Mexico “siết” quy định nhập khẩu cà phê
Công văn số 133/SPS-BNNVN của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, Mexico yêu cầu hạt cà phê xuất khẩu vào nước này phải giữ tại cửa khẩu để kiểm tra cho đến khi nhận được kết quả phân tích. Nếu kết quả kiểm tra có đối tượng kiểm dịch, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy.
Trường hợp kết quả kiểm tra có côn trùng (không phải đối tượng kiểm dịch), có thể sẽ áp dụng biện pháp xử lý bằng hoạt chất Methyl bromide.
Việc sửa đổi quy định nêu trên dựa trên đánh giá nguy cơ của Cơ quan Dịch vụ chất lượng, An toàn và Sức khỏe - Nông nghiệp Thực phẩm Quốc gia (SENASICA).
Đồng thời, nước này gỡ bỏ 2 biện pháp: Yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ thủ tục lưu giữ, giám sát và tự chịu trách nhiệm; yêu cầu chẩn đoán kiểm dịch thực vật đối với nấm, vi khuẩn và cỏ dại.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các doanh nghiệp cùng những tổ chức, cá nhân liên quan có thời hạn 60 ngày để phản hồi Thông báo số G/SPS/N/MEX/439, G/SPS/N/MEX/441 của Mexico, tính từ 21/3.
Nếu Việt Nam và các quốc gia nhận thông báo không phản hồi, Mexico sẽ tự động áp dụng các quy định kiểm dịch mới theo thông lệ WTO.
Cà phê là nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sản phẩm này liên tục lập kỷ lục về giá từ đầu năm 2024 đến nay. Trong đó, Mexico là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với nông sản Việt Nam, trong đó có cà phê. Cùng với thủy sản, cà phê Việt Nam được Mexico ưa chuộng. Người Mexico tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới, với ước tính khoảng 1,7kg/người/năm.
Đặc biệt, có đến hơn 80% hộ gia đình Mexico tiêu thụ cà phê hòa tan, một sản phẩm thường được làm từ cà phê Robusta, giống cà phê chính của Việt Nam, trồng nhiều ở khu vực Tây Nguyên.
Việt Nam và Hoa Kỳ là hai quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Mexico, theo số liệu của OEC năm 2022, mỗi nước đã xuất hơn 45 triệu USD, tương đương hơn 20% dung lượng thị trường này.
Khi xuất khẩu sang quốc gia đông dân thứ 10 thế giới, doanh nghiệp Việt Nam còn hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP bởi Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời xóa bỏ thuế quan với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 từ khi CPTPP có hiệu lực.
Tổng doanh thu cà phê tại Mexico được dự báo lên tới 2,7 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh thu cho nhóm đối tượng sử dụng tại nhà (thường là cà phê hòa tan) khoảng 1,2 tỷ USD, theo Statista.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân