Khó khăn và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp đô thị
Bài viết đánh giá chung về tình hình phát triển nông nghiệp đô thị, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Nông nghiệp đô thị (NNĐT) là hoạt động sản xuất các loại thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp khác dựa trên quỹ đất, nguồn nước ở khu vực đô thị và các vùng ngoại vi, ứng dụng phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng hoặc tái sử dụng những nguyên vật liệu tự nhiên và chất thải đô thị (UNDP, 1996). Sản phẩm của nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh, đô thị trong lành; đồng thời tạo cảnh quan, kiến trúc môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển nên quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh ở các vùng đô thị lớn và khu vực nông thôn ven đô. Trên thực tế tại các TP trực thuộc Trung ương như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ và các đô thị loại I trong thời gian qua có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại vi. Số lượng người dân ở khu vực đô thị ngày một tăng trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng, tăng giá trị cao trên đơn vị diện tích là vấn đề mang tính tất yếu và cấp bách. Nông nghiệp đô thị không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bền vững sinh kế; tạo việc làm, thu nhập cho cư dân đô thị; góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị; tạo cảnh quan, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn được xem là hướng đi tối ưu, mang tính khả thi để giải quyết những bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa như an ninh lương thực và môi trường, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái, cảnh quan bền vững tương lai.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì phát triển nông nghiệp đô thị tại các TP lớn vẫn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến đất đai, quy hoạch, nhân lực... Trước tình trạng quỹ đất ngày một thu hẹp, nếu phát triển nông nghiệp đô thị theo kiểu truyền thống sẽ gặp khó khăn, nên các TP lớn cần phải đi theo xu thế là phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Do đó, phát triển nông nghiệp đô thị là yêu cầu cấp thiết đối với các TP trực thuộc Trung ương và các đô thị của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tìm hiểu những khó khăn để hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững phù hợp với các điều kiện thực tế của các đô thị ở Việt Nam là thực sự cần thiết.
Thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị tại các thành phố
Tình hình chung về đất nông nghiệp
Thông tin về thực trạng đất nông nghiệp tại các TP trực thuộc Trung ương được thể hiện qua bảng 01.
Bảng 01. Diện tích đất nông nghiệp giai đoạn 2019-2021
ĐVT: ha
Nguồn: Bộ Tài nguyên Môi trường.
Kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường qua các năm cho thấy do có sự chuyển đổi mục đích sử dụng, điều chỉnh quy hoạch nên bình quân trong 3 năm (2019-2021) diện tích đất nông nghiệp tại các TP trực thuộc Trung ương đều giảm (bảng 01) trong đó giảm nhiều nhất là TP. Hà Nội giảm 661ha, TP. Hải Phòng giảm 251ha, TP. Đà Nẵng giảm 138ha, TP. Hồ Chí Minh giảm 170ha, TP. Cần Thơ giảm 90ha. Từ thực tế cho thấy cần phải có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu và tìm giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị tại các TP khi dân số ngày một gia tăng.
Diện tích đất nông nghiệp đô thi càng bị thu hẹp trong khi tốc độ dân số có xu hướng tăng mạnh, dòng người đổ về đô thị ngày càng nhiều đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bình quân theo đầu người của các TP trực thuộc Trung ương thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2022 diện tích đất nông nghiệp bình quân theo đầu người của các TP lớn dao động từ 0,01ha/người (TP. Hồ Chí Minh) đến 0,09ha/người (TP. Cần Thơ) nhỏ hơn gấp nhiều lần so với trung bình của cả nước 0,28ha/người. Một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu việc làm; dân cư từ nông thôn chuyển về đô thị để tìm kiếm việc làm, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm... Đây là nguy cơ lớn đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển ổn định nông nghiệp của các TP lớn nên yêu cầu đỏi hỏi cần phải phát triển nông nghiệp đô thị.
Một số kết quả về nông nghiệp đô thị tại các thành phố
Trong những năm vừa qua nông nghiệp đô thị tại các TP lớn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tại TP. Hồ Chí Minh năm 2021 đóng góp GRDP hàng năm toàn TP của ngành Nông nghiệp đạt khoảng 1% (khoảng 18.675 tỉ đồng); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 498 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình của cả nước (106,4 triệu đồng/ha). Năng suất lao động đạt 139,6 triệu đồng/người/năm; năm 2022 ngành Nông nghiệp tại TP.Hải Phòng đạt giá trị 15.700 tỷ đồng kết quả này là một phần không nhỏ từ các mô hình phục vụ nông nghiệp đô thị như: Hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản…. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (năm 2022 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40.600 tỷ đồng). TP. Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.256ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên; trong đó trên 78.000ha canh tác lúa, 1.915ha đất trồng cây hàng năm khác, 30.872ha đất trồng cây lâu năm (23.516ha cây ăn trái), 2.797ha đất nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn, gần 170.000 tấn trái cây, trên 220.000 tấn thủy sản, trên 40.000 tấn thịt hơi các loại (lợn, gà, vịt …). Thực tế cho thấy, những năm qua ngoài sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo cánh đồng lớn thì ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ cũng định hướng xây dựng các mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị nông nghiệp công nghệ cao trên các lĩnh vực rau, hoa kiểng ở các quận trung tâm như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt... gắn với tham quan du lịch sinh thái.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng nông nghiệp đô thị không phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đại trà mà có tính đặc thù, gắn với sản phẩm du lịch của TP. Trong những năm qua, ngành khoa học và công nghệ đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều mô hình cho nông dân địa phương; thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có các dự án về nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Đà Nẵng năm 2022 đạt 2.441 tỷ đồng. Một số mô hình điển hình như: Trồng hoa treo các loại, trồng rau mầm trên khay, nghề đúc chậu phục vụ trồng hoa, trồng nấm và mô hình trồng lan… Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã góp phần tăng thu nhập, ổn định và nâng cao mức sống cho kinh tế hộ nông nghiệp, cụ thể qua một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hướng phát triển và mang lại hiệu quả cụ thể như: HTX sản xuất rau an toàn La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông có mức thu nhập bình quân từ rau chuyên canh đạt 250-350 triệu đồng/năm/ha. Thu nhập bình quân/ngày của 1 hộ tại vùng rau là 300.000- 400.000 đồng/ngày...
Một số khó khăn trong phát triển nông nghiệp đô thị tại các TP trực thuộc Trung ương
Bên cạnh những lợi thế để phát triển nông nghiệp đô thị thì các TP lớn cũng gặp những khó khăn nhất định. Một số khó khăn của các TP lớn được tổng hợp (Bảng 02).
Về đất đai: Những năm qua với tình hình phát triển mở rộng không gian đô thị cùng nhiều dự án của các TP, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp với tốc độ khá nhanh như: TP. Hải Phòng diện tích đất lúa giảm trên 25%; TP. Hà Nội đất nông nghiệp giảm gần 700ha... Ngoài ra, một số khu vực đất còn manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch chưa hiệu quả cũng là một thách thức lớn trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Về vốn đầu tư: Sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, hiệu quả chưa cao nên các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị còn hạn chế do thiếu tài sản thế chấp; dẫn đến người dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Bảng 02: Một số khó khăn trong phát triển nông nghiệp đô thị
Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của các TP trực thuộc Trung ương, năm 2023.
Về lao động: Thực tế hiện nay cơ cấu lao động đang làm việc theo loại hình kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ và chuyển dịch theo hướng tăng số lượng lao động trong các ngành Thương mại dịch vụ, giảm lao động trong ngành Nông nghiệp theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Vì vậy, dẫn đến thiếu hụt lao động trong nông nghiệp đô thị. Hơn nữa, số lao động trong nông nghiệp đô thị phần lớn là người cao tuổi do lao động trẻ làm ở các khu công nghiệp nhiều vì nông nghiệp có thu nhập thấp so với các hoạt động kinh tế khác ở đô thị. Đây là hạn chế khi muốn ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.
Về khoa học kỹ thuật: Tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo điều kiện trong việc ứng dụng công nghệ đối với phát triển nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên nông nghiệp đô thị vẫn bị ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, làm hạn chế năng suất, chất lượng sản phẩm. Vẫn còn một bộ phận lao động lớn tuổi, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cao, chưa thông thạo kỹ năng tìm hiểu thông tin qua internet nên còn thụ động, chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp đô thị còn hạn chế chỉ diễn ra ở một số khu vực, chưa được áp dụng trên diện rộng. Công nghệ trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn chưa ứng dụng công nghệ hiện đại nên chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Dẫn tới sản phẩm nông nghiệp đô thị khó cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp khác.
Về thị trường, chính sách: Chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị như thí điểm xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị còn bất cập về diện tích được phép xây dựng làm nhà kho, nhà sơ chế, hệ thống sản xuất theo chiều cao, khu vực bảo quản… cũng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền hội viên nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, do lợi thế đặc thù như Đà Nẵng tập trung phát triển ngành mũi nhọn là du lịch nên nông nghiệp đô thị bị hạn chế về không gian.
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đô thị chưa được quan tâm đầu tư thoả đáng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đô thị chưa xây dựng được thương hiệu, gây khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái chủ yếu dừng ở việc xây dựng mô hình, chưa được nhân rộng và phát triển toàn diện, bền vững… Mặt khác, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất do tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật; nước thải chăn nuôi chưa xử lý triệt để và đốt phụ phẩm nông nghiệp vẫn còn xảy ra...
Một số giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị
Thông qua việc phân tích những khó khăn đối với phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp cùng ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và cán bộ địa phương. Một số giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị được đề xuất như sau:
Giải pháp về đất đai: Đất đai là yếu tố quan trọng trong nông nghiệp, tuy nhiên đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm đặc biệt ở các khu vực đô thị. Do đó, cần rà soát quy hoạch, tạo không gian phát triển sinh thái đô thị. Không gian đô thị cần lưu ý đến chế biến sản xuất vừa và nhỏ… yếu tố kết nối với nông nghiệp ven đô. Ngoài ra tại các TP lớn cần xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp đô thị, đảm bảo phát triển bền vững. Cần có quy hoạch chi tiết từng vùng gồm: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thuỷ lợi, loại cây trồng vật nuôi. Căn cứ vùng quy hoạch, xây dựng các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp đô thị của vùng chuyển đổi theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trong vùng chuyển đổi.
Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị tại các TP; tiến hành khoanh vùng chức năng riêng biệt cho đất sản xuất nông nghiệp; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị. Triển khai linh hoạt việc huy động và tận dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị.
Giải pháp về vốn: So với những hoạt động nông nghiệp khác, nông nghiệp đô thị sử dụng nhiều vốn (Lê Thành Ý, 2023). Tuy nhiên, hiện nay các gói tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thời gian xét duyệt vốn kéo dài. Do đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận. Bên cạnh đó, cần thu hút vốn từ các doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp đô thị. Vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh rào cản về điều kiện kinh doanh nông nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đô thị.
Giải pháp về nguồn lực: Hiện nay lao động nông nghiệp đô thị chủ yếu là lao động lớn tuổi, thiếu lao động trẻ. Vì vậy để hạn chế được những khó khăn về lao động trong phát triển nông nghiệp đô thị cần: Thứ nhất: Tăng cường các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân lớn tuổi phát triển sản xuất; Thứ hai: Đối với lao động trẻ cần làm truyền thông và có các chính sách, định hướng, dẫn dắt, tạo động lực để thu hút lao động trẻ vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị như: Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo của lao động trẻ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp…
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cán bộ các hợp tác xã nông nghiệp, tăng cường các hoạt động khuyến nông, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn. Ưu tiên tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật và nhận thức về sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường cho nông dân và chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp, nhất là đối tượng trực tiếp sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân, hướng dẫn để người nông dân canh tác trên những thửa ruộng của mình theo một quy trình thống nhất và doanh nghiệp bao trọn gói.
Giải pháp về khoa học kỹ thuật: Để phát triển nông nghiệp đô thị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo quản sau thu hoạch; đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm tạo bộ giống tốt, đồng đều và sạch bệnh để trồng trên các vùng chuyển đổi.
Tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học để nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đảm bảo sản xuất sạch, an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Giải pháp về thị trường, chính sách: Có nhiều hình thức phát triển nông nghiệp đô thị, nó bao gồm cả canh tác trên mặt đất, trên mái nhà, thủy canh, hệ thống sản xuất theo chiều cao, canh tác trong nhà kính và các công nghệ khác. Sản phẩm của nông nghiệp đô thị cũng khá đa dạng, ngoài lương thực, thực phẩm còn tạo ra không gian xanh, cảnh quan, kiến trúc môi trường… Vì vậy, để đảm bảo thị trường đầu ra cho nông nghiệp đô thị cần nghiên cứu nhu cầu tiêu thụ, phân vùng. Định vị được sản phẩm nông nghiệp đô thị. Lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đô thị trên địa bàn; giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin điện tử, website, phương tiện truyền thông, du lịch, sự kiện văn hóa... Đẩy mạnh các hoạt động thương mại tiêu thụ nông sản đô thị, quan tâm thương mại quốc tế; xây dựng các sàn giao dịch nông sản hiệu quả; đặc biệt quan tâm đầu tư kết nối thương mại điện tử cho người dân. Tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích thị trường. Đồng thời kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp đô thị để kích cầu tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng và an toàn.
Bên cạnh đó cần chuyển dịch cơ cấu ngành theo lợi thế tài nguyên và thị trường, phát triển về chiều sâu kết hợp với tăng vụ và khai thác hết diện tích đất trống dành cho nông nghiệp đô thị, nhằm tạo ra giá trị sản lượng cao trên một đơn vị diện tích.
Ngoài ra cần ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có lợi thế về thị trường tiêu thụ như: trồng hoa, trồng rau... Đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cần có các chính sách, các chương trình và tiêu chí cụ thể cho nông nghiệp đô thị.
Canh tác rau thủy canh tại Sóc Sơn (TP. Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng
Một số giải pháp khác: Ngoài các giải pháp trên để phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên cơ sở các quy định bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường, Luật chăn nuôi và Luật trồng trọt, cần tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan về phát triển nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp thu gom, xử lý chất thải.
Tăng cường hơn nữa công tác phối kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên tất cả các lĩnh vực, nhằm phát huy có hiệu quả nhất hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp đô thị. Có chủ trương, kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân.
(1): Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN
Tài liệu tham khảo
1. Bộ TN &MT, 2023, QĐ số 719/ QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 3 năm 2023: Phê duyệt và công bố kế quả kiểm định diện tích đất đai năm 2021, Bộ TN&MT
2. Bộ TN &MT, 2022, QĐ số 387/ QĐ-BTNMT ngày 2 tháng 3 năm 2022: Phê duyệt và công bố kế quả kiểm định diện tích đất đai năm 2020, Bộ TN&MT
3. Bộ TN &MT, 2021, QĐ số 1435/ QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2021: Phê duyệt và công bố kế quả kiểm định diện tích đất đai năm 2029, Bộ TN&MT
4. Hội Nông dân TP Hải Phòng, 2023, Báo cáo một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, TP Hải Phòng
5. Phòng Kinh tế Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, 2022, Báo cáo thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị và đề xuất giải pháp phát triển trong thời gian tới, Phòng Kinh tế Quận Cẩm Lệ.
6. Phòng Kinh tế Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, 2022, Báo cáo thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị và đề xuất giải pháp phát triển trong thời gian tới, Phòng Kinh tế Quận Cẩm Lệ.
7. Sở NN&PTNT TP. Hà Nội 2022, Báo cáo kết quả hoạt động nông nghiệp, TP. Hà Nội.
8. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, 2023, Báo cáo kết quả hoạt động khuyến nông đô thị năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 và phương hướng hoạt động khuyến nông đô thị 9 tháng cuối năm 2023, TP Cần Thơ.
9. Tổng cục thống kê, 2018-2022, Niên giám thống kê năm 2017-2021, NXB Thống kê.
10. UBND TP. Hồ Chí Minh, 2019, QĐ ban hành chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, TP. Hồ Chí Minh.