Khi nông dân làm thầy giáo dạy cách làm giàu
Những thầy giáo không chuyên giúp nông dân thoát nghèo
Tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, những “thầy giáo nông dân” đang có những cách làm hay, hiệu quả để dạy nông dân (ND) nuôi tôm trong ruộng lúa, vườn dừa đạt năng suất, chất lượng cao. Mưa dầm, thấm lâu, những “thầy giáo” bất đắc dĩ này đã thay đổi được tư duy của ND từ cái cũ sang cái mới, từ cách làm truyền thống sang sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là mô hình còn giúp ND sản xuất ra nông sản sạch, thị trường thu mua rộng lớn.
Với mô hình “Nông dân dạy nông dân”, mỗi tháng các thành viên tổ hợp tác ngồi lại với nhau nghe chia sẻ kinh nghiệm. Những người đã nuôi hiệu quả thì dạy người còn lại cách chăm sóc tôm sao cho khỏe mạnh, mau lớn, đồng đều, ít rủi ro.
Từ khi tham gia mô hình đến nay, tất cả thành viên đều phấn khởi vì nhờ học hỏi nhau mà việc nuôi tôm càng xanh trở nên dễ dàng, có hiệu quả. Bình quân 1ha thực hiện mô hình, các thành viên nuôi tôm đều có lãi trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Văn Đoàn (sinh năm 1960, ở ấp Xương Thới 3, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú) đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa. Ở vào tuổi ngoài lục tuần, với 30 năm gắn bó với con tôm, ông Đoàn đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm nuôi tôm và ông cho biết mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa mang lại hiệu quả cao hơn nuôi tôm trong ruộng lúa.
Hiện ông Đoàn là thành viên Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Thới Thạnh (xã thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). HTX có 32 thành viên nuôi tôm trong mương dừa.
Năm 2021, ông đã tìm tòi và ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực bấm càng 3 giai đoạn và cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện kỹ thuật đang được nhân rộng ra các huyện trong tỉnh Bến Tre cũng như các tỉnh bạn. Nhiều ND và cán bộ khuyến nông ở tỉnh khác cũng đến tham quan và học hỏi mô hình, Hội ND huyện còn mời ông làm giảng viên cho nhiều lớp tập huấn. Theo tính toán của ông Đoàn, nếu nuôi đúng kỹ thuật, bấm càng 3 giai đoạn, với giá bán 220 nghìn đồng/kg tôm thì mỗi hộ dân mỗi năm thu lãi từ 160 triệu đồng đến 180/triệu đồng/ha.
Chia sẻ về bí quyết làm thế nào để dạy ND thành công, ông Đoàn cho biết, do vừa làm vừa rút kinh nghiệm, và muốn cho mọi người cùng hiểu và làm theo nên ông cũng đã tìm tòi nghiên cứu và cùng phổ biến, cầm tay chỉ việc giúp cho nhiều ND khác cùng làm, chứ không giáo điều, đao to búa lớn gì cả. “Mình làm được thì cùng hỗ trợ, giúp đỡ người khác làm theo, cùng phát triển thôi…”, ông Đoàn nói.
Nông dân Thái Nguyên livestream giới thiệu và bán sản phẩm na Võ Nhai, nông sản Thái Nguyên.
Là giảng viên thực hành có nhiều kinh nghiệm và là thành viên tích cực của CLB Nông dân sản xuất giỏi 14.10 của Hội ND tỉnh Bình Định, ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, thường xuyên được các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mời hướng dẫn nghề trồng nấm.
Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn đã mời ông Hòa đứng lớp dạy nghề trồng và nhân giống nấm ở xã Tây Phú. Tại mô hình thực hành trồng nấm rơm, sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết yếu, ông Hòa vừa truyền đạt lý thuyết vừa thị phạm, hướng dẫn chi tiết từ cách tưới nước, ủ rơm đến cách xếp rơm thành các mô để trồng nấm và rắc meo giống nấm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Sang ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, học viên lớp dạy nghề, chia sẻ: Cách giảng bài, hướng dẫn sát thực tế của ông Đỗ Đình Hòa khiến chúng tôi không chỉ nắm chắc quy trình kỹ thuật, mà nhờ được giải thích cặn kẽ vì sao phải làm thế này, vì sao phải hạn chế các điều kiện kia… giúp kiến thức, kỹ thuật trở nên dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Tôi tin là sau lớp học này tôi sẽ làm chủ kỹ thuật sản xuất nấm rơm.
Nói về phương pháp hướng dẫn của mình, ông Đỗ Đình Hòa chia sẻ: Cùng với lý thuyết căn bản, tôi cố gắng gợi mở, nắm được nhu cầu, vướng mắc của các học viên và giải đáp từng vấn đề. Học viên của lớp học này sẽ có nhu cầu, năng lực tiếp nhận khác với học viên của lớp học khác, vì vậy tôi cố gắng truyền đạt sao cho sát với thực tế lớp học, phù hợp với điều kiện của họ để cùng nhau phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Lan tỏa mô hình
Thực tế cho thấy nhiều mô hình “Nông dân dạy nông dân” được đánh giá rất hiệu quả trong việc đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nói về vai trò của những “giảng viên nông dân”, ông Lao Văn Trường- Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre cho biết, mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã và đang cho thấy hiệu quả rất rõ rệt ở Bến Tre và phát huy được tiềm năng lao động ở địa phương. Phần lớn giáo viên và người học không cảm thấy khoảng cách, với phương pháp cầm tay chỉ việc và áp dụng thực hành ngay trong quá trình sản xuất tại nhà, tại vườn cũng giúp cho họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Thành viên THT nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre hỗ trợ nhau thu hoạch tôm.
Những "giảng viên" ND là người địa phương, đã có mô hình áp dụng thành công, do đó họ rất hiểu phong tục, tập quán và trình độ canh tác của người địa phương, họ truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm theo cách hướng dẫn thực hành là chính và có mô hình thực tế để tham quan nên người nghe rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Mặt khác, giảng viên ND sẵn sàng lên lớp chuyển giao kỹ thuật ở những vùng sâu, vùng xa, những thôn bản người dân tộc thiểu số, có điều kiện theo dõi những học viên của mình áp dụng và mở rộng mô hình... Đây là những ưu điểm nổi bật của mô hình "Nông dân dạy nông dân".
Sơn La là một trong những tỉnh làm tốt mô hình “Nông dân dạy nông dân”. Giờ đây những “thầy giáo nông dân” không chỉ bó hẹp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mà thích ứng với nông nghiệp số. ND còn dạy nhau cách đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, lên các trang mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ hàng hoá. Các cấp Hội ND trong tỉnh đang đồng hành với ND tích cực chuyển đổi số trong các khâu từ nuôi trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm.
Bằng cách ND dạy lại ND, đến nay, tỉnh Sơn La có gần 20.000 hộ ND lên sàn thương mại điện tử. Hội ND các cấp trong tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân đưa 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn và Voso.vn; hỗ trợ 26 hợp tác xã đưa 108 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương lên sàn Postmart.vn; xây dựng chợ 4.0 gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm.