Khánh Hòa “Phát triển du lịch xanh và bền vững”
Dự Diễn đàn có ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Viêt Nam; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, các diễn giả, đại diện lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và đại diện các trường đại học.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành Du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên… những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng…
Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Thông qua Diễn đàn này chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp, định hướng để xây dựng du lịch Khánh Hòa là một ngành du lịch xanh và phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng trong tương lai” ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.
Ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội.
Để phát triển du lịch Khánh Hoà xanh và bền vững Khánh Hoà cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh; khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch. Đồng thời, kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển.
Tỉnh cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biển đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; các sản phẩm du lịch có tính liên kết với các ngành kinh tế khác là thế mạnh của Khánh Hoà: Kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ hải sản, vùng sản xuất muối… để đa dạng giá trị trải nghiệm và xây dựng chuỗi giá trị du lịch với các ngành khác.
Phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng… Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá du lịch xanh.
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, du lịch biển vẫn là dòng du khách chính trên thế giới và ở nước ta. Vì biển chứa đựng tiềm năng vô cùng to lớn đối với phát triển du lịch như nói trên. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích to lớn do du lịch biển mang lại, con người đang khai thác tài nguyên biển thiếu hiệu quả, lơ là trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển.
Để phát triển du lịch biển Khánh Hòa theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo 6 yêu cầu cơ bản sau: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; Phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường; Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp du lịch trình bày các tham luận. Các đại biểu đã chia sẽ những kinh nghiệm trong việc vận hành hệ thống kinh doanh theo mô hình thân thiện, gần gũi môi trường trong tình hình hiện nay; Giải pháp phát triển du lịch thông minh tại Khánh Hòa; Tiềm năng, cơ hội đột phá phát triển du lịch xanh và bền vững tại Khánh Hòa.