Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Cà Mau giám sát chặt hành trình tàu cá
Đến nay, tỉnh Cà Mau hoàn thành việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Bên cạnh đó, công tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức không vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng chức năng còn tăng cường phối hợp điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS. Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu cam kết không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Anh Lưu Tấn Đạt, chủ tàu cá thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết: "Giờ đây, trong mỗi chuyến ra khơi khai thác, tàu cá của tôi đều ghi nhật ký khai thác đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm khai thác, sản lượng cụ thể cũng như chủng loại để thông tin với cơ quan chức năng. Tôi cũng như nhiều ngư dân nơi đây đều xác định, nghề khai thác trên biển là sinh kế làm ăn lâu dài, do đó chúng tôi đều mong muốn sớm gỡ được “thẻ vàng” để ngư dân được hưởng lợi”.
Tỉnh Cà Mau hiện có 5 cảng cá đang hoạt động là Cà Mau, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi, đáp ứng 350 tàu cập cảng/ngày, sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 86.000 tấn/năm.
Các ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...
Tính đến tháng 6/2022, tỉnh đã cấp 32 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với trên 2.000 tấn sản phẩm và cấp 47 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với gần 960 tấn sản phẩm.
Anh Trần Phát Tài, ngư dân thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, trước đây, tàu đánh bắt trên biển chủ yếu theo kiểu truyền thống, đánh bắt được nhiêu đem về bấy nhiêu cũng ít ai ghi nhớ sản lượng, nguồn gốc khai thác làm gì. Tuy nhiên, từ khi có thông tin tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, các tàu cá luôn ý thức và chấp hành nghiêm việc ghi nhớ sản lượng đánh bắt và chứng minh nguồn gốc khai thác đánh bắt thủy sản trên biển. Tàu cá từ khi xuất bến đến khi về đất liền đều mở thiết VMS 24/24 giờ; thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu cam kết không vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, các cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp thiết bị đã chủ động phối hợp trong việc xác định nguyên nhân thiết bị VMS trên tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển. Từ đó, xác minh, xử phạt đối với những trường hợp cố tình tác động gây mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vi khai thác IUU đều được lập danh sách theo dõi, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý; không để tàu cá chưa lắp thiết bị VMS khai thác thủy sản trên biển...
Liên quan đến công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phân tích, thực tế công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn thấp so với các vụ vi phạm. Tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS mất kết nối không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn trong công tác quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và việc xử lý tình trạng này còn rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý.
Vừa qua, trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, phải có giải pháp quản lý một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, công tác quản lý các cảng cá phải thật tốt. Bởi, khi quản lý được cảng cá thì mới có thể quản lý được tàu và từ đó mới có thể quản lý được sản phẩm khai thác.
Theo báo Tin tức
- Quảng Nam: Mưa rất lớn gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến giao thông quan trọng
- Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trở thành "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững