Hưng Yên: Định hướng cho nông nghiệp hữu cơ
Canh tác nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn trong những năm gần đây. Mô hình canh tác này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất như: Giúp duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất, phát triển nông nghiệp bền vững, ít gây ô nhiễm nguồn nước, đem lại giá trị kinh tế cao...
Theo đó, Hưng Yên có tiềm năng lớn để phát triển vùng sản xuất các sản phẩm rau, quả, thịt an toàn, nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội bộ và đáp ứng nhu cầu cho thị thường Hà Nội và hướng tới xuất khẩu. Theo khảo sát của Sở NN&PTNN Hưng Yên, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, thịt sạch, gạo sạch... đây là một lợi thế để ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển.
Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức triển khai hỗ trợ 2 vùng sản xuất rau, quả, 6 vùng sản xuất cây ăn quả, 2 vùng sản xuất lúa, 1 vùng sản xuất cây dược liệu theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 41ha và 6ha nuôi tôm càng xanh theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, các địa phương đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 49ha; trong đó, nhãn 8,5ha, vải trứng Hưng Yên 31ha , dưa, ổi, cam 9ha; sản xuất theo hướng hữu cơ đối với cây ăn quả có 35ha, lúa 50ha, góp phần nâng giá trị thu được trên một héc ta canh tác đạt 210 triệu đồng/ha năm 2020 lên 230 triệu đồng/ha năm 2022, năm 2023 đạt 238 triệu đồng/ha.
Mặc dù vậy, nhưng hiện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp của toàn tỉnh. Do đó, sớm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhằm đáp ứng xu hướng chung của tiêu dùng ngày càng cao và hướng tới xuất khẩu.
Năm 2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt “Đề án Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh và công bố rộng rãi các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm được chứng nhận hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới.
Theo đó, mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2025, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ ít nhất từ 15% trở lên. Đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như: Lúa, cây ăn quả, rau. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như: Thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy cầm. Diện tích nuôi thả thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nuôi thả đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ ít nhất từ 20% trở lên…
Ông Đỗ Minh Tuân – Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết: Để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hưng Yên và các địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ; khảo sát, đánh giá điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ; tham mưu, đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cùng với đó, xây dựng mô hình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể đối với từng sản phẩm để tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi