Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023

Minh Tú - 07:18 25/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sáng 24-11, UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023. Dự và phát biểu khai mạc Lễ hội, có Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức - Nguyễn Trung Thuận, đại diện các phòng, ban của UBND huyện cùng đông đảo các nghệ nhân, bà con nhân dân và khách thập phương về dự hội

Các bậc cao niên trong làng dâng lễ lên Ban thờ Tổ nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng. Bức cuốn thư với 4 chữ Hán "NGHỆ TINH VĨNH TỤC"

Đoàn rước lễ chuẩn bị tiến vào nơi tổ chức lễ hội

Màn trống hội, múa quạt trang trọng, hào hùng khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, đồng chí Nguyễn Trung Thuận phát biểu khai mạc 

Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/11/2023

Các đại biểu chứng kiến quy trình thếp vàng lên đồ thờ. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng vang danh của Sơn Đồng rất kỳ công với nhiều công đoạn như sơn lên rồi mài đi, mài lại, trải qua nhiều lần rồi mới đến thếp bạc, thếp vàng lên tượng, phù điêu, đồ thờ theo yêu cầu của khách hàng.

Các đại biểu cũng được xem tư liệu quý về dòng họ Bá hộ Kỹ nghệ Sơn Đồng nổi tiếng, dòng họ Nguyễn Đức

Chứng nhận nghệ nhân của cụ Nguyễn Đức Đấu từ thời Pháp thuộc, cụ là thành viên của dòng họ Bá hộ Kỹ nghệ Sơn Đồng nổi tiếng, dòng họ Nguyễn Đức

Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một sân chơi cho các thế hệ nghệ nhân Sơn Đồng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau thưởng lãm những sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng, sơn son thếp vàng đồ thờ. Ban Tổ chức cũng hy vọng, thông qua Lễ hội này, danh tiếng của làng nghề Sơn Đồng sẽ tiếp tục bay cao, bay xa.

Làm tượng, đặc biệt tượng Phật là khó nhất, người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, tượng nhìn phải có thần, có dáng, từ bi, chứa đựng tâm tư, tình cảm và sự tôn kính của người dân. …

Để bắt đầu làm ra một bức tượng thì việc chọn gỗ bao giờ cũng là quan trọng nhất. Nguyên liệu để làm tượng Phật phải là gỗ mít bởi đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, nhờ đó tránh được những lỗi trong khi đục. Gỗ mít còn có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Nguồn gỗ mít từ các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… được người dân Sơn Đồng tin dùng nhiều nhất, gỗ chỉ dùng được phần lõi để chế tác. 

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiệp - Đồ thờ Đức Hiệp Sơn Đồng, truyền nhân đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Đức - Bá hộ kỹ nghệ Sơn Đồng (đứng bên phải) giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm nghệ thuật của mình.

Dưới bàn tay tài hoa những người thợ làng nghề Sơn Đồng, nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời có độ tinh xảo cao, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, nhiều loại hình nghệ thuật kiến ​​trúc, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc đã phát triển và tạo nên những tác phẩm đặc sắc với giá trị vượt thời gian.

Điêu khắc Việt Nam mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam kết hợp với điêu khắc Trung Hoa và văn hóa Chăm. Tư duy nghệ thuật chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo truyền thống là Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo từ các nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ. 

Một khách hàng mê mải chiêm ngưỡng chiếc kiệu thờ tinh xảo, công phu của các nghệ nhân Sơn Đồng làm. 

Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, rước kiệu mang ý nghĩa thiêng liêng nhất chính vì khi rước là khi thần thánh “xuất cung” đi duyệt thị và thăm thú làng quê là nơi khu vực vị thần bảo hộ, dân làng được “chiêm ngưỡng tôn nhan” bởi rất ít khi người trong làng có dịp được vào trong thần điện.

Lễ rước thường có: Rước thần, rước thành hoàng, rước văn hay rước nước. Lễ rước thần hay rước thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia…

Một nét đặc sắc trong Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023. Khách tham quan có thể chứng kiến quy trình tạo ra một tác phẩm điêu khắc tinh xảo từ gỗ. Mọi người có thể tận mắt thấy một khối gỗ vô hồn biến thành một bức phù điêu, bức tượng đẹp mắt. Trên ảnh là một nghệ nhân trẻ Sơn Đồng đang tạc một chú cua ...

... rồi gắn vào bức phù điêu bên cạnh một bông sen sống động như thật. 

 

Điều đặc biệt ở Sơn Đồng là khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn). Bên cạnh đó người Sơn Đồng còn tạc những pho tượng truyền thần dựa vào bức ảnh chân dung hoặc toàn thân của khách hàng, từ đó tạc nên bức tượng chất liệu gỗ giống với ảnh chụp. 

Để làm được những điều đó, người nghệ nhân phải có kinh nghiệm, hiểu được các điển tích, tính cách, chức vụ, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức để rồi thổi hồn vào các tác phẩm.

Đến Sơn Đồng ngày hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được những nét đẹp văn hoá truyền thống, mà còn nhìn nhận rõ những sự đổi thay do thế hệ trẻ Sơn Đồng đã và đang kế tục cha ông, tạo dựng lên.

Bài hát quan họ Người ơi người ở đừng về níu chân khách đến dự Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023

Chia tay Sơn Đồng, chúng tôi nhớ mãi lời chia sẻ của  Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiệp - Đồ thờ Đức Hiệp Sơn Đồng, truyền nhân đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Đức - Bá hộ kỹ nghệ Sơn Đồng: “Những lớp nghệ nhân trẻ của Sơn Đồng như chúng tôi hôm nay, được kế thừa những tinh hoa của các lớp nghệ nhân đi trước, bằng tình yêu với nghệ thuật điêu khắc truyền thống chắc chắn sẽ nỗ lực viết tiếp trang sử làng nghề và làm rạng danh quê hương mình”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác