Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước
Ngày 31/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất-chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa.”
Ngoài điểm cầu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, diễn đàn còn có sự tham gia của các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu và đang tồn đọng nông sản như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết từ nay đến quý 1/2022 cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long, xoài 250.000 tấn, mít 160.000 tấn, bưởi 140.000 tấn, cam 130.000 tấn… được thu hoạch. Trong khi các cửa khẩu biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc gần như không đáp ứng được, nên các doanh nghiệp, địa phương phải chủ động tăng cường kết nối để tiêu thụ các mặt hàng.
“Qua nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp cho thấy thị trường nội địa còn có nhiều tiềm năng. Các hiệp hội, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh cần kịp thời; chủ động chuyển đổi tư duy phát triển thị trường trong nước và đa thị trường, sản xuất đáp ứng được yêu cầu của các thị trường chứ không chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Dự báo xuất khẩu qua biên giới còn khó khăn
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu cho biết lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô, rất ít hoa quả tươi.
Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi Bằng Tường có thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h ngày 29/12 đến 24h ngày 26/1/2022.
Theo bà Đinh Thị Thu, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần đang đến gần. Phía Trung Quốc dự kiến sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần.
Bà Đinh Thị Thu kiến nghị Trung ương có các cuộc hội đàm cấp cao nhằm tạo điều kiện thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán; tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4h, 8h lên 12h mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có phương án đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nội địa trong tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái cho biết từ ngày 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên.
Cụ thể, hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu trụ trở lại nội địa. Cửa khẩu Móng Cái, đã thông báo đến doanh nghiệp, đề nghị các đơn vị kinh doanh kho bãi tạo điều kiện, chia sẻ với khó khăn của những xe chở nông sản lên cửa khẩu, giúp giảm chi phí.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết không còn tồn đọng xe hàng nào tại cửa khẩu của tỉnh. Phía Lào Cai chủ yếu xuất khẩu chính ngạch nhưng phía Trung Quốc có thu thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp Trung Quốc đã lựa chọn hình thức nhập khẩu theo chính sách cư dân biên giới để được hưởng các loại thuế, phí. Đây là vấn đề cốt lõi, lâu dài nếu phía Trung Quốc vẫn duy trì chính sách này thì sẽ còn rất nan giải.
Tại Lào Cai, doanh nghiệp Trung Quốc là chủ hàng đã chủ động thanh toán lô hàng khoảng 60%, nên việc ảnh hưởng doanh nghiệp Việt Nam không nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu khai báo thông quan và vận chuyển. Áp lực thông quan tại cửa khẩu chính ở phía Trung Quốc còn bên phía Lào Cai không lớn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết hiện nay đối với sản phẩm thanh long của tỉnh đang là thời điểm “nước sôi lửa bỏng.”
Người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.
Từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, từ ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.
Long An có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn và đây là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên, lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết hiện còn tồn khoảng 200 xe thanh long của Long An trên cửa khẩu phía Bắc. Bà Khanh đề nghị các địa phương tạo điều kiện để các xe quay đầu có thể bán xả hàng giảm lỗ xuống mức thấp nhất; kết nối với những tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo quản lạnh và hỗ trợ cho người dân.
Chung tay tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.
Bên cạnh việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở 7 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam, BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình.
“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận,” ông Nguyễn Thái Dũng nhận định.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết hiện nay công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng từ 100-150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài.Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Thái Dũng cho rằng nông dân, doanh nghiệp quan tâm hơn đến thị trường nội địa, chứ không chỉ tìm đến khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay. Có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, các cơ quan cần định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu.
Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết hiện đơn vị đã có 5 kho hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2 kho ở Hà Nội và thời gian tới đơn vị cũng hoàn thành thêm 3 kho Thành phố Hồ Chí Minh và 1 kho Hà Nội. Chia sẻ, đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp trong giai đoạn cửa khẩu thắt chặt thông quan, các doanh nghiệp, địa phương có nông sản bị ùn ứ có thể liên hệ với Tiki.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa, phát huy vai trò kết nối, nhưng quan trọng phải là bản thân doanh nghiệp phải chủ động. Điển hình là việc các bộ, ngành, địa phương đã liên tục tuyên truyền, thông báo về tình hình cửa khẩu thời gian vừa qua, nhưng các doanh nghiệp vẫn cứ đưa hàng hóa lên cửa khẩu.
Trước tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó khăn trong khi đang vào mùa vụ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long vào ngày 6/1/2022.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản liên hệ các đại sứ quan, tham tán thương mại số nước có tiêu thụ nhiều thanh long để có công văn nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại thanh long ở các nước.
Trước đề xuất của một số địa phương về việc xây dựng các điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trước khi thông quan. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết trước mắt Bộ đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản tại Móng Cái. Đây là một cách làm hay, các tỉnh biên giới cần nghiên cứu, đầu tư triển khai trong thời gian tới./.
Theo Vietnam +