Nông thôn mới

Lâm Đồng: Hỗ trợ về chính sách cho người dân sau đạt chuẩn nông thôn mới

PV - 07:24 19/12/2024 GMT+7
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: Mục tiêu của xây dựng NTM đã đặt ra yêu cầu “người dân phải là chủ thể”, tạo dựng được sức mạnh từ yếu tố nội sinh nhưng đối với những địa bàn các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đạt chuẩn NTM đồng nghĩa với người dân tại địa phương không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội cũng như giữ vững các tiêu chí đã đạt được.
TIN LIÊN QUAN

Theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng thì tỉnh Lâm Đồng có 4 xã đặc biệt khó khăn tại huyện Đam Rông là xã khu vực III  là xã Đạ Tông, Đạ M Rông mới được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023 và 02 xã Đạ Long và LiênSrônh đang xây dựng hồ sơ để đạt chuẩn NTM năm 2024.

Các xã khu vực III khi được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ cụ thể như: Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng đối với công chức; người dân và học sinh không được hỗ trợ khi mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn kinh phí bình quân 5 tỷ đồng/năm/xã do nhà nước cấp cho các địa phương để mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân.

Xã Đạ Long, huyện Đam Rông  tập trung trồng cây cà phê. Ảnh: PV

Đồng thời, không được trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước sạch và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng hoặc nâng cấp trạm y tế, các chương trình khám chữa bệnh định kỳ; cung cấp vay vốn ưu đãi để người dân đầu tư vào sản xuất hoặc các hoạt động kinh doanh nhỏ;  các chương trình trợ cấp cho người già, trẻ em mồ côi, và các đối tượng yếu thế khác...

Đối với chỉ tiêu giáo dục, các trường không được hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Học sinh ở những trường này không được miễn, giảm 70% học phí; không được hỗ trợ 569.000 đồng, 15kg gạo/tháng theo Nghị đinh số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; học sinh mầm non không được hỗ trợ tiền ăn trưa 160.000 đồng/học sinh/tháng…

Nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động của các cơ quan, chính quyền, đoàn thể đã giúp người dân địa phương đạt chuẩn NTM. Ảnh: PV

Chính vì vậy, đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy đã đạt chuẩn NTM nhưng rất cần tiếp tục “tiếp sức” để giữ vững danh hiệu cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Để giải quyết khó khăn này này tỉnh Lâm Đồng cũng đã có báo cáo với Trung ương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024 đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 05/6/2024, trong đó Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

Xây dựng và tích hợp nội dung cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030 bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lắp, chồng chéo với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, Đề án khác, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, thời gian tới sẽ có Nghị định về tiếp tục các chính sách với xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn NTM để tiếp tục duy trì chính sách cho bà con.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác