Kinh tế tuần hoàn - cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất
Tham dự hội thảo có ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện văn phòng JICA Việt Nam, TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam và các đại biểu có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Thế Toản cho rằng: Hiện nay, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã xây dựng và ban hành các chính sách về kinh tế tuần hoàn (KTTH), trong đó lộ trình thực hiện KTTH đóng vai trò thiết yếu trong việc định hướng và xác định các mục tiêu, kế hoạch, hành động cần thiết để triển khai, thực hiện KTTH. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các quy định cụ thể trong việc xây dựng và ban hành lộ trình thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (tại Điều 142), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và các UBND cấp tỉnh xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH vào cuối năm 2023. Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH đóng vai trò thiết yếu trong việc định hướng và xác định các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ cần thiết nhằm tiến tới thực tiễn hóa KTTH tại Việt Nam.
Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về KTTH cũng như áp dụng mô hình KTTH vào thực tiễn. Các kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản là cơ sở quan trọng hỗ trợ Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách có liên quan đến KTTH tại Việt Nam.
Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn” được tổ chức với mong muốn học hỏi và tiếp cận các kinh nghiệm quý báu trong xây dựng lộ trình thực hiện KTTH của Nhật Bản và cùng nhau thảo luận, đưa ra các sáng kiến cải thiện, đồng thời tham vấn ý kiến, nhận xét quý báu từ các cơ quan quản lý, tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia đầu ngành và các đơn vị trong nhiều lĩnh vực khác nhau đối với tiềm năng áp dụng KTTH tại Việt Nam. Hội thảo cũng góp phần củng cố cơ sở lý luận xây dựng chi tiết kế hoạch hành động thực hiện KTTH tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là đặc biệt có ý nghĩa. Chính vì vậy, “tôi tin tưởng rằng kết quả buổi Hội thảo sẽ cung cấp nền tảng kiến thức, bài học quý báu và các thông tin có giá trị giúp Viện thực hiện tốt quá trình nghiên cứu, đề xuất và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH trong thời gian tới” – ông Mai Thế Toản nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi Hội thảo, ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng Đại diện văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Việc tổ chức Hội thảo lần này để chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm của Nhật Bản về xây dựng khung chính sách cho nền kinh tế tuần hoàn và cách thức thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản để đạt được mục tiêu như định nghĩa trong Tầm nhìn kinh tế tuần hoàn năm 2020 của Nhật Bản”.
Ông Murooka Naomichi đề cập đến ba điểm trong xây dựng KTTH của Nhật Bản.
Thứ nhất về phát triển khung chính sách KTTH ở Nhật Bản. KTTH được định nghĩa theo một vòng tuần hoàn của nền kinh tế, trong đó chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính “tận dụng” sang mô hình KTTH tập trung vào tái sử dụng - tái sản xuất - tái chế để giữ cho sản phẩm càng lâu càng tốt. Năm 2000, ở Nhật Bản tương tự như Việt Nam hiện tại đang phải đối mặt với áp lực về vấn đề gia tăng chất thải và quỹ đất hạn chế cho các cơ sở xử lý chất thải. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về KTTH đồng thời hướng dẫn việc xây dựng luật đối với chất thải và tái chế riêng lẻ. Luật pháp yêu cầu cắt giảm việc sản xuất hàng loạt, tiêu thụ hàng loạt và xả thải hàng loạt, đồng thời điều phối việc phát triển bộ luật đối với rác thải cá nhân và tái chế. Nhật Bản đã cải thiện đáng kể trong việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, tăng tỷ lệ tái chế và mở rộng các doanh nghiệp liên quan đến môi trường. Để thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản, luật đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 nhằm khuyến khích chuyển đổi sang chu kỳ môi trường lành mạnh và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Thứ hai, góp ý đề xuất cho Việt Nam trong việc phát triển lộ trình thực hiện nền Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE). Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 diễn ra ngày 28/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định tầm quan trọng của KTTH cùng với nền kinh tế xanh và nền kinh tế phát thải các-bon thấp là một giải pháp có hệ thống để Việt Nam vững bước trên con đường bền vững phát triển và thực hiện cam kết không ròng của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản về định hình nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng khung pháp lý và các chính sách thúc đẩy các hoạt động 3R, hợp tác của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương và tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để bạn xem xét các yếu tố chính của KTTH.
Việc chuyển đổi sang KTTH là một chặng đường dài phải đi và Chính phủ nên thực hiện từng bước một cách tiếp cận với hệ thống giám sát và đánh giá minh bạch để khuyến khích khu vực tư nhân đưa vào các mô hình kinh doanh sáng tạo của họ.
Thứ ba, tổ chức hội thảo là khâu cuối cùng của cuộc khảo sát này. Chúng tôi mong đợi sự thảo luận tích cực, nhận xét và đề xuất của những đại biểu tham gia. Chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp có giá trị để chúng tôi hoàn thiện cuộc khảo sát này.
Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam thông qua thúc đẩy mô hình 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn. Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Đã đến lúc chúng ta cần phải tăng cường hợp tác với Bộ TNMT để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Khảo sát này không chỉ hỗ trợ ISPONRE phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp và các hoạt động về Kinh tế tuần hoàn đang diễn ra tại Việt Nam. Do đó, khảo sát này sẽ giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó giúp chúng tôi xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ TNMT.”
Tại cuộc Hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kết quả nghiên cứu cùng các khuyến nghị về việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn cho Bộ TNMT/ISPONRE và Chính phủ Việt Nam nhằm xác định lộ trình thực hiện Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Chia sẻ về những nội dung đã được trình bày tại Hội thảo, ông Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam cho rằng: Thực hiện KTTH phải được thực hiện đồng bộ và thống nhất. Và điểm đặc biệt mà tôi tâm đắc nhất đó là cách tiếp cận của Nhật Bản. Từ 1999, Nhật Bản đã nhận ra những vấn đề nổi cộm liên quan đến môi trường, vì vậy họ đã áp dụng KTTH để xử lý. Nhật Bản đã áp dụng được những sản phẩm cụ thể, phân vai rất rõ ràng, vừa nằm ở khu vực cá nhân vừa nằm ở doanh nghiệp. Họ làm từng bước một từ 1R (tái chế), đến 3R (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế)… Cho thấy cách tiếp cận của họ đơn giản, hợp lý. Chúng ta học được thì rất là tốt. Vậy thì, bài học của Việt Nam đó áp dụng cách tiếp cận đơn giản, đi vào lòng người như thế mới giúp người dân hiểu được và thực hiện một cách dễ dàng hơn.
Cùng chung quan điểm trên ông Nguyễn Thế Lộc – Hội Bảo vệ nước sạch Việt Nam cũng cho rằng, xây dựng và thực hiện KTTH của chúng ta cần phải thống nhất từ trung ương tới địa phương, có khung pháp lý để thực hiện đồng bộ. “Bên cạnh đó, vai trò của người tiêu dùng trong mô hình KTTH như nào? Có nên đặt vai trò của người tiêu dùng ngang với doanh nghiệp, nhà nước? Đây là vấn đề cần bàn bạc và làm rõ thêm trong việc xây dựng mô hình KTTH” – ông Nguyễn Thế Lộc đề nghị.
Theo ông Nguyễn Anh Hùng – Trung tâm Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), KTTH là chương trình tổng thể, bao gồm cái đã làm, đang làm và sắp làm. KTTH vừa có tầm nhìn vừa có thực tiễn nên là mô hình thực hiện khó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải thực hiện theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau, cần xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên, xác định rõ mục tiêu đạt được của từng giai đoạn. Đồng thời, khi ban hành cần có hướng dẫn mang tính định hướng để các ngành, doanh nghiệp và người dân đều có thể làm được. Ông Nguyễn Anh Hùng cũng đề nghị cần làm rõ vai trò của lĩnh vực tư nhân trong phát triển KTTH. Cần có cơ chế phù hợp, có lợi cho lĩnh vực tư nhân thì mới thúc đẩy phát triển KTTH.
Kết thúc Hội thảo, ông Mai Thế Toản bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao các ý kiến chia sẻ tích cực thảo luận, giúp cho ISPONRE có được những góc nhìn đa chiều về KTTH. Hội thảo đã cung cấp các bài học, kinh nghiệm quý báu thông qua cách tiếp cận xã hội tuần hoàn vật chất trong lộ trình thực hiện KTTH của Nhật Bản. Các kinh nghiệm xây dựng chính sách, ứng dụng KTTH trong quản lý chất thải tại Nhật Bản cũng mở ra góc nhìn thực tiễn về giá trị của chất thải trong KTTH.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Việc xây dựng các chính sách phù hợp sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng KTTH trong sản xuất giúp tiết kiệm nguyên nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, cũng như khai thác tối đa các giá trị của chất thải phát sinh.
”Trong quá trình tư vấn và xây dựng chính sách cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cần tham vấn, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia và các nhà khoa học. Chúng tôi sẽ tích cực triển khai các hoạt động cần thiết để có thể xây dựng thành công văn bản chính sách có ý nghĩa, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo hướng bền vững, tạo động lực chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, giúp cải thiện chất lượng môi trường của Việt Nam, góp phần giảm mức phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai không xa” – ông Mai Thế Toản khẳng định.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024
- Cà Mau: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024)