Giáo dục - hướng nghiệp

Nghệ nhân Củ Chi dạy nghề trồng cây kiểng miễn phí cho nông dân

Kiều Anh - 07:14 24/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với 100 nghìn sản phẩm các loại cây cảnh, bonsai tung ra thị trường cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ mỗi năm, ông Trịnh Minh Tân (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đã đem kiến thức học được từ trong nước và nước ngoài dạy miễn phí cho những nông dân đam mê trồng cây cảnh, trong số đó đã có nhiều học viên trở thành nghệ nhân và làm giàu từ nghề này.
TIN LIÊN QUAN
Công nhân làm vườn cho gia đình ông Tân có mức lương từ 4-7 triệu đồng/tháng

Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân tìm đến xin học nghề

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nông dân ở các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai... tìm đến lớp học trồng cây cảnh, tạo thế dáng cho cây bonsai, nuôi trồng hoa mai… của ông Tân để học nghề. Bài giảng của ông Tân bao gồm phần lý thuyết gắn với thực hành theo kiểu "cầm tay chỉ việc" nên rất dễ hiểu, dễ thuộc, dễ làm. Nhiều nông dân được học nghề bởi ông Tân bày tỏ “ông Tân dạy dễ hiểu lắm, chúng tôi về áp dụng là được liền”.

Từ năm 2007 đến nay, được sự cho phép của Hội Nông dân xã Tân Phú Trung, ông Tân đã mở 15 lớp đào tạo miễn phí về làm bonsai, thiết kế sân vườn, ghép mai vàng cho nhiều cá nhân có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề như sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp, kinh doanh, dịch vụ sang sản xuất cây, hoa kiểng. Trung bình mỗi lớp học của ông có 25 học viên theo học. Sau khi kết thúc khóa học, mỗi học viên đầu tư sản xuất tại nhà, nếu có khó khăn về giống, sẽ được ông Tân hỗ trợ cung cấp và giúp học viên tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đánh giá của ông Tân, qua 15 lớp ông đã đào tạo, có 30% học viên theo nghề, lập vườn kiểng với quy mô tương đối lớn từ 5.000 đến 10.000 m2; có 50% học viên áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh cây, hoa kiểng theo hướng lấy kinh tế làm chính, không chú trọng vào việc trở thành nghệ nhân; 20% học viên còn lại áp dụng kiến thức vào việc chăm sóc cây kiểng của gia đình.

Ngoài những lớp dành cho học viên mới vào nghề, ông Tân còn mở các lớp học nâng cao cho các học viên đã biết cơ bản về Bonsai, cây kiểng làm ra các sản phẩm đẹp hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ các lớp đào tạo miễn phí của ông Tân, đã có nhiều nông dân biết vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, có việc làm ổn định và mang lại thu nhập cao.

Xuất ngoại học cách làm cây kiểng

Ông Tân hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại huyện Củ Chi, với vai trò tìm đầu ra cho hoa kiểng, bonsai trên địa bàn huyện ông Tân đã tham gia nhiều buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề do các cấp Hội Nông dân và sở, ngành Thành phố tổ chức; tham gia nhiều chuyến đi nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất hoa lan, thiết kế nhà vườn, cách tổ chức sự kiện, hội chợ triển lãm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…

Tại Thái Lan, ông được học mô hình trồng lan chuyên nghiệp, hoa lan được trồng thành từng vùng tập trung, diện tích nào cũng làm được. Ở vùng đất thấp như ruộng lúa nước, nông dân Thái Lan làm giàn treo, đi lại chăm sóc bằng những cây cầu gỗ len lỏi giữa các giàn lan. Tất cả các mô hình từ cây kiểng, phong lan, cá kiểng, hòn non bộ… đều được tổ chức tập trung thành vùng lớn. Ở Nhật Bản, ông Tân đã học  33 kiểu dáng bonsai, sau khi về nước ông đã áp dụng kiến thức học được làm ra các sản phẩm và được trưng bày giới thiệu ở 6 cuộc triển lãm. Nhờ những lần triển lãm này mà sản phẩm, thương hiệu của ông bắt đầu được cả nước biết đến.

Nhờ sự kiên trì tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư ứng dụng có chọn lọc về công nghệ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hiện gia đình ông có 100 nghìn sản phẩm bán ra thị trường, cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về trên 250 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 40 lao động tại địa phương.

Ông Tân cho hay, là một trong những người tiên phong kêu gọi những nông dân trồng cây cảnh- hoa kiểng trong và ngoài địa bàn xã tổ chức chợ phiên nông sản để giới thiệu sản phẩm cây kiểng của địa phương đến với người tiêu dùng.

“Hàng năm, vào dịp lễ 30/4, tôi phối hợp với UBND xã, Hội Nông dân xã Tân Phú Trung tổ chức chợ phiên nông sản nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương, qua đó tìm đầu ra cho sản phẩm. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay tôi còn tham gia tổ chức “Chợ phiên nông sản- Đồng hành cùng hàng Việt”, Ngày hội văn hóa thể thao nông dân Củ Chi tại Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi…”, ông Tân thông tin.

Một nguyên tắc giúp ông Tân kinh doanh thành công đó là “bán mà không buông”. Theo lý giải của ông Tân, sau khi bán một sản phẩm cho khách hàng, cửa hàng của ông vẫn tiếp tục bảo hành, chăm sóc sản phẩm đó cho khách.

Ngoài cửa hàng hoa kiểng, ông còn xây dựng website bán hàng trực tuyến, việc bán hàng qua mạng chiếm 60-70% tổng số lượng sản phẩm cây kiểng, bon sai xuất bán.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác