“Lợi ích kép” từ chăn nuôi gà sử dụng công nghệ sinh học
Tham dự có ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội; TS Khoa học Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam; PGS. TS Trần Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm Bio TCORTS; lãnh đạo Hội Nông dân cấp huyện, xã và một số đơn vị, ban, ngành có liên quan; các doanh nghiệp và hội viên nông dân thuộc 3 xã Thuỵ An, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh.
Đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và người tiêu dùng
Từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2022 Trung tâm Bio TCORTS (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) đã triển khai “Mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ chứng nhận OCOP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Với mục tiêu nhằm hướng dẫn các tổ, hội, nhóm, hợp tác xã, những người chăn nuôi gà các kỹ thuật chăn nuôi gà thịt bản địa theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng dẫn liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm; quy trình chứng nhận sản phẩm OCOP, áp dụng công nghệ trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Trung tâm Bio TCORTS đã hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học cho các hộ tham gia dự án, ngoài ra còn được hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ…
Việc tổ chức hội nghị nhằm tổng kết nhìn lại những thành quả đã đạt được, đúc kết kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề xuất cơ quan chức năng có phương hướng nhân rộng mô hình.
Phát biểu khai mạc hội nghị PGS.TS Trần Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Bio TCORTS cho biết: Khi thực hiện Dự án, chúng tôi có nhiều vấn đề lo lắng. Việc chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên thế giới đã làm nhiều, tuy nhiên ở Việt Nam đối với ngành Chăn nuôi vẫn còn là mới, là táo bạo bởi vì nguyên liệu đầu vào để tạo ra sản phẩm hữu cơ đòi hỏi không được dùng các chất cấm, không được dùng nguyên liệu biến đổi gen, không được dùng nguyên liệu chiếu xạ. Bản thân chúng ta đang dùng một số sản phẩm biến đổi gen nên việc chăn nuôi gà chúng ta không thể đảm bảo các tiêu chuẩn của chăn nuôi hữu cơ. Đây là những điều kiện khó khăn nên nên dự án này chỉ hỗ trợ sản xuất gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ chứ được chứng nhận sản phẩm OCOP chứ không phải là hữu cơ. Bên cạnh đó là việc tiêu thụ 100% đầu ra cho các mô hình.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tập huấn và giải thích tại sao lại đưa công nghệ vi sinh này vào ngay ngày đầu tiên trong thức ăn của gà để hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh như cách chăn nuôi truyền thống thì không có ai tin mình cả. Các hội viên nông dân nói thẳng với tôi là không bao giờ tin, bởi mỗi 1.000 con gà thì họ phải mất 5-6 triệu đồng mua kháng sinh. Có thể nói đây mà một thách thức rất lớn khi chúng tôi thực hiện dự án” – PGS.TS Trần Thị Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là vấn đề hết sức cấp bách, có thể xảy ra tình trạng kháng kháng sinh nếu bị làm dụng quá nên phải hướng người chăn nuôi sử dụng kháng sinh sinh học hoặc kháng sinh thực vật sẽ không gây ra tình trạng kháng kháng sinh, rất an toàn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
“Chúng tôi đã xây dựng quy trình công nghệ để đưa vào thực hiện tại các mô hình dự án, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trải qua 2 năm thực hiện dự án ở một số mô hình tại Hà Nội, Thái Nguyên đã có được kết quả nhất định. Tôi rất mong lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như bà con nông dân tích cực trao đổi những kết quả khi tham gia dự án, những khó khăn, chưa đạt được, đề ra biện pháp khắc phục để chăn nuôi phát triển bền vững” - PGS.TS Trần Thị Hạnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ từ các hộ trực tiếp chăn nuôi tham gia mô hình và những giải đáp thắc mắc của hội viên nông dân chăn nuôi gà nhưng chưa áp dụng công nghệ sinh học.
Tham gia dự án từ những ngày đầu đến nay, anh Lê Đình Quý – Giám đốc HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ: HTX có 22 thành viên, nuôi gà đen H’Mông và gà mía, số lượng được khoảng 50 nghìn con và 10 nghìn con gà đẻ trứng. Sản phẩm gà đen H’Mông của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, còn gà mía thì được chứng nhận OCOP 3 sao.
Theo anh Lê Đình Quý, từ khi được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học con gà phát triển rất tốt, không phải dùng hóa chất để khử trùng, sức khỏe của con gà được nâng lên, men vi sinh sử dụng trộn vào cho thức ăn giúp cho hệ tiêu hóa của gà tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng của HTX cũng tăng lên khoảng 20%.
“Trước khi chăn nuôi theo hướng hữu cơ thì HTX đã làm theo tiêu chuẩn VietGAP thì số lượng bán vẫn chậm, tuy nhiên giờ số lượng bán nhanh hơn. Khó khăn là hiện nay vấn đề tiêu thụ trứng gà vì hiện nay lượng trứng cung cấp đang dồi dào, cung vượt quá cầu nên giá cả chưa đảm bảo đối với sản xuất theo hướng hữu cơ” – anh Quý cho hay.
Chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Phú Sơn, xã Cẩm Lĩnh tham gia dự án từ đầu năm 2024 cho biết: Gia đình chị chăn nuôi gà mía cũng hơn chục năm. Trước đây, chị nuôi theo phương pháp truyền thống vẫn sử dụng kháng sinh tổng hợp mỗi khi gà bị bệnh, gà trống và mái nhốt chung một chuồng nên hay xảy ra đánh nhau khiến nhiều con gà còi cọc, gà chết. Mùi hôi từ chuồng gà nhất là những khi trời mưa thì rất khó chịu. Từ khi tham gia dự án, chị được cán bộ Trung tâm hướng dẫn xây dựng lại chuồng trại theo đúng quy chuẩn, tách đàn, đặc biệt là sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ vi sinh trộn với thức ăn cho gà ngay từ những ngày đầu tiên.
“Đến nay, đàn gà phát triển đồng đều, cân nặng đảm bảo, mỗi tuần cân 1 lần để theo dõi sự phát triển của gà. Đặc biệt tôi không phải sử dụng kháng sinh cho đàn gà và mùi hôi ở chuồng gà đã được xử lý, đảm bảo cho gà phát triển khỏe mạnh” – chị Nhung chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm: Việc nuôi sâu canxi làm thức ăn chăn nuôi thì trước đây nhà tôi đã làm, nhưng được sự tư vấn của cán bộ Trung tâm hướng dẫn trộn với cám rồi ủ trước khi cho gà ăn để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho gà, gà được 3,5 tháng là tôi dừng cám công nghiệp, chỉ cho ăn cám ngô, thóc với sâu canxi để đảm bảo chất lượng gà thịt .
Sản phẩm hữu cơ – hướng phát triển bền vững
Anh Nguyễn Văn Tài – Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Ba Vì (xã Thụy An, huyện Ba Vì) chia sẻ: Trước đây có 6 thành viên, hiện giờ đã tăng lên 15 thành viên, có 2 sản phẩm là gà đồi Ba Vì và vịt trời Ba Vì, sản phẩm gà đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao
Theo anh Tài, huyện Ba Vì là vùng đặc trưng về chăn nuôi gà, toàn huyện có khoảng 6 triệu con/năm, việc chăn nuôi truyền thống gây ô nhiễm môi trường là vấn nạn chung mà các cấp, các ngành ở địa phương chưa có lời giải. Chính vì vậy, Trung tâm thực hiện dự án ở đây rất ý nghĩa, tuy nhiên, đối với việc áp dụng đại trà thì rất khó vì để thay đổi nhận thức, thói quen chăn nuôi của bà con rất khó.
“Đối với HTX, chúng tôi chăn nuôi gà cũng nhiều năm, thành công có, thất bại cũng không ít, tuy nhiên chúng tôi tin là hướng đi mới là nông nghiệp tuần hoàn, vì vậy, HTX cũng định hướng cho các thành viên sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ là chính. Đây là phương pháp vừa giúp môi trường không bị ô nhiễm, vừa giúp gà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thơm ngon hơn, đặc biệt đảm bảo sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng” – anh Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, anh Nguyễn Văn Ngọc ở xã Cẩm Lĩnh cũng cho rằng, hiện nay cái khó của người chăn nuôi là việc nhận diện, định giá sản phẩm hữu cơ. Bởi vì khi sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ mất nhiêu công sức hơn, chi phí nhiều mà giá bán như chăn nuôi truyền thống thì người chăn nuôi rất khó theo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao những kết quả đạt được của mô hình này. Bởi vì, kết quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học đã có từ lâu, nhiều người biết tuy nhiên việc triển khai đưa vào thực tiễn mới là vấn đề đáng nói, bởi thực tế áp dụng khó đối với người chăn nuôi.
Theo ông Tường, nếu không sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi thi sẽ ảnh hưởng đến chính người chăn nuôi, ảnh hưởng đến con gà và chất lượng sản phẩm. Khi người nông dân áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất theo hướng hữu cơ, làm ra sản phẩm chất lượng thì phải bán với giá tương xứng thì mới làm động lực cho họ cố gắng.
Vì vậy, bà con cần liên kết lại thành tổ, nhóm, hợp tác xã và hợp tác với doanh nghiệp để đi vào thị trường cao cấp, phục vụ khách hàng có nhu cầu cao. Bà con nông dân chăn nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất, thực hiện đúng các quy định trong hợp tác, liên kết thì người chăn nuôi sẽ thành công, đạt được lợi ích.
“Một điều nữa là Trung tâm nên cung cấp men gốc, hướng dẫn người dân tự nhân men gốc mà không phải mua thì sẽ giảm được chi phí góp phần tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi” – ông Tường nhấn mạnh.
TS. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam đánh giá cao những ý kiến, chia sẻ của người chăn nuôi. Việc sử dụng chế phẩm sinh học đã giải quyết được vấn đề cơ bản là giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Hiện nay, việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ vẫn còn khó khăn ở chỗ thức ăn chăn nuôi hữu cơ chưa đạt và quy trình giết mổ. Đây là những công đoạn trong quá trình chăn nuôi hữu cơ, nếu không đạt thì sản phẩm chưa được coi là hữu cơ. Ở Việt Nam mới chỉ đạt được khoảng 80%, vì vậy, vẫn cần phải tiếp tục cố gắng để đạt được sản phẩm hữu cơ.
“Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng còn nhiều vấn đề, dứt khoát sản phẩm hữu cơ không thể bán với giá thông thường bởi vì khi làm hữu cơ cần tốn thời gian, chi phí, tuy nhiên đây vẫn là xu thế tất yếu trong việc phát triển nông nghiệp bền vững” – TS. Hà Phúc Mịch khẳng định.