Phong trào nông dân

Làm giàu nhờ đưa cây đặc sản về vùng hạn mặn

07:10 08/08/2021 GMT+7

Những năm gần đây, người dân huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa đồng thời đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Những vùng ven biển quanh năm chịu hạn mặn vốn được trồng lúa nay đã chuyển đổi sang những cây ăn quả đặc sản đem lại thu nhập cho nông dân cao gấp hàng chục lần.

Nhiều nông dân đến tìm hiểu kinh nghiệm trồng chanh tứ quý của gia đình chị Đặng Anh Phương.

Hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa

Là huyện nằm ven biển tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông vốn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Gần đây, phát huy các tiềm năng kinh tế theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng địa bàn ven biển phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn đã mở ra tương lai mới cho nền nông nghiệp địa phương, được bà con ủng hộ, hưởng ứng một cách tích cực.

Để thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai những địa bàn khó khăn, huyện Gò Công Đông đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa ven biển chịu ảnh hưởng hạn, mặn hàng năm sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống. Các loại cây kinh tế cao như: Sơ ri, thanh long ruột đỏ, mãng cầu Xiêm, chanh tứ quý… Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng 5.590 tấn trái cây các loại.

Sơ ri là cây đặc sản vùng Gò Công. Tại huyện Gò Công Đông có diện tích sơ ri trên 250ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Nơi đây đã hình thành vùng sản xuất sơ ri tập trung tại xã Tân Đông, Tây Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Kiểng Phước… Trái sơ ri của huyện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Địa phương còn tổ chức được 2 HTX sản xuất và chế biến sản phẩm từ sơ ri là HTX sơ ri Bình Ân và HTX sơ ri Gò Công. Hai đơn vị này đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sơ ri cho nông dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có công ty chuyên thu mua và chế biến sản phẩm từ trái sơ ri cũng góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nông dân.

Trong giai đoạn 2016-2020, nông dân địa phương còn đưa thêm cây thanh long vào cơ cấu cây ăn quả đặc sản. Đến nay, diện tích thanh long mở rộng lên trên 200ha, tập trung nhiều tại các xã nằm ven biển Đông như Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Tây…, trong đó diện tích đang ở thời kỳ thu hoạch khoảng 132ha.

Gò Công Đông cũng thành lập Hợp tác xã Thanh long Kiểng Phước, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trên qui mô diện tích 10,25ha. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ thực hiện mô hình trình diễn sản xuất vườn thanh long kiểu mẫu, diện tích 3.000m2.

Theo khảo sát của ngành chức năng, các loại cây ăn trái đều mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây. Cao nhất là thanh long ruột đỏ cao gấp 11 lần, bưởi da xanh gấp 7 lần, dừa Xiêm gấp 4 lần… so với trồng lúa độc canh.

Sơ chế trái sơ ri sau khi thu hoạch tại HTX sơ ri Gò Công.

Lấy cây đặc sản làm chủ lực

Theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, trong giai đoạn tới, huyện tiếp tục định hướng phát triển cây ăn trái chủ lực ở những địa bàn trọng điểm. Trong đó, huyện khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn trái đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh, mương ngọt hóa, đất trồng lúa khó khăn và thu nhập bấp bênh… Đồng thời, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng cung ứng thị trường, tiến tới hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quý – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, địa phương đang tích cực khuyến khích nông dân các xã ven biển Gò Công chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai theo hướng phát huy tiềm năng đất đai, lao động; mở rộng diện tích cây trồng đặc sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng đất đai nơi đây như sơ ri, thanh long, cây có múi…

Theo ông Nguyễn Văn Quí, hiện nay, diện tích cây ăn quả tại các xã trên địa bàn đã lên đến gần 900ha, tăng hơn gần 100ha so với cùng kỳ năm trước. Địa phương phấn đấu đến cuối năm diện tích cây ăn quả đạt gần 1.000ha.
Thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025,” UBND huyện Gò Công Đông đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh khảo sát, xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long tại xã Kiểng Phước với kinh phí ước khoảng 70 tỷ đồng.

Nông dân yên tâm chuyển đổi

Để giúp nông dân chuyển đổi cây trồng thành công, mở rộng diện tích cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương định hướng bà con giống cây trồng và vùng trồng. Đặc biệt, phát triển cây ăn quả đặc sản trên các vùng đất giồng cát, ven kênh mương ngọt hóa gắn với địa bàn dân cư, những khu vực trồng lúa khó khăn, thường xuyên thiếu nước bơm tưới…

Trước đây, trên diện tích 0,5ha đất của gia đình, chị Đặng Anh Phương, (ở ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung) chủ yếu trồng lúa. Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, trồng lúa không hiệu quả, chị đã tìm hiểu và học hỏi một số mô hình trồng cây ăn quả. Chị nhận thấy cây chanh tứ quý phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, dễ trồng, giá cả lại ổn định, nên từ năm 2018, chị quyết định chuyển hẳn từ trồng lúa sang trồng chanh tứ quý cho đến nay.

Chị Phương chia sẻ, hiện tại, vườn chanh tứ quý của chị có hơn 1.200 gốc. Chanh tứ quý dễ trồng, phát triển nhanh, chỉ cần trồng khoảng 6 tháng là cây bắt đầu cho trái, có thể thu hoạch. Hiện nay, mỗi ngày chị thu hoạch đều đặn 100kg chanh cung ứng ra thị trường, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng.

Ông Đinh Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung cho biết, mô hình trồng chanh tứ quý rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt, trong tình hình xâm nhập mặn kéo dài như hiện nay. Do đó, xã sẽ cố gắng vận động bà con trên địa bàn xã nhân rộng mô hình này.

Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, Gò Công Đông được mùa cây ăn quả. Từ đầu năm đến nay, huyện đạt sản lượng trên 9.500 tấn trái cây các loại, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Huyện phấn đấu cả năm sẽ đạt sản lượng trái cây các loại trên 23.000 tấn quả.

Minh Trí

Tin cùng chuyên mục
Tin khác