Kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp 2 năm 1 lần
Dự thảo nêu rõ, kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tính toán lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp tại một năm xác định.
Thực hiện kiểm kê 2 năm 1 lần
Theo dự thảo, kỳ thực hiện kiểm kê 2 năm 1 lần, năm kiểm kê lần đầu tiên là năm 2020. Các loại khí kiểm kê bao gồm; CO2, CH4 và N2O. Các loại khí CH4 và N2O sau khi tính toán được quy đổi thành khí CO2 tương đương (CO2tđ).
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho từng vùng kinh tế-xã hội và tổng hợp cho toàn quốc.
Tuân thủ hướng dẫn của IPCC (Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu) về hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính quốc gia và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Số liệu hoạt động sử dụng cho kiểm kê khí nhà kính được sử dụng từ các dữ liệu sẵn có, tin cậy, nhất quán và minh bạch, trong đó số liệu hoạt động đối với diện tích sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất lâm nghiệp được lấy từ số liệu không gian.
Kiểm kê khí nhà kính thực hiện trên các loại đất theo nguồn phát thải, bể hấp thụ. Cụ thể, nguồn phát thải, bể hấp thụ là phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đất có rừng nguyên trạng; các loại đất chuyển thành đất có rừng, bao gồm: đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở hoặc đất khác; đất có rừng chuyển đổi thành các loại đất trống, bao gồm: đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở hoặc đất khác.
Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính thực hiện qua 9 bước:
1. Lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính.
2. Lựa chọn hệ số phát thải, hệ số hấp thụ và các hệ số khác.
3. Lựa chọn, thu thập và xử lý số liệu hoạt động.
4. Tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính.
5. Đánh giá độ không chắc chắn.
6. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính
7. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính.
8. Kiểm soát chất lượng.
9. Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính.
Trong đó, kiểm soát chất lượng bao gồm các nội dung sau: Kiểm tra sự toàn vẹn, đúng đắn và đầy đủ của số liệu, bao gồm: Kiểm tra các giả thuyết và tiêu chuẩn chọn lựa số liệu hoạt động, hệ số phát thải, hấp thụ và các hệ số khác; kiểm tra lỗi nhập số liệu và tài liệu tham khảo; kiểm tra phần tổng hợp bộ dữ liệu; kiểm tra tính liên tục của dữ liệu; kiểm tra xu thế phát thải, hấp thụ.
Kiểm tra và chỉnh sửa các lỗi và thiếu sót, bao gồm: Kiểm tra phương pháp kiểm kê khí nhà kính; kiểm tra các thông số và đơn vị tính; kiểm tra cách sử dụng các hệ số phát thải, hấp thụ và các hệ số khác; kiểm tra độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê; kiểm tra kết quả tính toán lại của các kỳ kiểm kê trước (nếu có).
Kiểm tra tài liệu kiểm kê, bao gồm: Kiểm tra tính đầy đủ của tài liệu kiểm kê; rà soát các văn bản, tài liệu lưu trữ.
Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính
Theo dự thảo, Cục Lâm nghiệp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập và tổ chức họp Hội đồng thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: Đại diện Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các đơn vị, chuyên gia có liên quan.
Nội dung thẩm định và thời gian thẩm định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định, nộp cho Cục Lâm nghiệp để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), làm cơ sở tổng hợp, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia.
Theo Chinhphu.vn
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới