Kỳ vọng phát triển OCOP gắn với du lịch nông thôn
Với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Mộc Châu (Sơn La) có nhiều nông sản nổi tiếng. Từ khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Mộc Châu đã thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị nông sản gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Đa dạng các sản phẩm OCOP
Sau 2 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Mộc Châu đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh, đã có 25 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương được chứng nhận OCOP, đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao.
Trải qua gần 30 năm nuôi ong và chế biến mật, được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, ông Nguyễn Đăng Thơ, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu quyết tâm đưa các sản phẩm từ mật ong tham gia chương trình OCOP. Năm 2020, gia đình ông đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 3 sao: Mật hoa nhãn, mật hoa rừng và sữa ong chúa. “Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm… Từ khi được công nhận OCOP cuối năm 2020, sản phẩm ngày càng nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Năm 2020, gia đình tôi đã xuất bán gần 100 tấn mật ong, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đăng Thơ chia sẻ.
Với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP theo hướng ổn định và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, UBND huyện đã tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc, mục tiêu, trình tự các nội dung của Chương trình OCOP. Hàng năm tổ chức Hội nghị triển khai tập huấn nội dung chương trình OCOP đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn; Giao thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện; Thành lập Tổ OCOP giúp việc cho Ban Chỉ đạo; Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩn cấp huyện theo hướng dẫn và bố trí 1 cán bộ chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP.
Theo ông Trần Xuân Thành – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Châu, cho biết: Qua 2 năm thực hiện cho thấy, các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã được nâng cao trình độ, năng lực; chất lượng sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn, được người tiêu dùng đánh giá cao và đã góp phần tích cực phát triển kinh tế vùng nông thôn.
“Cùng với việc nâng cao chất lượng, nâng hạng các sản phẩm OCOP, huyện đang triển khai đăng ký, tìm kiếm, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới. Với mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, cùng với các sản phẩm thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang định hướng phát triển thêm các lĩnh vực khác như sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dệt truyền thống, dịch vụ du lịch…” ông Thành cho biết thêm.
Gắn OCOP với dịch vụ du lịch
Cao nguyên Mộc Châu có diện tích rộng lớn, khí hậu mát mẻ, có vị trí thuận lợi cách Hà Nội 180km, cách Sơn La 120km, có hệ sinh thái đa dạng. Trong đó, đặc biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp với những đồng cỏ, hoa bát ngát. Hiện nay, huyện Mộc Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia, đây là những tiềm năng, lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP gắn với du lịch đạt kết quả cao.
Xác định Chương trình OCOP gắn với lợi thế về phát triển dịch vụ du lịch nông thôn là một hướng đi đúng để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế để góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và góp phần xây dựng huyện Mộc Châu trở thành Khu du lịch quốc gia. Do đó, huyện Mộc Châu đã đề ra các giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện trong thời gian tới như:
Huyện sẽ triển khai Chương trình OCOP theo hướng gắn với du lịch nông thôn để nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện cho cán bộ và nhân dân. Huyện cũng tiến hành điều tra, thống kê đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn và định hướng phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó xác định xây dựng làng văn hóa du lịch, bản du lịch cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch nông thôn.
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại cũng được huyện đẩy mạnh theo hướng đầu tư xây dựng các điểm bán hàng dọc tuyến đường quốc lộ, các điểm du lịch, các bản du lịch cộng đồng, các nhà hàng, khách sạn để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm OCOP. Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hiện có, các sản phẩm mới của Chương trình OCOP đến với cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế.
Huyện cũng đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, gắn với các chủ thể OCOP, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý du lịch, quản lý nông nghiệp. Tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối với các chủ thể hoạt động du lịch nông thôn trong việc đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm OCOP. Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là chia sẻ lợi ích đối với các chủ thể sản xuất của Chương trình OCOP, với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch; phát huy vai trò phối hợp liên ngành Nông nghiệp – du lịch, xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch nông thôn; tổ chức xây dựng, hoàn chỉnh bản đồ du lịch nông thôn.
Mộc Châu cũng khuyến khích phát triển các tour đưa khách du lịch đến các vùng nông thôn, nhất là những nơi đã và đang đầu tư, hoàn thiện và khai thác các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình COOP. Các tour cần chú trọng phát triển các dịch vụ kèm theo như ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, sinh hoạt tại nhà người dân để tăng nguồn thu cho cư dân nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả, công tác đào tạo, tập huấn cũng được huyện coi trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức quản lý, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và các chủ thể OCOP. Địa phương cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút cụ thể để phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, chú trọng chính sách hỗ trợ, lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất, du lịch; đào tạo nguồn nhân lực sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp kết hợp với làm du lịch.
Cao nguyên Mộc Châu có diện tích rộng lớn với điều kiện khí hậu mát mẻ, có hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp với những đồng cỏ, đồng hoa bát ngát. Hiện nay, huyện Mộc Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia, đây là những tiềm năng, lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP gắn với du lịch đạt kết quả cao.
Nguyên Bình
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân