Lạc quan kinh tế năm 2022 phục hồi và tăng trưởng
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,58%, mức thấp nhất sau 30 năm, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan về sự phục hồi và tăng trưởng trong năm 2022. Tuy nhiên quá trình này sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, với tỷ lệ phủ vaccine cao vào cuối năm 2021, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có sự hồi phục với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian qua đã có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với con số gần 12.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cùng số vốn đăng ký gần 150.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 11/2021 và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là gần 5.000 đây là tháng có số lượng doanh nghiệp tăng cao so với những tháng trước đó.
“Nghị quyết 128 đã tạo ra sự thay đổi lớn, trả lại không gian phát triển kinh tế, quyền tự do lưu thông hàng hoá, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Điều này đối với doanh nghiệp còn có giá trị hơn nhiều gói hỗ trợ, họ có thể tự chữa lành các “tổn thương” do đại dịch gây ra bằng chính năng lực của mình”, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhìn nhận.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước năm 2022 vẫn sẽ là ba trụ cột: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa. Trong đó, đầu tư công sẽ là yếu tố then chốt, thúc đẩy đầu tư của xã hội, góp phần duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tỷ lệ giải ngân của 11/2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 và chưa đạt yêu cầu đề ra, có những nơi mới đạt 30-40%. Trong thời gian tới cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, điều này vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế. Tuy nhiên cũng phải tính toán hiệu quả, không phải giải ngân bằng mọi giá trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Phải hướng đầu tư công vào phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, tạo sự lan toả tới các ngành nghề kinh tế khác”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm./.
Theo VOV