Khởi động và kết nối Dự án tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam
Rác thải khu vực nông thôn – con số đáng báo động
Từ thông tin dự án đưa ra, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa thải ra môi trường, dẫn tới thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Về chỉ số lãng phí thực phẩm, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Vứt bỏ thực phẩm ra môi trường, sau một thời gian, thức ăn ôi thiu sẽ thải ra khí methan, đây là loại khí có mức độ độc hại gấp 25 lần so với carbon dioxide.
Về ô nhiễm từ chăn nuôi quy mô trang trại, cả nước có khoảng 20.869 trang trại chăn nuôi trong tổng số 33.488 trang trại nông nghiệp và hơn 35.000 co sở giết mổ. Do đó, rác thải sinh hoạt, rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được thu gom, phân loại xử lý kịp thời; Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp chưa theo hướng sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ và công nghệ cao; tình trạng lãng phí thức ăn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng còn tương đối phổ biến, làm ảnh hưởng đến chất lượng, sự an toàn và uy tín của sản phẩm nông nghiệp.
Nghệ An là tỉnh diện tích lớn, dân số đông và chủ yếu sống ở nông thôn (hơn 80%). Vì vậy, lượng rác thải từ sinh hoạt, từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nông thôn là rất lớn, với hàng triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm.
Nhằm tiếp tục chung tay vào công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, nhằm thay đổi nhận thức và đặc biệt tạo sự chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định cho phép tỉnh Nghệ An triển khai Dự án “Tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào vào nỗ lực giảm thiểu phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Dự án do Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE Hồng Kông) tài trợ.
Để triển khai Dự án, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, lựa chọn 11 xã thuộc 3 huyện tham gia thực hiện là Nam Đàn, Đô Lương; thị xã Thái Hòa. Ban QLDA Trung ương Hội đã đào tạo 35 giảng viên nguồn (ToT) là cán bộ hội các cấp và hội viên tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Các giảng viên nguồn sẽ là những người trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường tới hội viên nông dân tham gia dự án.
Xử lý rác thải tại hộ gia đình vừa cấp thiết vừa lâu dài
Hội thảo đã có nhiều tham luận có ý nghĩa rất tích cực trong vấn đề xử lý rác thải tại khu vực nông thôn, trong số đó, vấn đề xử lý rác tại ngay tại từng hộ gia đình có nghĩa vô cùng cấp thiết cho việc giảm thiểu lượng rác thải tràn ra môi trường, về lâu dài gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống. Nếu lượng rác thải, phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng, xử lý tốt, nhất là phân loại, xử lý ngay từng hộ gia đình thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, cho chính người dân; vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa góp phần cải tạo đất, tăng thêm lượng phân bón hữu cơ, giảm giá thành trong sản xuất nông nghiệp…
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu của Dự án nhằm “Góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững nhằm giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ nông dân và tổ chức của họ tại vùng nông thôn Việt Nam. Giảm phát thải khí nhà kính nói chung bằng cách hạn chế phát thải từ 4 cấp độ của chất thải. Đồng thời, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải để nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân và giảm phát thải khí nhà kính. Chuyển đổi chất thải thực phẩm ở thành thị thành nguồn thực phẩm lành mạnh và chất thải trong trang trại thành thức ăn chăn nuôi và giảm ô nhiễm môi trường…”
Để công tác tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế đạt hiệu quả cao cần phải tổ chức các khóa tập huấn giảng viên nguồn (ToT) đạt chất lượng và số lượng đủ để tham gia các hoạt động của dự án. Do đó, cần đào tạo cho ít nhất 450 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông và nông dân về các ký thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trở thành giảng viên nguồn, cán bộ ký thuật trong đào tạo, hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng và phân bón hữu cơ phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp qua từng đợt đào tạo.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Ý thức được trách nhiệm của mình, trong những năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường được các cấp hội chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội nông dân các cấp đã chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình điểm về thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; phát động phong trào xây dựng Hàng cây nông dân ơn Bác; Chương trình 1 triệu cây xanh nông dân Nghệ An đời đời ơn Bác; “Vườn chuẩn nông thôn mới”, “ Vườn mẫu nông dân”; xây dựng đề án tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; phát triển các tổ hội nông dân thu gop rác sinh hoạt; phát động nông dân thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng…”
Buổi hội thảo về dự án đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phối hợp của các ngành, các địa phương liên quan để dự án được triển khai hiệu quả, thiết thực, phù hợp với chủ trương, tình hình thực tế của tỉnh cũng như của các địa phương tham gia dự án.