Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trang nghiêm, xúc động, tự hào
Trong giờ phút trang nghiêm, qua truyền hình trực tiếp, các đại biểu và đông đảo người dân dự Lễ Truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang điều hành Lễ Truy điệu.
Với tình cảm xúc động, nghẹn ngào, gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các vị đại biểu và nhân dân cả nước chú ý lắng nghe đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc điếu văn tri ân những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Điếu văn của đồng chí Tô Lâm khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.
Theo Chủ tịch nước, gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, giáo sư, tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Thay mặt gia quyến, ông Nguyễn Trọng Trường, con trai trưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã tổ chức Lễ Quốc tang long trọng, trang nghiêm. Ông cũng cảm ơn lực lượng quân đội, Bệnh viên quân y 108, Nhà Tang lễ Quốc gia và tất cả những y bác sĩ, nhân viên đã chăm sóc đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới giây phút cuối cùng...
Sau lời cảm tạ của con trai Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn gia quyến đi vòng quanh linh cữu, tiễn biệt ông lần cuối. Bà chắp tay trước linh cữu ông, rơi nước mắt trước di ảnh chồng. Sau đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu lần lượt đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư. trước khi làm lễ di quan, rước linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
Rước ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra ngoài linh xa (Ảnh Vnexpress)
Sau Lễ truy điệu, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đưa ra xe linh xa để đến Nghĩa trang Mai Dịch. Lộ trình di chuyển linh cữu Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng như sau: Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (đoạn từ Cửa Nam đến Trần Phú), Trần Phú, Sơn Tây (đoạn từ Trần Phú đến Kim Mã), Kim Mã, Đào Tấn (đoạn từ Kim Mã đến Liễu Giai), Liễu Giai (đoạn từ Đào Tấn đến Kim Mã), Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Phạm Hùng đến Lê Quang Đạo), Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Trần Vỹ đến Nguyễn Cơ Thạch).
Xe đưa di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhà riêng tại số 5 Thuyền Quang sẽ theo lộ trình Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Nguyễn Cơ Thạch đến Phạm Hùng), Xuân Thủy, Cầu Giấy (đoạn từ Trần Thái Tông đến Trần Đăng Ninh), Trần Đăng Ninh (đoạn từ Cầu Giấy đến Nguyễn Khánh Toàn), Nguyễn Khánh Toàn, Đào Tấn, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn (đoạn từ Nguyễn Thái Học đến Nguyễn Thượng Hiền), Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu (đoạn từ Nguyễn Thượng Hiền đến Thiền Quang), Thiền Quang.