Phong trào nông dân

Mô hình “5 tự, 5 cùng” giúp đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng xoá nghèo

Đức Phú - 07:03 28/04/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Năm 2022, Hội Nông dân (ND) các cấp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội ND nghề nghiệp, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo ND cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của nông dân xã  Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mới

Chi hội nghề nghiệp trồng rau thôn Đà Rgiềng ở xã vùng sâu Đà Loan, huyện Đức Trọng có 30 thành viên tham gia, với diện tích trên 10ha. Phần lớn thành viên trong chi hội là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đã biết liên kết với nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cũng như hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường, tìm hướng ra cho cây rau vùng sâu. 

Ông Vy Thành Hoài Khương (tổ 5, thôn Đà RGiềng), thành viên chi hội nghề nghiệp vừa thu hoạch xong 6 sào đậu leo, đây là vụ bội thu của gia đình. 

Ông Khương phấn khởi cho biết, gia đình có 6 sào đất ruộng lúa 1 vụ, ông chuyển sang trồng đậu leo. Vừa qua, khi thu hoạch, trung bình mỗi sào được khoảng 6 tấn, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30% doanh thu, mỗi tấn đậu leo có thể lãi hơn 10 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế rõ rệt nên tới đây ông quyết định chuyển đổi thêm 4 sào cà phê để sang trồng rau màu.

“Nhờ tham gia vào chi hội nghề nghiệp trồng rau của thôn, gia đình được Hội ND cho vay vốn ưu đãi Quỹ HTND, Ngân hàng CSXH để đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun tự động”- ông Khương phấn khởi nói.

Ông Trần Bảo Nguyên, Phó Chủ tịch Hội ND xã Đà Loan cho biết: "Từ trước đến nay bà con chuyên trồng cà phê, giá cà phê thấp nhiều năm liền nên kinh tế khó phát triển. Vì vậy, nhiều ND trong xã chuyển hướng sang trồng rau thương phẩm trong nhà lưới. Tuy nhiên, cái khó cho bà con là vốn đầu tư và tìm đầu ra". 

Từ thực tế đó, Hội ND xã đã thành lập các mô hình ND liên kết như tổ hợp tác, chi, tổ hội nông nghề nghiệp... ra đời quy tụ ND cùng nhau liên kết, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. Tham gia các mô hình này, ND nhiệt tình chia sẻ nhau kinh nghiệm trồng các loại rau phù hợp với đất Đà Loan, mối thu mua, đổi công, hỗ trợ giống...; các yếu tố này giúp ích rất nhiều cho thành viên, nhất là những thành viên mới chuyển từ cây trồng khác sang trồng rau thương phẩm. Một trong những hoạt động tích cực nhất của tổ là tìm kiếm đầu ra ổn định, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để thành viên an tâm sản xuất. Đặc biệt, Hội ND huyện Đức Trọng đã giới thiệu để chi hội trồng rau Đà Rgiềng hợp tác với Công ty TNHH Orion Vina về tổ chức liên kết sản xuất hợp đồng trồng và tiêu thụ khoai tây vụ Đông.

Hiện, chi hội nghề nghiệp trồng rau thôn Đà Rgiềng chuyên sản xuất các loại rau, màu như súp lơ, cải các loại, hành, ớt, khoai tây, đậu, cà chua… Tùy vào từng loại rau màu canh tác, người trồng rau đạt lợi nhuận từ 70 triệu đồng/sào/năm. 

Ông Vy Huyền Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng rau thôn Đà Rgiềng chia sẻ: "Tham gia sinh hoạt chi hội, chúng tôi cùng chia sẻ kinh nghiệm để đạt sản lượng cao, tiết kiệm chi phí, trao đổi để tránh trồng cùng một loại rau dẫn đến khó tiêu thụ. 
Bây giờ diện tích đất canh tác bà con chuyển trồng rau màu rất nhiều, riêng ở thôn Đà RGiềng đã có hơn 50ha, nhiều người mong muốn tham gia chi hội, nên trong thời gian tới số lượng thành viên cũng như diện tích của chi hội sẽ tăng lên đáng kể. 

Tương tự, Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trao đổi tình hình địa phương, anh K’Tiếu - Chi hội trưởng ND thôn Đạ Nhar cho biết: "Đạ Nhar là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Quốc Oai, 99% là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Trình độ học vấn của người dân còn hạn chế, thu nhập chủ yếu của bà con dân tộc từ cây điều và lâm sản phụ từ rừng. Thực hiện chủ trương của huyện chuyển đổi cây điều già cỗi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, Hội ND xã Quốc Oai đã vận động hội viên dân tộc chuyển đổi những diện tích điều kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Nhưng khó khăn và trở ngại lớn nhất đặt ra là trồng dâu nuôi tằm là một nghề rất mới đối với bà con vùng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nghề hái măng, đốn củi”-  anh K’Tiếu nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Hội ND xã cũng phối hợp với UBND xã, Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề của huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề về trồng dâu nuôi tằm; tổ chức cho bà con trong thôn đi học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. 

Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được nhân rộng với diện tích trồng dâu hơn 11ha. Chi hội sinh hoạt 3 tháng/lần với nội dung chủ yếu trao đổi thông tin giá cả, thị trường, phòng trừ dịch bệnh cho cây dâu, con tằm… Đáng chú ý, Chi hội đã kết nối HTX dâu tằm Quốc Oai ký kết bao tiêu sản phẩm nên hội viên yên tâm sản xuất.

Đồng bào dân tộc thiểu số thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) có thu nhập ổn định nhờ nuôi tằm, trồng dâu. 

Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp vùng khó

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai màu mỡ. Tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 373.739ha. Lâm Đồng có nền nông nghiệp khá phát triển trong đó có các cây trồng chính như: Cà phê, chè, rau, hoa, dâu tằm, cây đặc sản...

Về tổ chức Hội ND Lâm Đồng có 145 cơ sở Hội/147 xã, phường, thị trấn; có 1.422 chi hội; 2.941 tổ Hội, với tổng số hội viên là 160.820  hội viên (đạt 83% so với hộ nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH T.Ư Hội ND Việt Nam, Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 22 chi hội nghề nghiệp; với 446 hội viên, 47 tổ hội nghề nghiệp với 592 hội viên tham gia. Các chi, tổ hội nghề nghiệp này đã gắn kết tốt hội viên ND miền núi tham gia. 

“Việc sinh hoạt chi, tổ Hội nghề nghiệp theo phương thức “5 tự, 5 cùng” rất phù hợp với các thành viên có cùng một loại hình sản xuất. Nhiều mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp có cách làm hay, hiệu quả. Để hỗ trợ phát triển các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND các cấp tỉnh Lâm Đồng tập trung khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Cụ thể, với 53,8 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp 33 nhóm hộ nông dân và hơn 1.000 hội viên vay vốn. Bên cạnh đó, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH ủy thác cho vay qua tổ chức Hội đến nay đạt trên 1.259,710 triệu đồng với 791 tổ Tiết kiệm và vay vốn và 30.063 hộ dư nợ”- ông Đa Cát Vinh cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác