Du lịch

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP từ du lịch nông thôn

Nguyễn Vân - 18:42 22/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 22/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam- Đơn vị Thường trực Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Dự và chủ trì diễn đàn có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM; ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970; đại diện lãnh đạo các tỉnh, sở, ban, ngành các địa phương và gần 500 điểm cầu trực tuyến gồm đại diện các doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên từ các trường đại học, doanh nghiệp lữ hành, cán bộ quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, du lịch, các hộ gia đình, nghệ nhân…

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Với chủ đề “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương và đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại. Thông qua diễn đàn, các sản phẩm nông đặc sản địa phương được giới thiệu cho khách du lịch với kỳ vọng đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn.

Diễn đàn sẽ tập trung vào một số nội dung như thảo luận trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Việt Nam; Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch; Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn; Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng homestay; Chiến lược xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn; Sản phẩm du lịch sức khỏe trong phát triển du lịch nông thôn. 

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: Các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp đều hướng tới làm sao đẩy mạnh được phát triển du lịch nông thôn. Mặc dù thời gian qua, chương trình phát triển du lịch nông thôn đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng qua diễn đàn hôm nay, tôi càng thấy trách nhiệm của cơ quan được Chính phủ giao chủ trì là Bộ NN&PTNT cần nâng cao hơn nữa. Đồng thời, xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (thứ hai từ trái sang) tham quan một số sản phẩm OCOP. Ảnh: ĐVCC

Thứ nhất, phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Thứ hai, vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường. Thứ ba, thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực. Vấn đề phải đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, “đánh mất thương hiệu là đánh mất tất cả.

Đặc điểm sản phẩm OCOP khác với sản phẩm khác là ngoài các tiêu chuẩn phải đạt được thì OCOP cần có sự tham gia của đông đủ ban, ngành, khi chấm một sản phẩm OCOP 5 sao, Hội đồng có Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở KH&CN, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế... 3 năm sẽ đánh giá lại sản phẩm OCOP một lần để đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.

Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu đáng mừng. Bộ NN&PTNT đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các Đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu.

Về phát triển du lịch nông thôn, ông Trần Thanh Nam cho biết: Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN&PTNT ký văn bản liên tịch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển chương trình này. Vấn đề đặt ra là đây đang là xu hướng của thế giới, lợi thế của Việt Nam. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và trở thành thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Các đại biểu cắt băng khai trương Không gian OCOP Nhân văn.Ảnh: ĐVCC

Khi triển khai, Bộ NN&PTNT nhận ra 3 vấn đề từ các mô hình: Câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống. Cả 3 yếu tố này cần gắn với nhau. Liên quan đến câu chuyện vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, cần xác định đất nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì chứ không phải để chuyển hết làm homestay. Cần tạo ra cảnh quan nông thôn để giữ khách du lịch, đây mới là mô hình du lịch cộng đồng nông thôn homestay.

Trong bối cảnh xuất khẩu lúa gạo là điểm nóng trên thị trường kinh tế thế giới thì chúng ta càng cần có ý thức bảo vệ đất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu lại đất hợp tác xã, đất làm trang trại, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định làm trang trại, nhưng sẽ có tỷ lệ nhất định để giữ đất nông nghiệp.

Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, ông Trần Thanh Nam giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.

Từ chia sẻ Việt Nam chưa có mô hình du lịch OCOP 5 sao, qua diễn đàn này, mong muốn có thể hình thành được 1 bộ hồ sơ đạt chuẩn 5 sao. Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bộ NN&PTNT đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM và các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các mô hình điểm du lịch có bán sản phẩm OCOP. Từ đó, kéo theo nhiều địa phương cùng tham gia. Nếu làm được điều này thì đây chính là kết quả chính của diễn đàn hôm nay.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) cho biết: Số lượng sản phẩm OCOP tăng mạnh theo thời gian, OCOP được xem là sản phẩm kết tinh cho văn hóa, truyền thống của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng sản phẩm OCOP đặt ra những thách thức, buộc các chủ thể sản xuất phải tập trung vào yếu tố khác biệt, tăng cường tìm hiểu để phù hợp với thị hiếu thị trường. Chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa, bằng cách xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn phục vụ xuất khẩu.

Ông Chử Hồng Minh, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam chia sẻ: Có 3 trụ cột cần xác định trong phát triển du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, gồm: Yếu tố văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế. Ngoài ra, cần hình thành liên kết các bên giữa doanh nghiệp, địa phương đến người làm chuyên môn, nghệ nhân ẩm thực.

Bà Hồ Kim Liên là Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Phú Quốc, được 28 quốc gia EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong 19 năm Công ty Khải Hoàn vừa kinh doanh nước mắm, vừa làm du lịch trên đảo, thương hiệu này chưa hề tốn kinh phí cho truyền thông. Thay vào đó, chính chất lượng sản phẩm và câu chuyện văn hóa bản địa trong hương vị nước mắm đã thu hút khách du lịch tới đảo Phú Quốc. Từ khi tiếp nhận chương trình OCOP và nhận danh hiệu 5 sao, nước mắm Khải Hoàn đã trở thành đại diện của cộng đồng dân cư Phú Quốc, góp phần giữ gìn truyền thống địa phương.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Địa phương hiện chưa triển khai nhiều mô hình phát triển du lịch gắn với quảng bá nông đặc sản và sản phẩm OCOP. Là một tỉnh có GDP nhóm nông lâm nghiệp chiếm chưa đến 10%, hiện Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch số 172/KH-UBND đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023-2025. Một số thế mạnh du lịch gắn với nông lâm nghiệp của Đồng Nai là du lịch trải nghiệm rừng, du lịch miệt vườn.

Bà Hồ Kim Liên là Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Phú Quốc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Do mới triển khai các kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch nông nghiệp, Đồng Nai rất quan tâm đến khung pháp lý, các vấn đề liên quan tới an ninh trật tự, phát triển bền vững. Ngoài ra, địa phương mong muốn phát triển sản phẩm liên quan tới nông nghiệp, trong đó có du lịch, phải gắn với tín hiệu thị trường.

Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng một chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp mang định hướng dài hạn, giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Đây là tiền đề cho tỉnh xây dựng các cơ chế hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá giới thiệu sản phẩm… Đề nghị Trung ương bố trí kinh phí để xây dựng các mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, lồng ghép các khu vực tổ chức thực hiện với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về du lịch nông nghiệp. Trong thời gian chờ sửa Luật Đất đai, kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu để cụ thể hóa Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể gắn với phát triển du lịch thời gian tới. Kiến nghị sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn, tuy chính sách đã được ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận.

Hậu Giang hiện có khoảng 175 sản phẩm OCOP và đang đề nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới xem xét 5 sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh. Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Sản phẩm du lịch mùa vụ không thể kinh doanh thường xuyên, ảnh hưởng đến lượng khách. Phát triển du lịch chủ yếu theo kinh tế hộ còn nhỏ lẻ, kinh nghiệm trong quản lý điều hành phát triển du lịch còn hạn chế.

Ông Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM cho biết: Mô hình du lịch sức khỏe dự kiến có thể áp dụng cho khách theo tour, đoàn, khách lẻ, khách lưu trú homestay thông qua các sản phẩm phục hồi, nâng cao sức khỏe bằng xoa bóp bấm huyệt, massage chân, ngâm chân thảo dược, trà thuốc, nước khoáng… của địa phương. Các sản phẩm “làm quà” từ dược liệu, nông đặc sản của địa phương. Ở một số vùng miền có thể cung cấp thực phẩm sạch - thực phẩm bảo vệ sức khỏe như các loại rau - thuốc như: Rau má, hạt sen tươi, thịt gia súc, gia cầm nuôi bằng thảo dược...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác