Liên kết sản xuất và tiêu thụ giúp nông sản rộng đường vào siêu thị
Liên kết tiêu thụ giúp xã viên an tâm canh tác
Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn (RAT) Tân Đông (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) được thành lập năm 2015 ban đầu bao gồm 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng rau các loại, bán buôn rau quả, cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp. Đến nay, HTX Rau an toàn Tân Đông đã có 102 thành viên canh tác với diện tích 25ha, trong đó có 30 thành viên sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 13ha; thành viên còn lại tham gia sản xuất RAT với diện tích 12ha. Điều đặc biệt của HTX chính là áp dụng phương pháp Liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các xã viên của mình với các nhà phân phối lớn trên thị trường nhằm giúp xã viên đảm bảo nhu cầu kinh tế, an tâm sản xuất.
Xã viên của HTX Tân Đông phân loại các sản phẩm rau trước khi đóng gói.
Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Tân Đông cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX Rau an toàn Tân Đông không ngừng cải tiến công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX sản xuất và cung ứng 49 chủng rau loại rau, củ, quả các loại. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt ghi chép nhật ký sản xuất của xã viên đến ứng dụng bao bì, nhãn mác, địa chỉ truy xuất nguồn gốc mà HTX sớm có được uy tín, từng bước tạo lập thương hiệu, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác như: Siêu thị CO.opmart; Công ty Bách Hóa Xanh và một số bếp ăn tập thể của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài tỉnh với số lượng từ 1,5 - 2 tấn mỗi ngày, với các mặt hàng chủ lực là cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, rau muống, rau dền và các mặt hàng rau ăn quả (bầu, bí xanh, mướp, dưa leo, khổ qua, đậu bắp…).
Ngoài cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, HTX còn cung ứng ra thị trường từ 300 - 400kg sản phẩm mỗi ngày. Ngoài ra, HTX còn xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 2 chuyến mỗi tuần với số lượng trên 1 tấn hàng/chuyến, với các mặt hàng như rau ngót, rau om, củ hành tím… Gíá rau xuất khẩu cao hơn khoảng 30 - 40% so với thị trường nội địa. Trong năm 2022, HTX đã tiêu thụ sản phẩm do thành viên sản xuất trên 2.300 tấn rau, củ, quả các loại; doanh thu đạt trên 6,5 tỷ đồng, tạo thu nhập cho người lao động thường xuyên bình quân 5,5 triệu đồng/tháng”.
Sơ chế và đóng gói sản phẩm theo từng chủng loại rau tại HTX Tân Đông.
Một xã viên mới của HTX là anh Lê Văn Oanh (ngụ ấp Chùa Đất Đỏ, xã Tân Đông) chia sẻ: “Lúc trước, gia đình anh chỉ quen với sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống. Nhà anh có 5 công đất trồng rau khi đến đợt thu hoạch thường phải phụ thuộc vào thương lái ở chợ đầu mối thu mua với giá cả thì liên tục bấp bên theo thị trường. Đến khi anh tham gia vào HTX sản xuất RAT Tân Đông thì câu chuyện tiêu thụ đã ổn định hơn rất nhiều nhờ phương pháp hỗ trợ tiêu thụ tại vườn mà HTX đã ký kết với các đơn vị tiêu thụ lớn nên giá của nông sản luôn ổn định. Gia đình cũng yên tâm canh tác theo các tiêu chí HTX đưa ra để bảo đảm về nguồn gốc sản phẩm, giúp nâng cao uy tín sản phẩm của HTX trên thị trường”.
Hỗ trợ của địa phương giúp HTX vươn xa đến thị trường khó tính
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX RAT Tân Đông đã không ngừng cải tiến công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX đã áp dụng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, giúp nông dân hạn chế được các điều kiện bất lợi về thời tiết, hạn chế được dịch bệnh, côn trùng gây hại, giảm được hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón… Đặc biệt, năm 2020 đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng thương hiệu của HTX khi đơn vị đã ký kết hợp đồng xuất khẩu rau qua thị trường Nhật Bản. Có thể nói đây là thị trường khó tính, sản phẩm cần phải được bảo quản tốt, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Theo hướng dẫn số 330/HD-UBND ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh về một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí để HTX đầu tư xây dựng nhà sơ chế với diện tích 300m2 và trang bị máy móc hiện đại, xây dựng phòng lạnh (tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80%, HTX đối ứng 20%) để đáp ứng các yêu cầu trên.
Các doanh nghiệp phân phối lớn tham quan quy trình sản xuất của HTX Tân Đông.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang thì ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác của người dân, cán bộ cơ sở về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. Trong đó, mô hình liên kết rau của HTX Rau an toàn Tân Đông, tại xã Tân Đông huyện Gò Công Đông; HTX DVNN Phú Quới xã Yên Luông, RAT Thạnh Hưng xã Thạnh Trị huyện Gò Công Tây: Hợp tác xã liên kết với thành viên sản xuất rau theo hướng an toàn, được chứng nhận VietGAP, sản lượng 3-4 tấn/ngày, thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu đã được đưa vào điển hình của tỉnh Tiền Giang.
Có thể nói, với hướng đi và phương pháp áp dụng đúng đắn, HTX Rau an toàn Tân Đông đã giúp bà con xã viên không chỉ tìm đầu ra ổn định, mà còn góp phần tạo ra nguồn nông sản xanh, sạch, chất lượng và an toàn nhằm khẳng định thương hiệu của HTX với thị trường quốc tế.
Ông Trần Văn Bương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ: “Nhận thấy sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc còn tồn đọng trên rau rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vừa tốn chi phí vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của rau, nên chúng tôi quyết định đầu tư trồng rau trong nhà lưới. Sau thời gian triển khai, nhận thấy hiệu quả, tôi đã mở rộng thêm diện tích, chuyển giao công nghệ cho thành viên nhằm tiết kiệm chi phí, tăng thêm thu nhập. Hiện HTX cung cấp rau sang thị trường Nhật Bản khoảng 2 chuyến/tuần, với số lượng 1 tấn hàng/chuyến. Giá rau xuất khẩu cao hơn khoảng 30% - 40% so với bán ở thị trường nội địa. Trước mắt, HTX sẽ vận động thành viên trồng những chủng loại rau này và chất lượng phải càng được nâng cao hơn”.