Hơn 2,5 triệu nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường
Ngày 18/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.
Dự và chủ trì Hội thảo có: Ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên T. Ư Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Bà Yip Sui Pik Susanna, Cố vấn cao cấp Tổ chức EarthCare Foundationl; Ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) kiêm Giám đốc BQL Dự án.
Hội thảo còn có sự tham gia của các Chuyên gia Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và đại diện nông dân trong cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đánh giá: Tình trạng biến đổi khí hậu và việc sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là việc giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã và đang là vấn đề cấp bách, cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, quyết liệt và những cách làm phù hợp với tình hình hiện nay.
“Có thể nói, ngoài việc góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn mang ý nghĩa rất lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng, góp phần tái tạo nguồn tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, ông Lương Quốc Đoàn nêu ý kiến.
Hơn 300.000ha trồng lúa được áp dụng kỹ thuật canh tác thân thiện môi trường
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ cho biết, Dự án đề ra hướng tới 3 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất, hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; Thứ hai, nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; Thứ ba, giúp đỡ nông dân quảng bá về sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Về địa bàn thực hiện, Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống Hội các cấp với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, chủ động của Ban Quản lý Dự án thuộc Hội Nông dân 24 tỉnh.
“Dự án cũng rất vinh dự và tự hào khi có được sự cố vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật của những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực canh tác lúa; tư vấn về khoa học hành vi của nhà tài trợ và Tổ chức Influence At Work-Vương quốc Anh; tư vấn về đánh giá phát thải khí nhà kính của Viện Môi trường Nông nghiệp.
Thông qua những tư vấn về kỹ thuật và khảo sát cơ sở về tập quán thói quen canh tác, Dự án đã xác định 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường gồm: Tưới ướt khô xen kẽ; Sử dụng rơm rạ đúng cách; Bón phân hợp lý”, Giám đốc BQL Dự án cho biết.
Về kết quả đạt được, ông Mai Bắc Mỹ thông tin, đến nay, có hơn 633 ngàn hộ nông dân với hơn 2,5 triệu nông dân tại 24 tỉnh tham gia Dự án đang áp dụng ít nhất 01 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000ha.
Số lượng nông dân áp dụng cả 3 kỹ thuật tăng gấp 4 lần trên diện tích tăng gấp 6 lần so với trước khi thực hiện Dự án. Một số tỉnh có diện tích nhân rộng lớn gồm: An Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang.
“Ở một số địa phương, những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai hiệu quả dự án đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở việc bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng dự án. Điển hình như, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã vận đông thành công hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để xây dựng nhân rộng 50 mô hình trên diện tích hơn 200ha với hơn 1.200 hộ tham gia”, ông Mỹ thông tin thêm.
Đánh giá về kết quả nêu trên, bà Yip Sui Pik Susanna nhấn mạnh, Dự án đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác của nông dân Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường.
“Còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo nông dân sẽ tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của Dự án. Tầm nhìn của chúng tôi là tạo ra các mô hình và phương pháp tiếp cận hiệu quả, có thể mở rộng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện sinh kế của nông dân”, bà Yip Sui Pik Susanna nói.
Phối hợp đồng bộ giải pháp để tiếp tục nhân rộng mô hình
Tuy nhiên, cũng theo ông Mai Bắc Mỹ, bên cạnh những thuận lợi, Dự án còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như, tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn để chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và xây dựng mô hình. Tình trạng manh mún về ruộng đất ở một số địa phương khiến việc nhân rộng gặp khó khăn,…
Trước thực trạng trên, ông Mỹ thay mặt BQL Dự án nêu các đề xuất, kiến nghị về việc tiếp tục kế thừa và nhân rộng kết quả của dự án nhằm phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường nói riêng và phát triển nông nghiệp bền vững,
Cụ thể, đối với các cơ quan nghiên cứu, cần nghiên cứu thêm nhiều giải pháp thân thiện với môi trường để nông dân có nhiều lựa chọn và áp dụng trong phát triển nông nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, BQL Dự án đề nghị đẩy mạnh liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm xanh, thân thiện mội trường. Đối với bộ, ngành, đề nghị xây dựng, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng giá trị cho sản phẩm.
Chia sẻ ý kiến tham luận tại hội thảo, ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho rằng để tiếp tục triển khai Dự án có hiệu quả cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành trong triển khai xây dựng mô hình, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp, tham gia vào các hoạt động của dự án, hội thảo đầu bờ, thăm quan học tập kinh nghiệm, tổng kết các mô hình theo vụ.
“Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nội dung của Dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như biểu dương, khen thưởng các cá nhân tích cực, có cách làm mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả”, ông Đoàn nêu ý kiến.
Cũng tại Hội thảo, ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, ưu điểm của việc triển khai Dự án cho thấy phương pháp cấy lúa theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các phương pháp truyền thống.
“Tiết kiệm được nguồn giống, nước, tốn ít công chăm sóc và không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phân bón vi sinh, phân hữu cơ. Năng suất lúa bình quân đạt từ 2,3 - 2,5 tạ/sào, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững; giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ông Thái chia sẻ.
Cũng theo đánh giá của ông Thái, để nâng cao hiệu quả triển khai mô hình cần tiếp tục cần tập trung thực hiện một số vấn đề như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới hội viên nông dân, nâng cao nhận thức trong việc canh lúa thân thiện với môi trường.
Đồng thời, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích hội viên nông dân thay đổi tập quán canh tác và sản xuất lúa thân thiện với môi trường. Hỗ trợ kinh phí làm tem nhãn mác lúa thân thiện với môi trường tạo thương hiệu ra thị trường với giá thành cao hơn lúa bình thường”, ông Thái nêu quan điểm.