Khen thưởng, khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo đó đề xuất chính sách: Hoàn thiện các quy định để tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân THTK, CLP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Mục tiêu xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc biệt là người lao động tham gia một cách có trách nhiệm vào việc THTK, CLP và cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật THTK, CLP theo hướng: Thứ nhất, bổ sung quy định khuyến khích cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức, đơn vị THTK, CLP như sau:
(i) Đối với cá nhân có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP thì được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, mức khen thưởng căn cứ vào số kinh phí tiết kiệm được trong thực tế (có quy định mức tối đa).
(ii) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định của pháp luật, được tự chủ trong việc quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm được vào các mục đích sau: (1) Bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; (2) Chi khen thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, trong đó cho phép việc trích khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP mang lại kết quả cụ thể từ nguồn kinh phí tiết kiệm được; (3) Bổ sung các Quỹ theo quy định của pháp luật. Thực chất đây là việc luật hóa các quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả theo quy định của Chính phủ trong thời gian qua.
Thứ hai, bổ sung quy định khuyến khích các cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo hướng: cho phép trích để lại một phần số kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và ngăn chặn kịp thời cho chính người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo tỷ lệ % nhất định tính trên số tiền bị lãng phí đã ngăn chặn kịp thời nhưng có khống chế mức tối đa.
Ngoài ra, bổ sung quy định cho phép các Bộ, ngành ban hành các chính sách khuyến khích khác theo hướng: ngoài các chính sách khuyến khích cụ thể tại Luật này, các luật chuyên ngành có thể quy định thêm các chính sách khác để khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia THTK, CLP phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo Bộ Tài chính, lý do lựa chọn giải pháp này là: Việc bổ sung cơ chế khuyến khích tổ chức, đơn vị, cá nhân trong THTK, CLP sẽ giúp cho các tổ chức, đơn vị, người lao động thực sự là người được thụ hưởng kết quả tiết kiệm do mình tạo ra, từ đó có trách nhiệm hơn với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của cơ quan, đơn vị, tích cực hơn trong việc đề xuất, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP. Cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí tạo động lực để các tổ chức, cá nhân phát hiện, báo cáo về các trường hợp lãng phí, qua đó giúp tăng cường hiệu quả công tác THTK, CLP.
Hoàn thiện các quy định về xử lý đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về THTK, CLP
Dự thảo đề xuất: Bổ sung, hoàn thiện các quy định về xử lý đối tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về THTK, CLP, trong đó tập trung về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bổ sung quy định các trường hợp miễn trừ việc xử lý đối với cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Cụ thể, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra một số hành vi sau thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách như: (i) không ban hành/chậm ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong từng lĩnh vực làm cơ sở để THTK, CLP; (ii) chậm ban hành các Chương trình THTK, CLP trong từng lĩnh vực; (iii) không thực hiện báo cáo kết quả công tác THTK, CLP hoặc báo cáo không đầy đủ các nội dung theo quy định; (iv) không thực hiện việc lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi quyết định đối với các biện pháp THTK, CLP tại cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép không xử lý vi phạm về THTK, CLP đối với cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung trong một số trường hợp như: (i) đã đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoặc thí điểm thực hiện chính sách mới có thể không đạt hiệu quả; (ii) đã đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoặc thí điểm thực hiện vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành do tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời sửa đổi.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về THTK, CLP theo pháp luật chuyên ngành bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương, Chính phủ, Quốc hội để làm cơ sở theo dõi, quản lý chặt chẽ các nguồn lực, tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc THTK, CLP.
Lý do lựa chọn nhằm: Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc THTK, CLP, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, các nguồn lực của đất nước được kiểm soát chặt chẽ hơn, giảm các trường hợp thất thoát, lãng phí có thể xảy ra. Các cán bộ năng động sáng tạo được bảo vệ có thể đóng góp những sáng kiến mới, đem lại hiệu quả, có đóng góp thực chất cho xã hội.
Theo Chinhphu.vn
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới