thực tế đã trải nghiệm…
- Hội chợ dược liệu 2024: Tiềm năng thị trường còn rất lớn đối với vùng nguyên liệu dược
- Thanh Hoá: Tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tội phạm cho cán bộ, hội viên nông dân
- Nghệ An: Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới
- Nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường đào tạo của Hội Nông dân Việt Nam