Multiarticle
Việt Tùng - Minh Tú - 22:18 29/10/2023 GMT+7

 

Người cán bộ mà chúng tôi đang nhắc đến, không ai khác đó chính là ông Tạ Đình Bảng, Nguyên Bí thư huyện ủy Mường Khương (Lào Cai), giai đoạn 2004 – 2010. Ông là một trong những người có công đầu tiên trong việc phát hiện và nhìn thấy giá trị, tiềm năng của cây chè trên vùng đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc này. Để rồi từ đó, ông cùng Đảng bộ huyện Mường Khương quyết tâm chọn cây chè phát triển thành cây chủ lực, “cây mũi nhọn” của huyện, trong bối cảnh địa phương đang tìm hướng thích hợp để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 Những tưởng, xác định được cây trồng thích hợp, hoạch định hướng đi đúng đắn, thì sẽ được người dân đón nhận và mục tiêu giúp người dân nơi đây thoát nghèo chỉ là sớm hay muộn. Nhưng không hẳn dễ như vậy, chính ông và Đảng bộ huyện Mường Khương lại gặp phải những rào cản, khó khó khăn chưa lường tới. 

Sau khi chủ trương được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua bằng nghị quyết, quyết tâm chọn cây chè làm “cây mũi nhọn”, tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Bí thư Tạ Đình Bảng trực tiếp chỉ đạo việc triển khai nghị quyết, giám sát các đơn vị thực hiện. Phòng Nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch mùa vụ, về cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật cho người dân. Phòng Tài chính chịu trách nhiệm lên kế hoạch xây dựng kinh phí để hỗ trợ người dân... Còn lãnh đạo các xã, trưởng thôn, các đảng viên có trách nhiệm tổ chức họp dân, đến từng hộ để vận động người dân chuyển đổi từ cây trồng quen thuộc tự cung tự cấp là cây ngô, sắn... sang cây chè hàng hóa.

Ngay lập tức, chủ trương được các xã hưởng ứng triển khai rầm rộ. Các cuộc họp được tổ chức, khi thì tại hội trường UBND xã, lúc thì tại nhà văn hóa thôn, thậm chí tổ chức ngay tại sân nhà bí thư, trưởng thôn. Họp lên, họp xuống suốt nhiều ngày trời, cuộc họp nào người dân cũng đến rất đông, nhiều nơi hết chỗ còn phải ngồi tràn cả ra hè, sân nhà văn hóa.

Cán bộ tuyên truyền, phổ biến chủ trương của huyện, tỉnh giải thích cặn kẽ về những lợi ích khi người dân chuyển đổi từ cây ngô, sắn có giá trị thấp... sang cây chè. Thông tin dự báo là cây chè sẽ mang lại giá trị cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí là 5 - 6 lần cây ngô, sắn. Khi đó, người dân ai cũng phấn khích, trao đổi rất hăng hái, thi thoảng trong cuộc họp lại vang lên những tràng pháo tay tán thưởng...

Nhìn không khí, cảnh tượng và những khuôn mặt đồng bào nơi đây, ai cũng nghĩ "lòng Dân, ý Đảng" đã hòa quyện. Mọi việc chỉ còn chờ triển khai thực tế. Nhưng thực tế không dễ như người trong cuộc đã nghĩ. Ở hội nghị là thế, nhưng dường như khi ra khỏi hội trường, người dân "gửi lại" những gì mà cán bộ đã tâm huyết, nỗ lực tuyên truyền, giải thích, động viên, khích lệ hàng tiếng đồng hồ qua. Kết quả, dường như không một hộ nào chịu chuyển đổi nương ngô, sắn của mình để trồng chè cả, ngoại trừ một số đảng viên tiên phong làm đầu tàu gương mẫu.

Bao công sức, tâm huyết đổ sông, đổ bể rồi chăng? Bế tắc! Một cảm giác lướt qua đầu Bí thư Tạ Đình Bảng, rồi vụt tắt sau đó khi ông được cấp dưới báo cáo. Không hề có một “tiếng bấc, tiếng chì”, đổ thừa trách nhiệm cho cấp dưới, ông bình tĩnh đón nhận thực tế và nhận trách nhiệm về mình. Có lẽ công tác dân vận vẫn còn thiếu, hoặc yếu ở khâu nào đó. Ông quay ra động viên cấp dưới, rồi tổ chức họp gấp, để cùng nhau tìm cách gỡ nút thắt này.

Là một người cán bộ Đảng có kinh nghiệm ở vùng cao nơi có nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, ông hiểu về giá trị của công tác dân vận phải “mưa dầm, thấm lâu”. Gần dân, hiểu dân và trách nhiệm gương mẫu của Đảng viên trong việc đi đầu trên mọi mặt trận, ông đã động viên cấp dưới kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra. Ông trực tiếp xuống tận xã, thôn để họp dân, rồi cuốc bộ gõ cửa từng nhà dân để lắng nghe tâm tư, sự lo lắng của họ, động viên người dân hiểu, đồng lòng, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũ sang cây chè - một loài cây đặc sản, có thể nói là “trời ban” cho vùng đất Mường Khương nơi nơi biên cương của Tổ quốc này.

Hóa ra, điều mà người dân lo nhất, không phải là khả năng cây chè cho năng suất gấp bao nhiêu lần cây ngô, mà đó là vấn đề “đầu ra” của sản phẩm chè. Người dân vốn rất thực tế, thực tế như nhìn vào mâm cơm trước mặt. “Bà con bảo, trồng cây ngô, sắn… nếu không bán được còn để lại ăn được. Cây chè trồng ra, không bán được thì có ăn được đâu, uống cũng chỉ vài lạng. Cái bụng không no, cán bộ bảo dân làm sao được…!” – nguyên Bí thư Huyện uỷ Tạ Đình Bảng nhớ lại.

Ông Bảng nhớ lại, khi đó, ông Ngô Đức Vũ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương đã xuống “cắm bản” mấy tháng trời. Toàn thể đảng viên Đảng bộ Mường Khương họp, quán triệt Nghị quyết, thực hiện “3 cùng” với dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Quyết tâm là thế, nhưng ông Bảng thừa nhận, có những lúc khó khăn quá, không chỉ đảng viên mà có cả một vài vị lãnh đạo Đảng ủy, UBND   xã cũng nản lòng với cây chè, không khí chùng xuống.

“Lúc đó, tôi lên tỉnh trình bày, xin hỗ trợ và nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Khi đó tỉnh đang triển khai Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cả nước). Từ nguồn kinh phí này, chúng tôi đã cho triển khai ở 4 xã gồm: Thanh Bình, Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Sen, trên diện tích khoảng 30ha. Trong đó  hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón, một phần nhân lực đào rãnh trồng chè cho bà con, tức là cấp gạo cho bà con có sức ăn mà đào rãnh chè” – Ông Bảng cười nhớ lại.

Khi đó, Nông trường chè Thanh Bình cũng vào cuộc hỗ trợ người dân Mường Khương. Đặc biệt là Giám đốc Nông trường - ông Bùi Đức Rạng - đã đích thân dẫn đội ngũ cán bộ kỹ thuật xuống làm cùng dân, cầm tay chỉ việc... Có thêm nguồn lực vật chất, tinh thần và lực lượng kỹ thuật hỗ trợ, tình hình tốt dần lên, đặc biệt sau khi cây chè của 30ha thử nghiệm cho thu hoạch và thông “điểm nghẽn” đầu ra sản phẩm . Người dân trồng chè thử nghiệm thấy có tiền hàng ngày từ thu hoạch chè, họ mới bắt đầu phá ngô, trồng chè.

Với quyết tâm cao của lãnh đạo Huyện uỷ, mà trực tiếp là Bí thư Huyện ủy Tạ Đình Bảng, sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên trì của cả hệ thống chính trị huyện, những nương ngô, sắn… đầu tiên trên mảnh đất các xã Thanh Bình, Tả Thàng, Nậm Chảy… đã từng bước được thay thế bằng những cây chè Shan tuyết bé tí. Nhưng trên ngọn mỗi cây đang trồi lên những mầm xanh biếc, vươn thẳng lên trời cao, như đang muốn mang theo khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính người dân nơi đây.

Nguyên Bí thư huyện ủy Mường Khương nhớ lại: Năm 2008, tại một hội nghị bàn về đầu ra cho cây chè thương phẩm, lúc đó “đầu ra” còn hạn chế, do chỉ có một đơn vị thu mua, nên người dân rất lo lắng. Hiểu được “cái bụng” của đồng bào, chúng tôi tìm cách kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến chè về huyện Mường Khương, một mặt, chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu chè shan Tuyết Mường Khương để gia tăng lượng người biết về sản phẩm, từ đó có thêm “đầu ra” cho người dân.

Nhưng, người dân vốn đã tin cán bộ Đảng, họ dù không nói ra, họ vẫn cần một sự chịu trách nhiệm đến cùng, một khi thực tiễn không thuận lợi như mong muốn. “Hôm đó, tại một hội nghị trước toàn thể bà con, tôi đã đã hứa và khẳng định rằng, nếu sau này giá một ki lô gam chè không bằng một ki lô gam thóc, thì bà con cứ mang chè lên đổ vào cơ quan Huyện ủy, tôi nhận!” – ông Tạ Đình Bảng nhớ lại. Ông và những cán bộ Đảng nơi đây hiểu rõ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đến cùng, mới có thể thuyết phục được người dân.

Mùa Thu 2023, chúng tôi tìm về “Thủ phủ” chè Lào Cai, xã có cái tên khá thơ mộng và hẳn là mong ước của bao người, Thanh Bình một xã vùng sâu, vùng xa của Mường Khương có diện tích chè lớn nhất huyện, diện tích lên đến 780ha.

Tiếp chúng tôi, là một nữ Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Bình- bà Tráng Minh Hoa, một người con của đồng bào dân tộc Bố Y (một trong những dân tộc ít người của nước ta), bà là một cán bộ năng động, sáng tạo, bản lĩnh và trách nhiệm.

Khi được hỏi về cây chè, Bí thư Tráng Minh Hoa rất hứng khởi, bởi chính nhờ có cây chè, mà người dân Thanh Bình nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ có cây chè phủ xanh những triền đồi, đã tạo nên vẻ đẹp vốn thanh bình, nay càng thanh bình hơn. Nhờ có cây chè, mà tình hình kinh tế của xã không ngừng được nâng cao, an ninh trật tự ổn định và Đảng bộ ngày càng lớn mạnh…

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè bạt ngàn, kéo từ quả đồi này qua triền dốc khác, với vẻ mặt niềm nở đầy tự hào, Bí thư Tráng Minh Hoa cho biết: Thanh Bình có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng nhau sinh sống như Nùng, Mông và đặc biệt có một dân tộc rất ít người là Bố Y với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát triển.

“Làm thế nào để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng lớp Đảng viên nguồn… luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được Ban Thường vụ Đảng ủy xã đặt lên hàng đầu. Thanh Bình có được ngày hôm nay, phải kể đến công lao của các thế hệ lãnh đạo đi trước. Trong đó, người tiền nhiệm là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lồ Phủ Dìn, ông là một trong những người có công đầu tiên trong việc đưa cây chè bén rễ trên mảnh đất Thanh Bình” – Bí thư Đảng ủy xã Tráng Minh Hoa cho biết.

Để hiểu rõ hơn về người Bí thư Đảng ủy xã đặc biệt này, chúng tôi tìm gặp ông khi trời đã chính Ngọ (giữa trưa). Chia sẻ với chúng tôi, khi ông đã ở một cương vị khác  - Chủ tịch MTTQ thị trấn Mường Khương. Nhưng kỷ niệm, những khó khăn, gian khổ về ngày đầu đi vận động người dân chuyển đổi sang cây chè, ông vẫn nhớ như in, dù chuyện đó đã xảy ra cách đây gần 20 năm.

Ông Dìn kể lại, cây chè lần đầu tiên vào Thanh Bình là năm 2004, khi đó ông đang giữ cương vị Chủ tịch UBND xã. Ông Dìn thừa nhận, việc thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi từ những cây trồng cũ vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, sang một cây trồng mới, là một điều vô cùng khó khăn. Đây không phải là chuyện một sớm, một chiều mà có thể làm được.

Theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi đầu. Ông Dìn đã về “phá” bỏ ngô, sắn và các cây hoa màu khác trên diện tích 5.000m2 để trồng chè. Mặc dù là cương vị Chủ tịch UBND xã, nhưng hành động của ông vẫn gặp phải phản kháng rất mạnh mẽ từ vợ và những người trong gia đình.

“Khi đó, vợ giận tôi cả tuần không nói câu nào. Nhưng tôi nghĩ, nếu không “tề gia”, thì làm sao “trị quốc”. Tôi bình tĩnh, kiên trì giải thích cho vợ và những người thân hiểu. Hôm nay chưa hiểu, mai lại nói tiếp. Cứ thế…, Bỗng một hôm vợ tôi gọi vào bàn uống nước và bảo: “Em sẽ trồng chè cùng anh”. Nghe vợ nói vậy tôi suýt đánh rơi chén nước vì mừng quá” – ông Lồ Phủ Dìn nhớ lại.  

“Thuận vợ thuận chồng”, thì “tát biển Đông cũng cạn”. Chính vợ ông Dìn là người tự tay phá nốt 3.000m2 đất còn lại của gia đình để trồng chè. Không chỉ vậy, vợ ông chính là người giúp ông vận động người thân và bà con trong thôn, xã mạnh dạn chuyển sang cây chè.

Ông Lồ Phủ Dìn cho biết, những ngày cuối năm 2005, phong trào chuyển đổi nương ngô để trồng chè của người dân trong xã lên cao hơn bao giờ hết. Các hộ đua nhau đào rãnh, làm ngày không kịp, đêm đến các hộ đã nghĩ ra cách đốt đuốc, đốt lửa trên đồi, rồi già trẻ, gái trai tay cuốc, tay xẻng hô nhau đào rãnh chè. Ánh sáng phát ra từ hàng chục, hàng trăm ngọn đuốc, trải dài trên những sườn đồi, làm sáng rực cả một vùng.

“Còn gì vui hơn, đẹp hơn khi được chứng kiến cảnh này”! Chúng tôi nhìn vào mắt người cán bộ Đảng kỳ cựu, như vẫn còn thấy sự lấp lánh của những tháng ngày rạo rực của gần 20 năm trước -  Trong tâm trí của những người cán bộ Đảng đi đầu và đứng ở vị trí tuyến đầu lãnh đạo người dân một xã như ông, những ngọn đuốc chẳng khác gì ngọt lửa trại, mà “vũ công” biểu diễn chính là những nông dân, với đạo cụ là cây cuốc, cái xẻng trên tay, đang miệt mài đào những cục đất lên từ rãnh chè. Mồ hôi chảy ra trên những cánh tay chắc khỏe của cánh đàn ông, mồ hôi lăn nhẹ trên trán, gò má của những người phụ nữ dân tộc Mông, Nùng, Bố Y… hòa vào ánh lửa hồng lấp lánh, càng tô thắm thêm những khuôn mặt xinh tươi, toát lên một vẻ đẹp kiêu hãnh trong lao động, làm say đắm lòng người.

Cho đến ngày nay, người dân nơi đây vẫn nhớ như in sự kiện đó. Họ vẫn gọi những đêm đốt đuốc thức đào rãnh trồng chè gần 20 năm trước là một kỷ niệm không bao giờ quên, là những “Đêm hội” thực sự của thôn, của xã, với một niềm tự hào ngày càng lớn. Vì những hạt mầm năm đó không chỉ đem lại cả cánh đồng chè to lớn, dần đẩy lui cái nghèo hàng trăm năm vào quá khứ.

Nhưng, một lần nữa, thực tế cuộc sống lại gõ vào ước mơ của cán bộ và người dân các dân tộc nơi đây. Niềm vui thắng trận đầu “ngắn chẳng tày gang”, khi phong trào bỏ ngô, trồng chè đang lên cao, diện tích chè ngày một tăng, thì cây chè lại rơi vào một bi kịch như nhiều cây trồng ở nhiều nơi khác của nước ta: “Được mùa, mất giá”! Có những lúc người dân định chặt bỏ chè để quay lại với cây ngô.

Đứng trước khó khăn này, một lần nữa vai trò của tổ chức Đảng, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu lại được khẳng định. Và người mà nhân dân Mường Khương trông ngóng là một Bí thư Huyện ủy còn rất trẻ, ông Giàng Quốc Hưng, người đã tiếp bước các lãnh đạo Huyện ủy tiền nhiệm, một lần nữa cùng nhân dân Mường Khương “vượt cơn sóng dữ”, đưa cây chè không chỉ trở thành một cây “thoát nghèo” mà còn trở thành cây “làm giàu” cho nhân dân.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác