Nơi lưu giữ kỷ vật của đoàn binh “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Quân sử oai hùng của Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52)
Lực lượng của Trung đoàn phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, họ rời tay bút, rời mái trường thân yêu, mang theo sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Những năm đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách: xa hậu phương, địa hình chiến đấu hiểm trở, rừng núi trùng điệp, dân cư thưa thớt, nguồn tiếp tế tại chỗ rất ít, chiến sỹ ta phần đông từ đồng bằng, thành phố lên, lần đầu hoạt động trên chiến trường rừng núi, không quen khí hậu khắc nghiệt của vùng cao nên ốm đau nhiều. Nhiều cán bộ, chiến sỹ vừa hành quân, vừa phải chống chọi với cơn sốt rét. Có đại đội đến 70% quân số đau ốm mà không có thuốc chữa trị nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, đức hi sinh và lòng quả cảm, tình cảm yêu thương của bà con các dân tộc thiểu số, bộ đội ta đã vượt lên tất cả để dành thắng lợi.
Đơn vị Tây Tiến đầu tiên là đại đội Vệ quốc đoàn do các đồng chí Anh Đệ, Tuấn Sơn và Lam Ngọc chỉ huy đưa quân từ Hà Nội lên Mộc Châu. Đây là một điểm của bộ đội Tây Tiến tập kết từ xuôi lên rồi tỏa đi các mặt trận Tây Bắc biên giới Việt Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 7/10/1945, đồng chí Lê Hiến Mai, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng chiến khu ll, cùng đặc phái viên của Chính phủ và trợ lý Thanh Tùng lên tới Mộc Châu, được tin Alechxandri đã về chiếm đóng thị xã Sầm Nưa. Đồng chí nhận định đây là một mối đe dọa trực tiếp đối với Tây Nam Sơn La, nhất là Mộc Châu, vì nếu từ Sầm Nưa chúng đánh sang chiếm được Mộc Châu thì Sơn La sẽ bị cô lập, nên đã báo cáo về Hà Nội xin Chỉ thị của Trung ương Đảng.
Ngày 12/10/1945, sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, đến ngày 15/10/1945 đồng chí Lê Hiến Mai ra lệnh cho tiểu đoàn 52 (tiền thân của Trung đoàn Tây Tiến) chuyển hướng sang Lào thực hiện nghĩa vụ Quốc tế.
Ngày 22/10/1945, tiểu đoàn 52 giải phóng Sầm Nưa và đánh đuổi địch chạy về Xiêng Khoảng, đại đội ở Phú Thọ do đồng chí Nguyễn Duy Phiên làm đội trường được lệnh tiến lên thị xã Sơn La vào hạ tuần tháng 10/1945, đồng chí Trần Quang Thường được cử lên làm chính trị viên.
Tháng 11/1945, nhân dân các dân tộc Mộc Châu, Sơn La tiếp đón chi đội 3 của Trung đoàn do đồng chí Lê Trọng Tấn làm chỉ huy, cùng lên có đại đội Vệ quốc đoàn của Hà Nam và đại đội Vệ quốc đoàn của Nam Định. Đầu năm 1946, đồng chí Hoàng Sảm triệu tập các cán bộ chủ chốt của Trung đoàn, đại diện ban cán sự và Ủy ban hành chính tỉnh Sơn La công bố quyết định thành lập Ban chỉ huy Trung đoàn Sơn La.
Tháng 11/1946, đồng chí Lê Trọng Tấn được Trung ương cử lên Sơn La lần thứ 2 để thay cho đồng chí Phùng Thế Tài làm trung đoàn trường. Ngày 01/02/1947, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư động viên bộ đội Tây Tiến.
Ngày 27/02/1947, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia quyết định thành lập mặt trận Miền Tây do đồng chí Hoàng Sâm (Khu trưởng chiến khu II), đồng chí Lê Hiến Mai (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng chiến khu II) trực tiếp chỉ huy mặt trận Tây Tiến. Trung đoàn Tây Tiến do đồng chí là Chu Đốc Trung đoàn trường, đồng chí Hùng Thanh là Chính ủy, "Đội vũ trang trinh sát miền Tây là nòng cốt của Trung đoàn.
Ngày 25/4/1947, quân Pháp nhảy dù chiếm đánh Mộc Châu, Trung đoàn phải rút quân sang Tây Nam Phú Thọ để bảo toàn lực lượng, đến ngày 16/5/1947 đổi thành Trung đoàn 52. Đến cuối năm 1947, Trung đoàn 52 Tây Tiến chuyển về đóng quân trên đất Hòa Bình và chuyển phương thức hoạt động: Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung theo chủ trương của Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ IV họp từ ngày 27 đến ngày 29/9/1947. Tháng 6 năm 1949, Trung đoàn 52 Tây Tiến đổi tên thành Trung đoàn 12 thuộc liên khu 3. Tháng 01/1951, trước yêu cầu xây dựng Đại đoàn Đồng Bằng ( Sư đoàn 320), Trung đoàn 52 mới được thành lập trên cơ sở ba tiểu đoàn bộ binh D351 (tách ra từ Trung đoàn 12 – Tỉnh đội Hòa Bình), D337 và D391 (thuộc Trung đoàn 9 Liên khu IV).
Trải qua các lần chia, tách, sát nhập, các chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, là Trung đoàn “Quyết chiến, Quyết thắng”, xứng đáng với danh hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Toàn cảnh Khu lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) nằm tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, là nơi lưu giữ kỷ vật về đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). (Ảnh tư liệu Khu di tích)
Khu nhà truyền thống Khu lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) được xây dựng theo kiểu mẫu nhà sàn mà bạn thường thấy ở các dân tộc miền núi Tây Bắc. Bên trong nhà được chia làm các phần khác nhau, bao gồm: Tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu trưng bày vật kỷ niệm của binh đoàn Tây Tiến từ xưa đến nay và đặc biệt nhất là nhiều tư liệu, hình ảnh quý giúp du khách hình dung trọn vẹn hình ảnh của “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc. Quân xanh màu lá dữ oai hùm” ngày xưa.
Tượng bán thân chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng, tác giả bài thơ Tây Tiến nổi tiếng.
Đoạn đường lên di tích được thiết kế với 52 bậc theo hình dạng zic zắc, mô phỏng lại con đường hành quân gian truân, đầy gian khó của người lính Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa về sự kiên trì vượt khó khăn, chông chênh của người lính. Trải qua đoạn đường bậc thang này, bạn mới có thể chiêm ngưỡng nơi đẹp nhất, quan trọng nhất của di tích.
Khu tưởng niệm chính của di tích, được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê chụm đầu vào nhau tượng trưng cho hình ảnh “súng ngửi trời”, thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, chung ý chí đấu tranh của những người lính. Đây là nơi nhân dân và du khách thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ của đoàn quân Tây Tiến.
Bên phải Khu tưởng niệm chính còn có một Thạt Luổng - một biểu tượng văn hóa tinh thần đoàn kết của nhân dân Lào. Trên Thạt Luổng ghi dòng chữ bằng hai ngôn ngữ Lào – Việt Nam với nội dung: Nhân dân Hủa Phăn mãi mãi nhớ thương đoàn quân TÂY TIẾN (Ủy ban Nhân dân tỉnh Hủa Phăn). Phía dưới là trích đoạn bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng với câu thơ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải hoàn môn”, là biểu tượng cho những chiến công, cũng như ước vọng về ngày chiến thắng của đoàn quân Tây Tiến. Mái của Nhà bia ghi danh được thiết kế bằng kính để đón ánh sáng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Dưới cổng “Khải hoàn môn”, mặt trước bia trích một phần nội dung bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến từ những ngày đầu thành lập, mặt sau ghi lại những chiến công theo dòng lịch sử của những chiến sỹ Tây Tiến.
Đài vọng tưởng là một trong những khu vực đặc sắc với không gian được bao bọc hoàn toàn bằng kính trong suốt. Mỗi khi đứng trên đài vọng tưởng, bạn có thể nhìn đồn Mộc Ly ở phía xa xa với hệ thống phòng thủ vô cùng chặt chẽ, bao gồm 9 lô cốt bê tông kiên cố.
Đứng trên Đài Vọng tưởng, với tầm nhìn bao quát, du khách có thể chứng kiến một Mộc Châu đang phát triển, thay đổi từng ngày với nhiều nhà cao, đường lớn, xe cộ tấp nập… như một minh chứng hùng hồn: sự hy sinh của bao liệt sỹ anh hùng trên mảnh đất này không hề vô nghĩa. Các anh đã ngã xuống để cho Mộc Châu nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung đứng lên trong độc lập, tự do, hạnh phúc.
Với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn đó, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 4012 công nhận Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến là Di tích Quốc gia.
Khu lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) mỗi năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52) anh hùng đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước, cho độc lập, tư do của dân tộc.