Lễ hội Cầu ngư: Nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của cư dân biển miền Trung
Từ sáng sớm, nghi lễ rước Nghinh thần được diễn ra trang trọng trước biển Nguyễn Tất Thành do các cụ cao niên trong quận Thanh Khê làm chủ lễ; đông đảo người dân địa phương trong các trang phục áo dài khăn đóng, đoàn hát bả trạo, đội kèn, trống, đội cờ tham gia đoàn rước kiệu Nghinh thần từ bờ biển về khu vực làm lễ chính. Tại lễ tế chính, các vị trưởng lễ cùng đại diện chính quyền địa phương, người dân đã dâng hương kính cáo các chư thần để cầu an, cầu ngư.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Nguyễn Hữu Công, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển miền Trung, cư dân ở các làng chài ven biển Đà Nẵng, trong đó có ngư dân làng biển Thanh Khê. Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông ở làng biển Thanh Khê, ra đời và phát triển dựa trên những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất; phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của ngư dân làng chài Thanh Khê.
Qua hơn 3 thế kỷ, các thế hệ người dân làng biển Thanh Khê theo cha truyền con nối đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong ứng xử với sóng gió nơi biển cả. Ngày nay, nghề đánh bắt cá ở làng biển Thanh Khê vẫn tiếp tục hoạt động, tuy có gặp những khó khăn nhất định nhưng truyền thống hoạt động nghề cá của dân vạn chài và đời sống tinh thần, tín ngưỡng vẫn tồn tại, giữ vững. Đây chính là nền tảng gốc cho Lễ hội Cầu ngư làng biển Thanh Khê được duy trì hằng năm.
“Lễ hội Cầu ngư truyền thống luôn được chính quyền thành phố, địa phương quan tâm và xem đây là nhiệm vụ quan trọng để góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như, giá trị tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử truyền thống, văn hóa - nghệ thuật, xác lập chủ quyền biển đảo… Mặt khác, Lễ hội cũng đề cao giá trị gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại và là điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương” ông Nguyễn Hữu Công nhấn mạnh.
Lễ hội Cầu ngư được tổ chức để cầu cho một năm “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ngư dân bội thu”. Ông Lê My, đại diện Ban Tiếp lễ tại Lễ hội cho biết, các phần nghi lễ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của ông cha. Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô hơn với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội Cầu ngư diễn ra trong 3 ngày (từ 27 đến 29/2) gồm các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội. Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: Đan lưới, gánh cá, ngoáy thúng, ẩm thực “hương vị biển”; hát tuồng, hô hội bài chòi…
Ban Tổ chức cũng bố trí các gian trưng bày mô hình, hình ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”; sản phẩm OCOP, đặc trưng của các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các món ẩm thực đặc trưng trên địa bàn quận Thanh Khê. Các hoạt động được diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho ngư dân bước vào vụ đánh bắt năm mới; đồng thời thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan.
Lễ hội Cầu ngư là lễ hội quan trọng, lớn nhất trong năm, bày tỏ khát vọng một năm “trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”. Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.
Theo TTXVN/Vietnam+