Xã hội

Hơn nửa thế kỷ mòn mỏi tìm hài cốt chồng

Bùi Ánh - Ngọc Linh - 16:27 27/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Gần bước vào độ tuổi cửu thập, vợ của Liệt sỹ Lương Văn Thuyết (SN1937) vẫn không nguôi hi vọng tìm và đưa hài cốt chồng về quê để tiện bề hương khói.
Cụ Lương Thị Thuyết hồi tưởng về người chồng quá cố. Ảnh: Ngọc Linh

Đó là câu chuyện để lại nhiều xúc động khi được vợ Liệt sỹ Lương Văn Thuyết là bà Lương Thị Thuyết (SN 1935) hiện đang sinh sống cùng con cháu tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) kể lại. Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Thuyết vẫn còn rất minh mẫn khi nhớ như in về quá khứ đã trải qua.

Hồi tưởng khoảng thời gian cùng bén duyên nên vợ nên chồng, bà nói: Năm 1954, lúc đó bà mới 19 tuổi, được hai bên gia đình tác hợp, thời điểm đó, ông đang làm cán làm cán bộ lương thực. Sau hơn 10 năm chung sống tài sản quý giá nhất ông bà có được là 4 người con, gồm 2 trai 2 gái. Đến cuối năm 1967, ông được cử đi Hà Bắc học ( Hà Bắc tên gọi cũ của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay).

Bước sang năm 1968, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông bí mật giấu gia đình lên đường nhập ngũ. Khi đi ông chỉ viết một bức thư gửi về cho gia đình và dặn bà “anh nhập ngũ rồi, anh gửi chiếc xe đạp và chăn về. Vợ ở nhà cố gắng nuôi con đợi ngày Nam-Bắc thống nhất gia đình đoàn tụ”.

Kể từ đây, bà không nhận được thư từ hay thông tin gì thêm về ông. Đây cũng là khoảng thời gian bà gửi gắm bao hi vọng đất nước sớm đến ngày thống nhất, gia đình đoàn tụ một nhà.

Giây phút quý giá sau 52 năm chờ đợi. Ảnh: Gia đình cung cấp

Giữ một khoảng lặng, đôi mắt bà ngấn lệ, giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chậm rãi bà nói: Mọi thứ như sụp đổ khi gia đình nhận giấy báo tử của ông Lương Văn Thuyết đã hy sinh tại chiến trường phía Nam vào năm 1972. Nỗi đau quá lớn, bà vô cùng tuyệt vọng. Một thân côi cút nuôi 4 đứa con nhỏ trong túp lều tranh dột nát. Nhiều đêm bà không thể nào chợp mắt, nước mắt ướt gối, nỗi trằn trọc thương nhớ người chồng đã để lại thân mình trên chiến trường, ra đi không một người thân bên cạnh, nỗi đau như dằng xé tâm can. Thương chồng, thương các con thiếu thốn hơi ấm từ bàn tay vững vàng của người cha.

Không còn người trụ cột gia đình, bà gánh trên vai vừa làm người cha miệt mài lao động nuôi các con khôn lớn vừa làm người mẹ tảo tần sớm hôm chăm sóc gia đình nhỏ không còn trọn vẹn như xưa.

Cũng từ phút giây này, bà và các con mỗi ngày đều mong ngóng và gửi thông tin đi rất nhiều nơi để tìm kiếm hài cốt của ông nhưng không tìm được bởi nhiều nguyên nhân. Chị Vi Thị Thủy, con dâu cụ Thuyết tiết lộ, cha Thuyết lên đường nhập ngũ theo danh sách tại trường đang theo học chứ không thuộc diện của địa phương, thông tin rất mịt mờ, bởi thế mà công cuộc tìm kiếm ròng rã xuyên suốt 49 năm rồi không mang lại kết quả. Hơn nữa, đồng đội cùng chiến đấu với cha vì tuổi cao sức yếu, phần do di chứng đạn bom đã lần lượt về với tiên tổ.

Mỗi ngày trôi qua, hi vọng đưa hài cốt ông về quê hương để vợ con sớm tối hương khói dường như rơi vào bế tắc thì hi vọng được thắp lên ấy là năm 2022 từ 2 nhân chứng sống (1 của Việt Nam, 1 của Mỹ) mới biết được thảm kịch năm nào.

Theo đó, phía địch đã dùng máy múc, đào một hố lớn rồi cho toàn bộ thi thể của 193 chiến sĩ chết trận vào cả trong đó, bao gồm ông Lương Văn Thuyết.

Trận đánh và nơi chôn cất tập thể thuộc khu vực bến Trại (tỉnh Tây Ninh). Từ thông tin ban đầu, con cháu Liệt sĩ Lương Văn Thuyết đã khẩn trương tìm vào liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự để xác minh chính xác, qua đó sớm hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh quá trình quy tập về nghĩa trang huyện Bến Cầu.

Gia đình trùng phùng sau hơn nửa thế kỷ không tắt hi vọng tìm kiếm. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chiến tranh đã lùi xa nhưng niềm mong mỏi được đến thăp hương một lần cho chồng mãi đến ngày 15/7/ 2024, bà mới thực hiện được nguyện vọng của mình khi ở độ tuổi gần 90. “Khi quyết định đưa bà vào thăm cha, các con, cháu vô cùng lo lắng khi đường sá xa xôi mà sức khoẻ của mẹ không còn được như trước làm sao đủ sức để vượt gần 2.000km nhưng trước quyết tâm của mẹ, không ai nỡ ngăn cản. Mẹ háo hức lên đường gặp cha như ngày xưa cha háo hức lên đường ra trận. Đến nơi, trước ngôi mộ chung của cha cùng 192 đồng đội, mẹ đã không kìm nén được lòng mình….”chị Thủy ngậm ngùi trải lòng mình.

Đứng trước ngôi mộ của những chí lớn, những giọt nước mắt của hơn nửa thế kỷ chờ đợi tưởng như đã khô cạn… bỗng tuôn chảy nghẹn ngào. Giọt nước mắt của nỗi khát khao, hy vọng đợi chờ, của sự hờn giận, của niềm vui gặp lại người chồng yêu quý mà 52 năm đằng đẵng chờ đợi…

Cảm thán trước sự anh dũng, lòng kiên trung của Liệt sỹ Lương Văn Thuyết và ý chí mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh của người vợ mà nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An đã xúc động viết lên bài thơ.

Ngôi mộ chôn tập thể

Ngày cha đi bộ đội

Con còn ở trong thai

Chia tay người vợ trẻ

Đường hành quân dặm dài

Con chưa biết mặt bố

Mẹ trao chiếc khăn tay

Chuyện xưa nghe mẹ kể

Cha biền biệt tháng ngày

Rồi một hôm giấy báo

Mẹ khóc cạn dòng sông

Con ngây thơ liền hỏi

Bao giờ cha trở về ?

Năm bảy năm có lẻ

Tuổi ba mươi mỏi mòn

Con chim rừng không ngủ

Thao thức khắp triền non

Ngôi mộ chôn tập thể

Có nắm xương của cha

Rưng rưng lòng rơi lệ

Mẹ khóc người đi xa…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác