Ẩm thực

Khâu nhục Lạng Sơn: Món ngon không thể thiếu vào dịp Tết

Hoàng Tính - 07:02 31/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với cách chế biến khá cầu kỳ, khâu nhục đã trở thành món ăn trong những ngày trọng đại của mỗi gia đình ở Lạng Sơn như: Cưới hỏi, đón khách, ngày lễ và đặc biệt không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của bà con nơi đây.

Nguyên liệu chế biến chính của món Khâu nhục chính là thịt ba chỉ lợn. Nhưng với cách chế biến khá độc đáo những miếng thịt ba chỉ đã không còn ngấy bởi mỡ mà ngược lại rất thơm ngon, tốt cho sức khoẻ, thịt mềm từ trẻ con đến người lớn tuổi đều rất mê.

Món khâu nhục với nhiều dinh dưỡng được các gia đình ở Lạng Sơn làm vào mỗi dịp Tết

Khâu nhục là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng với đôi bàn tay khéo léo của những “đầu bếp” Lạng Sơn món Khâu nhục đã trở thành món ngon độc đáo của người dân Xứ Lạng.

Món ăn được nhiều người ưa thích là bởi cùng với thịt ba chỉ lợn, người dân đã kết hợp nhiều gia vị khác như: Nấm hương, Mộc nhi, đậu phụ, tàu soi, bia, hạt móc mật, củ cải, địa liền, gừng, thảo quả, hạt tiêu, mật ong, rượu, giấm, bột ngọt… được hấp cách thuỷ 2 lần.

Việc chế biến món khâu nhục mất khá nhiều thời gian nhưng món ăn lại có thể để được lâu ngày, khi ăn chỉ cần đem hấp lại là được. Chính vì vậy trong những ngày Tết Nguyên Đán, các gia đình ở Lạng Sơn đã làm món khâu nhục để sử dụng và đón khách.

Theo từ điển Hán Việt, “Nhục” có nghĩa là “Thịt”, còn “Khâu” là “hấp chín” cho đến khi mềm mục ra thì thôi. Đó cũng đã đủ để biết món ăn này được chế biến khá cầu kỳ và tốn thời gian.

Cách thức chế biến món Khâu nhục Lạng Sơn:

Trước hết phải chọn được miếng ba chỉ lợn có độ dày vừa phải. Thịt sau khi mua về được sơ chế rửa qua nước nóng, làm sạch lại lông. Sau đó cho vào nồi luộc chín.

Để có được bát khâu nhục ngon, những miếng ba chỉ được lựa chọn không quá dày, quá móng

Thịt sau khi luộc chín, vớt ra để nguội rồi dùng tăm tre châm bì lợn càng châm kỹ miếng bì sẽ càng mềm thấm gia vị và ăn sẽ ngon hơn. Sau khi châm xong lấy mật ong, gừng, giấm, rượu pha sẵn để thoa đều lên miếng thịt nhằm tạo màu, hương vị riêng.

Tiếp đó đem miếng thịt chao trong chảo dầu nóng già, cho đến khi vàng đậm thì mới vớt ra.

Trong quá trình đợi miếng thịt nguội để thái thành miếng vừa ăn, đầu bếp làm nhân khâu nhục gồm: Nấm hương, mộc nhĩ, đậu phụ, tàu soi bắm thật nhuyễn. Hạt móc mật, củ cải, địa liền, gừng, thảo quả giã nhỏ, tiếp đó cho thịt mông xay nhuyễn và các gia vị vào đảo đều trên bếp cho đến khi chín.

Khi miếng thịt ba chỉ đã nguội, ta tiến hành thái thành miếng to bản như lòng bàn tay. Sau đó xếp vào bát ô tô (thường sẽ xếp 6 hoặc 8 miếng vào 1 bát), quay phần da xuống đáy bát, cho phần nhân đã nấu chín lên trên.

Ba chỉ được chao trên dầu có màu vàng đậm

Tiếp là buộc túi bóng kín bát rồi đem xếp vào nối hấp cách thuỷ từ 4-5 tiếng  đồng hồ, sau đó để trong nồi qua đêm rồi lại đun tiếp khoảng 2 tiếng là được. Khi lấy ra ăn dùng 1 chiếc đĩa úp ngược lại.

Thành công của bát khâu nhục chuẩn vị Lạng Sơn là miếng thịt phải có màu vàng đẹp mắt, ăn mềm, không ngấy, có mùi thơm của gừng, móc mật, nấm hương, hạt tiêu…

Các gia vị của khâu nhục hều hết là có tính nóng, bởi vậy món ăn còn góp phần giúp cơ chế chống lại cái rét của mùa Đông. Món ngon, lại dễ ăn, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ (bởi thịt ba chỉ thì giàu chất đạm, B1, vitamin cung cấp nhiều năng lượng) chính là một lời chúc cho cả gia đình thật nhiều sức khoẻ để chào đón 1 năm mới an lành và may mắn.

Những miếng ba chỉ được thái với bản to, khác biệt so với chế biến các món ăn khác
Sắp từ 6-8 miếng ba chỉ và nhân vào trong bát ăn vừa đủ 
Cho vào nổi và hấp khâu nhục làm 2 lần, lần 1 từ 4-5 giờ; lần 2 khoảng 2 giờ
Bát khâu thục không thể thiếu trong những dịp quan trọng như: cưới hỏi lễ, tết, đón khách của người Lạng Sơn

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác