Công tác Hội

Hưng Yên chú trọng nâng chất cán bộ Hội ở cơ sở

Doãn Thành Đạt - 07:19 06/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Một cơ sở Hội vững mạnh phụ thuộc vào từng cán bộ, hội viên, đòi hỏi họ phải có trình độ và tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân. Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hưng Yên chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở để hỗ trợ hội viên, nông dân. Tuy nhiên, hoạt động của cán bộ cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN làm việc với Hội ND tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TL

Nhiều khó khăn trong hoạt động của cán bộ cơ sở

Theo ông Phạm Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, muốn tổ chức Hội vững mạnh thì từng cơ sở Hội phải vững mạnh; cơ sở Hội vững mạnh là do từng cán bộ cơ sở, hội viên mạnh. Trong thực tế, những năm qua, hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả; chất lượng của tổ chức cơ sở Hội và hội viên nông dân được nâng lên rõ rệt, dần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, từ khi thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Hội Nông dân Việt Nam, trong đó có Nghị quyết số 06 - NQ/HNDTW (khóa VII) ngày 05/8/2019 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án lớn thì một số vấn đề về hoạt động của cơ sở Hội và đội ngũ cán bộ Hội cơ sở còn bất cập nên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng...

Đối với những cán bộ ở cơ sở, ngoài thực hiện những quy định của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, còn phụ thuộc vào những quy chế của HĐND, UBND tỉnh nên cán bộ Hội cơ sở còn gặp khó khăn trong hoạt động. Ví dụ như khi thực hiện Nghị quyết 277/2020/NQ - HĐND ngày 07/5/2020 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì tổ chức Hội cấp xã được bố trí kinh phí hoạt động còn thấp; cơ sở vật chất trang thiết bị của Hội ở cơ sở còn thiếu đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân. Đối với chi hội, theo Nghị quyết 277 cán bộ bán chuyên trách tại địa phương hạn chế về số lượng, phần lớn đều phải kiêm nhiệm, nên việc tìm nguồn cán bộ bố trí làm chi hội trưởng gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng chung đến chất lượng hoạt động của chi hội. 

“Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có 644/843 chi hội trưởng phải kiêm nhiệm chức danh khác như: Phó trưởng thôn, công an viên, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ… Nhiệm kỳ mỗi đơn vị có thời điểm kết thúc khác nhau, khi kiêm nhiệm chi hội trưởng mất thời gian chuẩn bị cho việc kiện toàn tổ chức, không có nhiều thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ chi hội nên chi hội trưởng kiêm nhiệm tỷ lệ cao rõ ràng là một bất cập, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động công tác Hội” - ông Phan Thanh Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số cơ sở quy hoạch cán bộ chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến việc quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi, cán bộ đã có quy hoạch ở Hội nhưng không được bố trí sử dụng mà phân công, điều động cán bộ ở các lĩnh vực khác sang giữ chức vụ chủ chốt của Hội đã ảnh hưởng đến cán bộ trong diện quy hoạch.

Ngoài ra, một số đồng chí chi hội trưởng tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có nguyện vọng tiếp tục tham gia công tác Hội nhưng không bố trí được công việc kiêm nhiệm phải xuống làm chi hội phó, tổ hội trưởng (không còn phụ cấp) hoặc nghỉ công tác, chuyển công tác khác làm ảnh hưởng đến chế độ của cán bộ chi hội. 

Chia sẻ về công tác cán bộ, bà Doãn Thị Tuyến - Chủ tịch Hội ND xã Lệ Xá (huyện Tiên Lữ) cho biết: Là xã còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân còn thấp, đội ngũ thanh niên đều đi làm ăn xa hoặc làm ở các khu công nghiệp, làm nông chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi, chính vì thế hoạt động Hội ở xã cũng còn khó khăn. “Ngoài những khó khăn chung như cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị còn thiếu, chúng tôi còn gặp một số khó khăn như người tham gia BCH Hội Nông dân xã độ tuổi cao, có người ở trên 75 tuổi, trình độ các ủy viên BCH không đồng đều, có tới 1/2 là trình độ THCS do vậy ảnh hưởng đến việc tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số...” - bà Doãn Thị Tuyến bộc bạch.

Cũng là Chủ tịch Hội ND xã nhưng ở một huyện có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất được coi là “vựa hoa” của miền Bắc, ông Man Minh Hưng - Chủ tịch Hội ND xã Long Hưng, huyện Văn Giang cho biết: “Cái khó khăn nhất là kinh phí hoạt động thấp, cán bộ bán chuyên trách tại địa phương hạn chế về số lượng, phải kiêm nhiệm, nên việc tìm nguồn cán bộ gặp nhiều khó khăn...”

Hội viên nông dân huyện Văn Giang chăm sóc hoa phục vụ nhu cầu thị trường.

Cần những cán bộ tâm huyết và có trình độ

Ông Phạm Thanh Bình cũng cho biết thêm: Hội ND tỉnh Hưng Yên đã xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, vừa có tâm huyết và trình độ để đáp ứng yêu cầu tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh Hưng Yên; là chìa khóa để giúp giai cấp nông dân thể hiện và phát huy những ưu điểm của mình trong công cuộc CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, cán bộ Hội cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nông dân, giúp bà con nâng cao trình độ nhận thức và phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu bền vững. 

Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát chất lượng tổ chức cơ sở Hội và hội viên nông dân, hệ thống tổ chức Hội trong tỉnh được tổ chức ở các cấp và có các chi, tổ hội. Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát để tạo điều kiện cho các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch Hội ND cơ sở và chi hội trưởng, chi hội phó tâm huyết, nhiệt tình được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội do các cấp Hội tổ chức; tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác Hội. Đó là những điều kiện thuận lợi để cán bộ cơ sở Hội và hội viên tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình trong công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương, cơ sở.

Nhờ chủ trương đúng đắn, vì vậy đội ngũ cán bộ Hội các cấp nói chung và cán bộ Hội cơ sở nói riêng ở tỉnh Hưng Yên ngày càng trưởng thành về nhiều mặt, trình độ học vấn và phương pháp vận động quần chúng từng bước được nâng cao, nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý của Hội có tư duy đổi mới, có trình độ, năng lực thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

Trao đổi về nghiệp vụ công tác Hội và nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở Hội, bà Tuyến và ông Hưng cũng bày tỏ mong muốn đề nghị các cấp, các ngành tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; có nghị quyết xây dựng đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ năng lực và từng bước chuẩn hóa cán bộ theo quy định của Đảng, Nhà nước; chế độ lương và phụ cấp cho cán bộ ở cơ sở cần phải đổi mới theo hướng nâng cao, cùng với đó là quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc cho cán bộ Hội cơ sở để phục vụ công việc được chất lượng, hiệu quả hơn. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác