Xã hội

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5: “Lưới an sinh” mở rộng cho người lao động

07:52 01/05/2022 GMT+7
Thời gian qua, những chính sách an sinh xã hội được triển khai “thần tốc” đã hỗ trợ rất lớn cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong bối cảnh bình thường mới, những chính sách này vẫn giữ vai trò quan trọng “tiếp sức” cho người lao động ổn định cuộc sống. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này.

 

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Chính sách an sinh "giúp sức" người lao động ứng phó đại dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính sách an sinh "tiếp sức" cho người lao động

COVID-19 được xem như là một "phép thử" đối với sức bền của hệ thống an sinh xã hội ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội đã có sự vận động, thay đổi và thích ứng như thế nào để ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm sinh kế cho người lao động, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Trước những khó khăn, thách thức lớn do đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội nói chung và công tác an sinh xã hội nói riêng đã được "thử sức" và khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc cho toàn xã hội, góp phần bảo đảm sinh kế cho người lao động, giúp sức người lao động thêm năng lượng ứng phó đại dịch và phục hồi hoạt động sản xuất về điều kiện bình thường mới.

Có thể thấy, "lưới an sinh" đã mở rộng cho người lao động thông qua việc các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành hết sức kịp thời. Điều này thể hiện qua những kết quả cụ thể triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Có thể thấy sự "thích ứng" thể hiện rõ nét nhất qua công tác thông tin, truyền thông phổ biến thông tin chính sách tới người lao động và toàn xã hội. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác thông tin, truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin được Bộ LĐTB&XH chú trọng đẩy mạnh, coi đây là giải pháp quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ Bộ đến địa phương, cơ sở. Đường dây nóng 24/7 của Bộ đã tiếp nhận khoảng 14.000 cuộc gọi về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, kịp thời lắng nghe và giải quyết những vướng mắc cho người lao động.

Đặc biệt, công tác bảo đảm an sinh xã hội được triển khai linh hoạt, thể hiện ở việc Bộ LĐTB&XH đã tăng cường mở rộng diện bao phủ, nâng cao mức hỗ trợ, trợ cấp bảo trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng xã hội gặp khó khăn.

Trong năm 2021, toàn quốc đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đầy đủ cho trên 3,13 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 18.000 tỷ đồng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. 

Từ ngày 1/1/2022, khoảng 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng thêm 7,4% và khoảng hơn 300.000 người tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm theo số tiền tuyệt đối sau khi đã được điều chỉnh theo mức tăng chung 7,4%.

Sự vận động linh hoạt của hệ thống an sinh cũng được thể hiện qua Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Nhiều giải pháp cụ thể đã được triển khai để phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động.

Có thể kể đến những giải pháp chủ yếu như: Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022-2023 về BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn; quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với trạng thái "bình thường mới"; hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc làm trống, người tìm việc để phục vụ kết nối, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc; hiện đại hóa hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng số của hoạt động kết nối cung - cầu lao động…

Chú trọng các chính sách "phục hồi"

Trong thời gian qua, nhiều chính sách đã được triển khai "thần tốc" để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thứ trưởng có thể chia sẻ những điểm nhấn rõ nét nhất về thành quả hỗ trợ người lao động "vượt khó"? Các chính sách hỗ trợ sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào để "giữ chân" người lao động, phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Trong bối cảnh phòng, chống COVID-19, nhằm hỗ trợ người dân (về vật chất, tinh thần, sinh kế), Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Ngay sau khi các chính sách được ban hành, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện, "điểm nhấn" được thể hiện qua những kết quả cụ thể:

Về thực hiện Nghị quyết số 42, tính đến nay, có tổng số hơn 13,2 triệu đối tượng được hưởng hỗ trợ tiền mặt với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, còn có một số chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động như: Hỗ trợ vay trả lương ngừng việc, tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất với tổng kinh phí là hơn 827 tỷ đồng.

Về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo báo cáo của Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành phố, đến nay tổng kinh phí thực hiện toàn quốc là 42.350 tỷ đồng, hỗ trợ trên 36,75 triệu lượt đối tượng. Kinh phí hỗ trợ có 14,6% từ các chính sách bảo hiểm, 74.1% từ các chính sách bằng tiền trực tiếp và 11,3% từ các chính sách cho vay vốn.

Về thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, có 346.664 lượt người sử dụng lao động và gần 12,98 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 38.430 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Có thể khẳng định, các chính sách đã ban hành kịp thời, nhanh chóng, cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch như người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bị giảm thu nhập, mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch gồm người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp với nhiều gói hỗ trợ trực tiếp đã góp phần san sẻ những gánh nặng của người dân trong đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, các chính sách hướng đến phục hồi sau đại dịch sẽ tiếp tục được triển khai, những chính sách này có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí tăng cao (để bảo đảm phòng chống dịch) và thiếu hụt lao động sau khi dịch bệnh suy giảm; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống.

Đào tạo, bồi dưỡng gấp lao động phục vụ cho doanh nghiệp là một trong các giải pháp "phục hồi" được chú trọng.

Các chính sách được thiết kế, triển khai sẽ tập trung vào những nội dung chính:

Hỗ trợ trực tiếp người lao động theo hướng kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động về nhà ở để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm,…

Đào tạo, bồi dưỡng gấp lao động phục vụ cho doanh nghiệp theo các cấp độ từ đào tạo phổ cập nghề đến đào tạo chất lượng cao; tập trung đào tạo trước mắt theo các nghề phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước.

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động theo hướng thực hiện quy định mới về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, các chính sách hỗ trợ giảm chi phí tuyển dụng lao động; vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ trong việc "giữ chân", thu hút lao động thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm để kết nối việc làm cho lao động thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; đầu tư xây dựng hệ thống giao dịch việc làm điện tử, kết nối liên thông giữa các tỉnh, các vùng…

Bảo đảm "sàn an sinh tối thiểu"

Vấn đề nhà ở được xem là "sàn an sinh tối thiểu của người lao động". Xin ông cho biết, gói hỗ trợ nhà ở cho người lao động được Bộ LĐTB&XH xây dựng có những giải pháp đặc biệt gì để chính sách nhân văn này có tính khả thi cao, thiết thực với người lao động?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Có thể thấy rằng, nhà ở cho người lao động là vấn đề "nóng", người lao động làm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phần lớn là lao động nhập cư từ nơi khác đến. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở rất lớn và tiền thuê nhà chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng thu nhập của người lao động. Khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 2,2 triệu người lao động ở các thành phố lớn đã phải về quê. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, họ quay trở lại làm việc còn rất ngần ngại. Một trong những lý do chính của việc ngần ngại đó là gánh nặng chi trả tiền thuê nhà.

Xác định vấn đề nhà ở là "sàn an sinh tối thiểu của người lao động" nên ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để vấn đề nhà ở.

Cụ thể, hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (dự kiến sử dụng khoảng 6.600 tỷ đồng).

Đáng chú ý là chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng).

Hai nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; phương thức chi trả hàng tháng.

Đây là chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thêm biện pháp thiết thực để "giữ chân", thu hút người lao động, bảo đảm nhân lực để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua việc hỗ trợ người lao động đang làm việc, người lao động mới được tuyển dụng đang gặp khó khăn về chỗ ở.

Chính sách này tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực tạo động lực để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn; các thủ tục hành chính được quy định đơn giản, dễ thực hiện để bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 11/NQ-CP và giúp người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Tạo niềm tin cho người lao động vào chính sách BHXH bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Hơn 200.000 lượt người lao động đã rút BHXH một lần trong ba tháng đầu năm 2022 sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng xuống để giải quyết khó khăn trước mắt. Đâu là nguyên nhân chủ yếu và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022 số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng người lao động hưởng BHXH một lần là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tình hình việc làm sau dịch bệnh khó khăn, bấp bênh, không ổn định nên người lao động có tâm lý muốn nhận BHXH một lần.

Tôi cho rằng, một nguyên nhân nữa là do khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động. Khi xảy ra cao điểm đại dịch vào quý I/2021, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hàng loạt dẫn đến người lao động mất việc hoặc phải trở về quê hoặc phải vay mượn để đảm bảo cuộc sống trước mắt. Quý I/2022 khi cuộc sống trở lại bình thường, người lao động trở lại làm việc, vì khó khăn tài chính trước mắt nên họ lựa chọn nhận BHXH một lần.

Qua việc gia tăng số lượng người rút BHXH một lần cũng có thể thấy một bộ phận người lao động chưa được thông tin đầy đủ và hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH để thụ hưởng quyền lợi hưu trí đảm bảo cho tuổi già. Bên cạnh đó, niềm tin của một bộ phận người dân vào hệ thống BHXH bị suy giảm do trước đây có một số thông tin đề cập nhiều đến vấn đề quỹ có nguy cơ mất cân đối.

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi cùng với các cơ quan liên quan đã thảo luận rất nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Trước hết là các giải pháp nhằm duy trì việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, ổn định việc làm thông qua các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Các giải pháp nhằm giảm khó khăn tài chính trước mắt cho người lao động cũng được triển khai thông qua các chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và mới đây là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt chú trọng để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH để thụ hưởng quyền lợi hưu trí bảo đảm cho tuổi già.

Bên cạnh đó, các giải pháp "căn cơ" dài hạn cũng được nghiên cứu trong quá trình sửa Luật BHXH.

Triển khai Nghị quyết số 28/NQ-TW, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu như: Giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn tạo động lực cho người lao động tham gia BHXH; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu thu hút và tạo động lực để người lao động tham gia BHXH; củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH…

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục
Tin khác