Lối về bản em hoa vẫn nở
Con đường lên trời
Chuyện kể, cách đây khoảng 4 thế kỷ, những tộc người H’Mông, Dao, La Chí... di cư đến vùng Tây Bắc để khai khẩn và định cư. Nhưng lúc đó, bốn thung lũng lớn của vùng Tây Bắc là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) đã có những tộc người bản địa là Thái, La Ha sinh sống. Vì thế, họ phải đi xa, tìm chọn những dải núi đất có độ cao để dựng bản, lập mường và chọn hình thức canh tác ngô, lúa nương để lấy lương thực. Ban đầu, những thửa ruộng bậc thang chỉ hình thành dưới chân núi để họ chủ động nguồn nước tưới tiêu. Sau này dân số tăng lên, họ bắt đầu khai khẩn ruộng bậc thang lên cao dần trên đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, ôm quanh những quả núi như ngày nay.
Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu và tốn nhiều công sức. Ông Cứ A Giàng, người H’Mông ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) cho biết, theo kinh nghiệm của cha ông để lại, quả núi chọn để làm ruộng có độ dốc vừa phải, có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá. Việc khai khẩn ruộng bậc thang được tiến hành vào mùa Xuân, thường thì vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 để đến tháng 4 - 5 là có thể kịp lấy nước phục vụ cho gieo trồng.
Ông Lý Vàn Thạch ở xã Thung Nguyên (Hoàng Su Phì) kể rằng, công đoạn khó khăn nhất trong các bước khai khẩn ruộng bậc thang là san mặt bằng ruộng và làm bờ ruộng, vì nó liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Ông Thạch lý giải: “Người Dao chúng tôi thường dùng cuốc cào đất thành bờ, dùng chân giẫm và dùng sống cuốc đập mạnh vào để nén chặt bờ ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa ruộng trên và thửa dưới thường là 0,5 - 2m. Khi có nước tháo vào ruộng, bờ sẽ ngấm nước làm cho đất liên kết với nhau rồi cứng lại”.
Nói về ruộng bậc thang, không thể nhắc tới sự kiên nhẫn, óc thẩm mỹ, sự tính toán khoa học của người H’Mông. Việc khai khẩn của họ được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật “treo” trên các sườn núi. Ông Giàng A Tông, người sinh ra và lớn lên trên lưng dãy núi Khau Phạ tự hào về danh thắng quê mình: “Từ đời cha ông, cụ kỵ chúng tôi, ruộng bậc thang đã mang lại nguồn sống. Các thế hệ người H’Mông nối tiếp nhau không ngừng bồi đắp thêm những nấc ruộng mới. Những cánh đồng của người dân trở thành một tài sản chung, thành bản sắc của người H’mông được gìn giữ. Cũng như cái cuốc, cái cày quanh năm giúp mình làm ra hạt thóc, hạt ngô nên ngày Tết nó cũng phải được nghỉ ngơi, người H’Mông mình có tục dán giấy lên cái cày, cái cuốc.., rồi đưa lên bàn thờ thắp hương cảm ơn và tưởng nhớ như tổ tiên mình”.
Từ những thửa ruộng bậc thang dọc theo chân đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc (Hà Giang) nhìn xuống, con sông Nho Quế nhỏ như sợi chỉ xanh vắt quanh các dãy núi. Ở nơi “xa đất gần trời” này, người H’Mông thích ngồi trên mỏm đá cheo leo để nhập hồn, nhập thể với mây trời bao la. Ở trên cao, họ cảm thấy mình được gần với trời, một biểu tượng của tự do. Sự cao rộng, khoáng đạt của địa hình ảnh hưởng đến tính cách dân tộc, tư tưởng và nghệ thuật của người H’Mông. Mọi hoạt động của họ thường không rườm rà hoa lá cành dù để đẹp lòng người khác, không bị chi phối ngoại cảnh. Thế nên, mới có “cái lý của người Mông” nổi tiếng đến bây giờ.
Nhưng nổi trội hơn cả là tư tưởng hướng thượng của họ. Hãy lắng nghe một tiếng kèn lá của người H’Mông. Tiếng kèn khởi nguồn như một cơn gió, như một lời thì thầm, dần dần réo rắt từ âm vực thấp đến âm vực cao hơn. Đột nhiên, tiếng kèn lá đạt đến âm vực cao nhất khiến tâm tư người nghe xao động, rồi mất hút, như tan biến giữa không trung của đất trời bao la.
Tư tưởng đó, không chỉ ảnh hưởng đến cách người H’Mông chọn địa bàn sinh sống mà còn đi sâu vào các lớp văn hóa của họ. Rồi từ đó phóng chiếu ra ngoài đời sống dân sinh, kết tinh trong hình thức làm ruộng bậc thang trên sườn núi - một kết quả dung hòa giữa sự thích ứng với địa hình bản địa, óc tưởng tượng và nhu cầu thẩm mỹ của người H’Mông. Con mắt của người H’Mông khi nhìn núi chất ngất sẽ hình dung ra những thớt ruộng chồng lên như những bậc thang leo lên trời. Con mắt đó, cũng giống như khi người Kinh ngắm nhìn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, để hình dung ra những bờ xôi ruộng mật…
Chỉ bằng chiếc cuốc bướm giản đơn, người H’Mông, người Nùng, người Dao, người La Chí… đã vạc ra thớt ruộng bậc thang thấp nhất dưới chân núi. Những thớt ruộng đó, là nền tảng để định hình các thớt ruộng có hình vân tay, hình móng ngựa… nối nhau thành lớp lớp như một “kiệt tác long đong”, như con đường lên trời vừa gần lại vừa xa, vừa rõ ràng vừa ẩn hiện trong sương sớm, nắng chiều… rộng lòng ôm lấy những ngôi nhà lợp gỗ của người nông dân hồn nhiên và đôn hậu.
Lối về bản em hoa vẫn nở
Đứng trước gió ngàn lồng lộng, những sợi khói đốt đồng bay lên từ trên những thớt ruộng đã gặt xong hay từ những ngôi nhà lợp gỗ, giữa hương thơm trinh nguyên của núi rừng, dưới nền trời vào Xuân xanh thẳm bồng bềnh những đám mây. Ngước mắt nhìn theo chiều lên của ruộng bậc thang, chúng ta sẽ thấy những thớt ruộng dung dị như đã biến thành những phím đàn Piano bay lên trên từng không.
Những bậc thang đó là một dạng nghệ thuật vị nhân sinh. Người nông dân trên núi cao làm ruộng từ dưới thấp lên cao, gieo mạ từ cao xuống đất thấp và đến mùa thu hoạch thì lại gặt hái niềm vui từ thấp đến cao, để có được sự no đủ ở nơi đất gần trời.
Những thửa ruộng hùng vĩ ở bản Luốc, Thông Nguyên (Hoàng Su Phì - Hà Giang), những thớt ruộng xinh xinh được tạo hình vân tay ở La Pán Tần hoặc duyên dáng như hình mâm xôi, móng ngựa… ở Chế Cu Nha, Mù Cang Chải (Yên Bái), những thớt ruộng như có mây sà xuống thung lũng Lìm Mông (Cao Phạ, Yên Bái), thung lũng Mường Hoa (SaPa, Lào Cai), đã hớp hồn hàng ngàn du khách mỗi năm. Và ai cũng dễ nhận thấy nó chứa đựng thật nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Nhìn ngắm ruộng bậc thang một cách kỹ càng, chúng ta sẽ nhận thấy nó chứa đựng thật nhiều vẻ đẹp tự nhiên. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng biến thành hàng trăm tấm gương lung linh, phản chiếu sắc xanh lơ của trời, sắc trắng của mây, sắc xanh thẫm của núi rừng. Những tấm gương vươn cao đó từng là ý tưởng tạo ra một tác phẩm sắp đặt nghệ thuật có tên Mưa Pha Lê, đã được thực hiện tại khu ruộng bậc thang của người H’Mông ở Mù Cang Chải cách đây vài năm, tạo ra một hiệu ứng thị giác và cảm xúc mãnh liệt làm nao nao lòng người.
Khi gieo mạ, ruộng bậc thang lại phản chiếu một vẻ đẹp khác. Trên những thớt ruộng lấp lánh ánh màu nâu non của đất đai màu mỡ, những mảng màu xanh lá mạ khi thì điểm xuyết một góc ruộng, khi lại tạo ra những thớt ruộng xanh - nằm đan xen nhau, hình thành một bức tranh thiên nhiên đẹp mắt.
Những thửa ruộng bậc thang nằm trên địa bàn 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình đang là địa điểm thu hút du khách lên chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ vào mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hàng năm, huyện Mù Cang Chải tổ Lễ hội ruộng bậc thang vào đúng mùa gặt để quảng bá du lịch. “Lễ hội ruộng bậc thang thực chất là lễ hội tôn vinh những cư dân đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để tạo nên những nấc thang hạnh phúc, ấm no cho mảnh đất vùng cao này” - chị Giàng A Chứ hướng dẫn viên du lịch của bản, vừa kể, vừa khẽ khàng mời tôi vào mùa Thu trở lại.
Tôi tự hứa với lòng mình sẽ trở lại! Trở lại, để tận hưởng mùa đẹp nhất của ruộng bậc thang. Khi ấy lúa ruộng bậc thang chín kín vùng. Lúc ấy, vẻ đẹp của ruộng bậc thang hiển lộ như dát vàng lên những sườn núi, bao lấy bản làng. Lúc ấy sẽ được thấy người con trai gặt lúa trên ruộng, người phụ nữ H’Mông ngồi trên bờ thêu áo, thêu khăn khe khẽ hát “Gầu plềnh”. Tôi sẽ được nghe lời ca về tình yêu trong nỗi nhớ mộc mạc như con suối, hoa rừng, mong manh như sợi khói ban chiều từ mái nhà lợp gỗ chênh vênh trên sườn núi mờ xa.
“Đêm đã rạng, lối đi sáng tỏ.
Anh lê bước về nhà mà hồn còn ngủ nơi thắt lưng em”.…
Lưng người, lưng núi ở miền đất mang màu trời thật dẻo dai, gần gũi, thân thương, tuyệt đẹp như mọi chiều cung bậc, như bức tranh thêu giữa núi rừng hùng vĩ mà tràn đầy mùi vị của ấm no - hạnh phúc - bình yên .
Mặt trời đang xuống núi, gió trời đã chuyển, tôi kéo chiếc cổ áo lên cao cho bớt lạnh nhưng vẫn đủ nghe chị Giàng A Chứ nói, nhẹ như hơi thở: Tháng 9 anh lên nhé, lối về bản em hoa vẫn nở!
Mù Cang Chải, Xuân Quý Mão - 2023
* Nguyên TBT Tạp chí Nông thôn mới
- Phát huy giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua triển lãm sách 70 năm giải phóng Thủ đô
- Biến “phế liệu chiến tranh” thành nhạc cụ nơi bản làng Hướng Hoá, Quảng Trị
- Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Nắng Ba Đình"
- 119 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai