Ký ức hào hùng của người Chiến sĩ Điện Biên 92 tuổi
Kỳ 1: Được nhận Huân chương Chiến công ngay tại chiến trường
Người lính Trung đoàn Tu Vũ – Đại đoàn 308 Anh hùng
Ông Hoàng Công Củng vẫn nhớ như in ngày ông nhập ngũ, ngày 25/7/1952 và được biên chế về Tiểu đoàn 29. Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Lúc đó, Trung đoàn 88 đã rất nổi tiếng với hàng loạt chiến dịch như Chiến dịch Biên giới 1950 tiêu diệt binh đoàn Charton, Le-page của Pháp, khai thông biên giới Việt – Trung, Chiến dịch Trung du năm 1950-1951,tiêu diệt binh đoàn cơ động Vanuxem, phá hủy cứ điểm Thằn Lằn, Hứa Bằng; Chiến dịch Quang Trung tháng 5/1951, trên chiến trường Hà Nam Ninh Diệt 2 cứ điểm Non Nước, Chùa Cao; Chiến dịch Hòa Bình 12/1951 đến 2/1952, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ đánh giao thông trên đường số 6 và giải phóng thị xã Hòa Bình có 1 tiểu đoàn Âu Phi bị diệt. Sau chiến thắng đó, Trung đoàn 88 đã vinh dự được Bác Hồ khen ngợi và được đặt tên là Trung đoàn Tu Vũ.
Ông Hoàng Công Củng, người Tiểu đội trưởng xung kích trên chiến trường Điện Biên năm xưa, nay đã 92 tuổi
Vừa chiến đấu, vừa huấn luyện, ông Củng trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc 1952, tiêu diệt cứ điểm Nghĩa Lộ Phố, Mường Lụm, tấn công quân Pháp trên đường 41 bao vây Na Sản và giải phóng tỉnh Sơn La; Chiến dịch Thượng Lào 1/1953, cùng bộ đội Pa-Thét Lào giải phóng Sầm Nưa, một nửa tỉnh Xiêng Khoảng và lưu vực sông Nậm Hu; Bước chân của người nông dân mặc áo lính đó đã đi khắp Tây Bắc, Thượng Lào, để lại những dấu ấn sâu đậm trong chỉ huy đơn vị và đồng đội về hình ảnh một chiến sĩ dũng cảm, tài hoa và không sợ hi sinh, gian khổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Ngay sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám 3/1954, tiêu diệt các vị trí: Cán Tháp, Lục Nước, Sông Trâu, Bãi Thảo, Hòa Bình, Sơn La, ông Củng cùng Trung đoàn 88 Anh hùng bước vào Chiến dịch vĩ đại nhất, tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ đầu tiên của Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 là phối thuộc cùng Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đánh chiếm cứ điểm đồi Độc Lập. Cứ điểm đồi Độc Lập (Pháp đặt tên là Gabrielle) là cứ điểm quan trọng thuộc Phân khu Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ án ngữ phía Tây Bắc, nhằm ngăn chặn đường tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam từ Lai Châu xuống và bảo vệ cho sân bay Mường Thanh. Tại đây, Quân đội Pháp bố trí nhiều hỏa lực mạnh và tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến và bất bại ở nhiều nơi trên thế giới. Cứ điểm Độc Lập được Thực dân Pháp tuyên bố là một trong những pháo đài bất khả xâm phạm và là trung tâm đề kháng duy nhất có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc quân đội Việt Nam khi tiến công phải đột phá 2 lần.
Trận chiến đồi Độc Lập
“Ngày ta đánh quấy rối địch, đêm thì đào chiến hào vây lấn từng mét đất với địch. Chỉ có ai ốm, không thể ngồi dậy thì mới nằm lại đơn vị, còn tất cả chúng tôi đều không biết mệt mỏi, đánh địch cả ngày, tối ăn vội nắm cơm xong lại vác xẻng, cuốc đi đào hào. Mỗi đêm chỉ ngủ chập chờn vài giờ đồng hồ trong tiếng đại bác, tiếng súng cứ ầm ầm xung quanh”. Ông Củng bồi hồi nhớ lại những ngày chuẩn bị cho trận đánh đồi Độc Lập. Bộ đội ta không ai sợ hi sinh, ai cũng dũng cảm lao vào nhiệm vụ. Có những trận 3 Trung đội đi, lúc về quân số chỉ còn 1 trung đội nhưng các chiến sĩ ta không ai tỏ ra sợ hãi mà còn trêu đùa nhau. Chuyện là: Cứ buổi chiều là các đồng chí hậu cần đi đào vài chục cái hố để sẵn sàng làm công tác tử sĩ. Đồng chí chỉ huy bảo các Tiểu đội trưởng các mũi xung kích, khi ra trận thì đi tránh qua khu vực này. Nhưng anh em đều đi qua và trêu các đồng chí đang đào hố: “Đào sâu vào, nông quá, đêm về tôi bắt đào lại đấy”. Ông Củng vừa kể chuyện, cười vui vẻ làm tôi cũng cười theo. Một nỗi xúc động, nghẹn ngào, hình ảnh bi tráng, anh hùng của những chiến sĩ Điện Biên coi cái chết nhẹ tựa lông hồng khiến tôi nhớ lại câu thơ của nhà thơ Quang Dũng “Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Tượng đài trên đỉnh đồi Độc lập ngày nay
3h30 phút rạng sáng ngày 15/3/1954, trận đánh đồi Độc Lập mở màn, chiến sĩ ta nổ bộc phá, tạo cửa mở cho bộ đội xung phong tiến vào cứ điểm. “Lúc đó không còn biết sợ là gì nữa, anh em người nào hi sinh, bị thương nặng thì nằm lại, còn đi được là cứ xung phong lao vào đồn địch, giành giật từng mét chiến hào với quân Pháp”. Tiểu đội ông Củng chiếm được một đoạn hào của Pháp dài chừng 50m, xác địch nằm la tiệt. Quân Pháp phản công dữ dội để chiếm lại đoạn hào. Anh em trong Tiểu đội lần lượt ngã xuống. Trước khi hi sinh, đồng chí Tiểu đội phó giao nhiệm vụ cho ông Củng cùng một chiến sĩ còn lại phải giữ bằng được một đoạn hào chữ T dài chừng 20m. “Phải giữ đến khi trời sáng”. Ông Củng bình tĩnh hô đồng đội duy nhất còn lại đi nhặt trên các xác lính Pháp lựu đạn, gom lại thành đống xung quanh mình. “Hễ nghe tiếng bước chân, tiếng xì xồ là tôi ném lựu đạn, cái “anh lựu đạn Pháp” nhạy lắm, giật nụ xòe ra, ném quả nào cũng nổ”. Ném lựu đạn xong là ông Củng và chiến sĩ còn lại hô xung phong, bắn súng rồi tiếp tục lại ném lựu đạn. Giặc Pháp rút một lúc rồi lại điên cuồng tiến ra hòng chiếm lại đoạn hào này. Hai người giữ vững đoạn hào được giao suốt 2 tiếng đồng hồ, đẩy lùi nhiều đợt phản công, tiêu diệt hàng chục lính Pháp trước khi trời sáng.
6h30 phút sáng, cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên đồi Độc Lập, quân tiếp viện của Pháp bị đánh bật về Mường Thanh. Lúc này ông Củng mới phát hiện hai cánh tay mình tê cứng vì ném lựu đạn, giọng khản đặc vì hô xung phong. “Khi về họp báo cáo, tôi sờ vào túi mới phát hiện ra mấy chục cái “nụ xòe” lựu đạn. Hóa ra, cứ ném quả lựu đạn nào, tôi lại nhét “nụ xòe” vào túi quần”.
Huân chương chiến sĩ hạng Ba được trao tặng cho ông Hoàng Công Củng ngay tại chiến trường Điện Biên với chữ ký "tươi" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong vòng 3 tiếng, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đã xoá sổ 1 tiểu đoàn Bắc Phi của Pháp, tiêu diệt 483 tên địch và 200 tên bị bắt… Chiến thắng trên cứ điểm đồi Độc lập, chúng ta đã tiêu diệt 2/3 cứ điểm quan trọng ở phân khu Bắc.
Giữ vững đoạn hào khiến quân Pháp không thể rút chạy về phía Mường Thanh, góp phần ngăn chặn quân tiếp viện của địch cũng không thể tái chiếm đồi Độc Lập. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, ông Hoàng Công Củng đã được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba ngay tại chiến trường với chữ ký trực tiếp còn tươi rói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Củng được thăng chức lên Tiểu đội Phó ngay trong trận chiến này.
Tiếp theo "Kỳ 2: Tấm vải dù cứu mạng"
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước