Phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng giảm phát thải khí nhà kính
Sáng ngày 17/12, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị truyền thông Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào vào nỗ lực giảm thiểu phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế” (gọi tắt Dự án). Đây là hướng đi quan trọng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.
Những con số biết nói
Từ sự quan tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự tài trợ của Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái - gọi tắt là Quỹ BRACE (Hồng Kông) đã hỗ trợ cho Hội Nông dân tỉnh Nghệ An thực hiện Dự án “Tuyên truyền vận động, nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào vào nỗ lực giảm thiểu phát khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Sau thời gian triển khai, Dự án đã tạo hiệu ứng tích cực, nhận được sự quan tâm đông đảo của hội viên nông dân, và từ đó có nguyện vọng đăng ký tham gia vào các nhóm để được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật dự án xử lý áp dụng tại hộ gia đình; thông qua hội nghị truyền thông đã truyền tải các nội dung hoạt động của dự án đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương hiểu hơn về ý nghĩa hoạt đông của dự án, từ đó có các giải pháp ủng hộ và nhân rộng dự án trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Dự án này được triển khai trên địa bàn 11 xã thuộc 3 huyện là Nam Đàn, Đô Lương, thị xã Thái Hòa. Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo HND huyện Đô Lương, Nam Đàn và thị xã Thái Hòa tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông của dự án đạt được nhiều kết quả khả quan. Trên địa bàn tỉnh có 35 giảng viên nguồn TOT là cán bộ HND huyện, xã được tham gia lớp đào tạo của dự án, tổ chức được 38 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 1.140 hội viên nông dân, thành lập được 11 nhóm gìn giữ tương lai xanh, xây dựng và nhân rộng hơn 5.780 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải trên địa bàn góp phần lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn phong trào “Cùng nhau xử lý rác thải hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai” tại địa phương.
Thực hiện Kế hoạch của Dự án, Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 550 mô hình xử lý rác thải tại địa bàn 11 xã tham gia dự án, cụ thể: 110 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 110 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 110 mô hình ủ phân tại ruộng; 110 mô hình nuôi sâu canxi và 110 mô hình nuôi giun trùn quế.
Bên cạnh 11 xã tham gia Dự án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân 3 huyện, thị xã tham gia dự án thực hiện triển khai dự án nhân rộng trên 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, tại các đơn vị tham gia dự án đã thực hiện nhân rộng được 3.380 mô hình kỹ thuật TOT1 (Bao gồm kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày) và 2.402 mô hình kỹ thuật TOT2 (Bao gồm kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi sâu canxi).
Từ những kết quả trên đã tạo ra động lực thúc đẩy phong trào nông dân tham gia phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng sinh thái bền vững và được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá cao về vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường nông thôn ở địa phương.
Nhiều mô hình sáng tạo từ ý tưởng của hộ tham gia Dự án
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến thể hiện ý tưởng sáng tạo, cách làm hay, hiệu quả đến từ các hộ tham gia Dự án. Đây chính là những chia sẻ thiết thực để Ban quản lý dự án cũng như các hộ tham gia cùng học hỏi, thảo luận và áp dụng.
Qua thời gian triển khai ngay tại mô hình kinh tế của gia đình, ông Nguyễn Trọng Canh đến từ xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương đưa ra những chia sẻ trong cách làm riêng của mình. Từ tổng diện tích trong sản xuất nông nghiệp gồm 7.000m2 đất trồng lúa, và 2.000m2 trồng ngô, 1.500m2 cây ăn quả. Trước đây, những phế phụ phẩm trong sản xuất được đốt ngay trên ruộng hoặc vứt bừa bãi ngoài ruộng đồng nhưng sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền hãy biến rơm rạ thành tài nguyên có ích.
“Là thành viên của nhóm “Những người gìn giữ tương lai xanh xã Xuân Sơn”, tôi hiểu được với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tôi là người đầu tiên trong xóm mạnh dạn tham gia mô hình làm phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng”, ông Canh khẳng định.
Ông Canh chia sẻ thêm: Mỗi sào ruộng sau khi gặt xong thu được khoảng từ 150 - 200kg rơm rạ, như vậy với diện tích lúa và ngô của gia đình thu được khoảng từ 3 đến 4 tấn rơm và thân cây ngô. Triển khai ủ phân hữu cơ vi sinh, gia đình thu được trên 2 tấn phân bón hữu cơ. Lượng phân này đem bón cho cây trồng đã giúp cho cây trồng cây phát triển tốt, chống chịu được sâu bênh cho năng suất cao hơn nhiều các vụ trước đồng thời lại giảm 40% đến 50% chi phí đầu tư. Từ mô hình của gia đình đã tạo động lực cho trên 35 hộ trong xóm tham gia mô hình.
Mang đến hội nghị một cách làm hay, hiệu quả từ ông Nguyễn Hồng Lĩnh, hội viên nông dân xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa với mô hình nuôi dê trên 100 con. Ông đã áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn sau buổi tập huấn. Ban đầu, ông làm thử 1 thùng khoảng 6 tạ cỏ và thành công ngoài sự mong đợi. Hiện nay mỗi lần ông ủ 5 thùng, chi phí mỗi thùng 1 triệu đồng. Mỗi thùng sau khi ủ chua sử dụng được 3 tháng tiết kiệm được khoảng 30-35% thức ăn thô.
Tại hội nghị, ông thẳng thắn chia sẻ những ý nghĩa tích cực từ việc chăn nuôi dê qua thức ăn đã ủ chua. Nếu cho dê ăn trực tiếp thì lượng cỏ sau mỗi lần ăn thừa nhiều. Hơn nữa, cỏ tươi nên dê hay bị đau bụng. Cỏ nhiều dê ăn không kịp nên cỏ già, cứng dê kén ăn. Mùa Hè dư thừa cỏ, mùa Đông lại khan hiếm. Do đó, việc ủ chua thức ăn đã khắc phục được những hạn chế đó. Đặc biệt, nguồn thức ăn sau ủ chua lên men hỗ trợ tốt cho tiêu hóa của dê, lông bóng mượt, da hồng hào. Chất thải đỡ mùi hôi hơn so với ăn chất thô tươi. Tiết kiệm được 30% chi phí thức ăn thô không ủ chua. Từ mô hình của gia đình ông đã vận động, tuyên truyền được 55 hộ trong xóm tham gia thực hiện phương pháp ủ chua thức ăn thô cho gia súc.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Dự án triển khai từ giai đoạn 2022 – 2024 đã đi được 1 bước rất dài về mặt nhận thức, tổ chức thực hiện dự án và để lại hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về xã hội rất lớn. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức cho người dân. Đồng thời bổ sung cho hoạt động Hội thêm phần hiệu quả. Thời gian tới, HND tỉnh xem đây là 1 trong những nội dung quan trọng, thiết thực, hiệu quả để tham gia sâu hơn vào nông nghiệp tuần hoàn, đặc biệt là các vấn đề về môi trường. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa xây dựng NTM, xây dựng nông nghiệp, nông thôn trong phong trào các của Hội; Tiếp tục lựa chọn những đơn vị mới để triển khai và chỉ đạo có chiều sâu...
- Thanh Hóa: Thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 34
- Phiên chợ giúp nông dân miền núi tiêu thụ nông sản
- 42 tác phẩm đạt Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ 2
- Hội NDVN tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai nghị quyết, nghiệp vụ và ứng dụng nền tảng số Nông dân Việt Nam 2024