Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại
Phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng
Hội thảo có sự tham dự của Ban quản lý Chương trình FFF II Trung ương, Ban quản lý Chương trình FFF II tỉnh Sơn La, đại diện Đại diện Ban quản lý Chương trình FFF II Hội Nông dân các tỉnh tham gia FFF cùng đại diện các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp (Cục Lâm nghiệp, Viện Lâm sinh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert; các doanh nghiệp Bác Tôm, Big Green, Hòa Phát…) và các HTX, Tổ hợp tác tham gia chương trình FFF.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Phó Giám đốc Chương trình FFF II cho biết: Tính đến cuối năm 2023, nước ta có hơn 14,8 triệu hecta rừng, trong đó có gần 10,2 triệu hecta rừng tự nhiên hơn 4,6 triệu hecta rừng trồng, độ che phủ rừng 42.02 %. Hơn 3,1 triệu hecta rừng đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, trồng rừng và phát triển. Khoảng gần 1,5 triệu hộ nông dân đã được giao rừng. Phần lớn các hộ nông dân làm rừng và trang trại gia đình có quy mô nhỏ, có giá trị và thu nhập thấp từ sản xuất nông lâm nghiệp.
Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện cho nông dân cả nước với hơn 10,28 triệu hội viên nông dân đang sản xuất trong tất cả các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, chiếm hơn 70% số/hộ làm nông nghiệp trên cả nước. Hội viên của Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội Nông dân Việt Nam ở các cấp đã và đang phối hợp với các bộ ngành, chính quyền địa phương, viện khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, dự án giúp hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng, nông - lâm kết hợp, đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp nông dân thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) để sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cáo giá trị các sản phẩm từ rừng và trang trại, tăng thu nhập và sinh kế bền vững cho các thành viên và cộng đồng sống dựa vào rừng.
“Từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức đối tác chính thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I tại Việt Nam và tiếp tục thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II từ 2019 đến nay. Mục tiêu chính của Chương trình là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO) trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Việt Hà nhấn mạnh.
Chương trình FFF đang được thực hiện tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các THT, HTX, áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận các dịch vụ các giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, Chương trình đào tạo, tăng cường năng lực cho Hội Nông dân các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân.
Tính đến nay, Chương trình đang hỗ trợ 51 THT, HTX ở 05 tỉnh, với hơn 1.000 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11.7% thanh niên) và gần 2.000 hộ thành viên liên kết, hơn 15.000 nông dân sản xuất nông lâm nghiệp và cán bộ Hội Nông dân đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình; 15 chuỗi sản phẩm được kết nối thị trường, doanh nghiệp; hơn 600ha chuyển hóa rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn; hơn 13.000ha gỗ có chứng chỉ Quản lý Bảo vệ rừng; hơn 14.000ha sản phẩm quế, hồi, thảo dược, bí xanh thơm , gạo, rau quả, cam, bưởi, gừng … đã được chứng nhận hữu cơ và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…
Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của THT, HTX trong sản xuất, kinh doanh, quản lý rừng và trang trại bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, để thúc đẩy việc liên kết các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tham gia Chương trình FFF II, Ban Quản lý Chương trình đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại Chương trình FFF giai đoạn II tại tỉnh Sơn La với mục tiêu là chia sẻ kinh nghiệm và những bài học trong thực hiện Chương trình FFF II và hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại trong sản xuất, kinh doanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về thị trường, phát triển sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chứng nhận, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…; Thảo luận về các giải pháp và khả năng phối hợp giữa các cơ quan, đối tác, các bên liên quan nhằm hỗ trợ cho các HTX/THT ... phát triển sản xuất kinh doanh rừng và trang trại bền vững, tăng cường sự tham gia của phụ nữ, người dân tộc thiểu số và bình đẳng giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận nhiệt tình, sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học trong hỗ trợ các tổ chức sản xuất rừng và trang trại là các THT, HTX trong sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường, phát triển sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại diện Ban quản lý FFF II Hội Nông dân các tỉnh tham gia FFF đã chia sẻ kinh nghiệm mà Hội Nông dân/Ban quản lý FFF các tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, kỹ thuật, thị trường, truyền thông… để hỗ trợ cho các HTX, THT sản xuất kinh doanh, phát triển rừng và trang trại bền vững với các sản phẩm cụ thể, các giải pháp, kế hoạch tiếp theo.
Ban quản lý FFF tỉnh Sơn La đã chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của các THT, HTX trong sản xuất, kinh doanh, quản lý rừng và trang trại bền vững dựa vào cộng đồng dựa trên hiệu quả hoạt động của các mô hình của Hội Nông dân huyện Mộc Châu, Vân Hồ… Kinh nghiệm xây dựng Quỹ tín dụng xanh, tài chính nội bộ và huy động các nguồn tài chính khác, từ các nguồn lực của địa phương, các chương trình, dự án, từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng…
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, đối tác của Chương trình FFF II như Cục Lâm nghiệp, Viện Lâm sinh, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert; các doanh nghiệp Bác Tôm, Big Green, Hòa Phát… đã đưa ra thông tin và đề xuất các giải pháp liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX với nhau, giữa các HTX với các doanh nghiệp; sự phối hợp, hợp tác với đối tác để phát triển các sản phẩm rừng và trang trại có chất lượng, đạt các tiêu chuẩn bền vững, sinh thái, hữu cơ… để tiếp cận thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng sống dựa vào rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong Chương trình hội thảo lần này, các đại biểu đã thăm và trao đổi kinh nghiệm về mô hình canh tác hữu cơ, quản lý chất lượng sản phẩm, sử dụng hệ thống QR Code, hợp đồng bán hàng với các doanh nghiệp, siêu thị… của HTX Rau an toàn Tự nhiên (huyện Mộc Châu); Thăm và trao đổi kinh nghiệm về mô hình chuyển đổi sản xuất hữu cơ, bảo vệ và phát triển rừng gắn với du lịch cộng đồng, giữ gìn văn hóa bản địa… tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang và HTX Du lịch Cộng đồng ở Pa Phách (huyện Mộc Châu).
Các đại biểu cũng đã tham quan phương thức chế biến, xuất khẩu các sản phẩm sấy khô từ rau, củ, quả của Công ty TNHH IC FOOD SONLA tại Trung tâm hành chính huyện Vân Hồ và thăm mô hình của HTX A Cao về bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tại Vân Hồ (Sơn La).
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”