Tạp chí Nông thôn mới trao quà Tết cho nông dân khó khăn tại Cao Bằng
Hoạt động này nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” để hỗ trợ chăm lo cho các gia đình nông dân nghèo được đón Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, đầm ấm.
Theo nhà báo Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, đây là hoạt động thường niên của Tạp chí Nông thôn mới, món quà tuy nhỏ nhưng ấm áp tình thân, hỗ trợ người nghèo có cái Tết ấm cúng, đầy đủ, sung túc hơn.
Tại buổi trao tặng, ông Trần Văn Thành – Bí thứ Đảng ủy xã Phong Nặm (huyện Trùng Khánh) cho biết: Phong Nặm là xã vùng III biên giới, tiếp giáp với trấn Nhâm Trang nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với chiều dài đường biên 7,23km, toàn xã có 343 hộ dân với 1445 nhân khẩu; 99% hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.
Trong năm 2021 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tác động không nhỏ tới đời sống của nhân dân và quá trình lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn xã. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc, dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, dịch viêm da nổi cục trên địa bàn xã đã bùng phát trở lại gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế của người dân.
Tính đến hết năm 2021 xã Phong Nặm còn hơn 29,5% là hộ nghèo. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của xã là mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%, tuy nhiên đây vẫn là bài toán còn khó khăn đối với xã. Trong năm 2022, xã sẽ tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế như: Vận động nhân dân trồng hết diện tích, thâm canh tăng vụ, tích cực chăm sóc bảo vệ cây trồng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi tăng cường công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT) về cây trồng, vật nuôi cho nhân dân, nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao KHKT cho các hộ gia đình...
Đối với công tác tổ chức tặng quà động viên các hộ nghèo trên địa bàn của xã Phong Nặm, ông Thành cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn khi Tết Nguyên đán đang đến gần, giúp những hộ nghèo nhận được nhận quà sẽ có thêm niềm vui, một cái Tết đầm ấm hơn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, anh Triệu Văn An, thôn Giốc Rừng (xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh) cho biết, năm nay anh 28 tuổi, sau một vụ tai nạn, anh trở thành hộ nghèo của xã. Cách đây 2 năm trong một lần tham gia giao thông gặp tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não, mọi người trong gia đình tưởng anh không thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nằm viện cả tháng trời ở Hà Nội, bao nhiêu tiền của tích cóp của hai vợ chồng sau mấy năm lấy nhau lũ lượt ra đi cũng không đủ chạy chữa, còn phải vay mượn người thân hai bên nội ngoại. Đến nay, dù anh đã được cứu sống nhưng sức khỏe yếu, không làm được những việc nặng nhọc. Vợ anh đi làm để nuôi sống cả gia đình gồm 4 người. "Được nhận quà trong dịp Tết này, tôi hy vọng đem lại niềm vui cho các con, chúng sẽ có cái Tết ấm no, không bị thiệt thòi" - anh An chia sẻ thêm.
Chị Hoàng Thị Ngân (xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh) cũng có hoàn cảnh éo le, chồng mới mất cách đây 2 tháng vì bị ung thư gan, để lại chị với đứa con nhỏ đang học lớp 5 và người bố chồng có bệnh thần kinh. Khoản nợ nần thuốc thang cho chồng sau một thời gian dài điều trị bệnh mà vẫn không qua khỏi, đã làm gia đình chị trở lại diện hộ nghèo. Giờ chị là trụ cột của gia đình. Chị bày tỏ cảm ơn Tạp chí Nông thôn mới và đoàn từ thiện rất nhiều vì nhận được món quà Tết động viên đúng lúc.
Nhiều năm đều thuộc diện hộ nghèo, ông Sùng Văn Dẻ (xóm Lũng Mới, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng) năm nay đã 62 tuổi chia sẻ: Gia đình ông có 7 người lớn, 1 trẻ nhỏ, quanh năm suốt tháng chăm chỉ trồng ngô, nuôi lợn, chăn bò nhưng vẫn không đủ ăn, mỗi năm có đến 2 tháng thiếu lương thực, nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo, cũng không biết phải làm thế nào để gia đình có thể bớt khổ.
"Tôi rất phấn khởi khi được nhận quà vào dịp Tết, cảm ơn chính quyền, tổ chức Hội đã quan tâm. Tôi mong muốn được hỗ trợ thêm về giống, phân bón và kỹ thuật trồng trọt để gia đình có thể nâng cao nguồn thu nhập, thoát được cảnh nghèo, mong có một cái Tết vui" - ông Sùng Văn Dẻ nói thêm.
Ngoài việc tặng quà cho các hộ nghèo ở xã Quý Quân, Đoàn công tác từ thiện của Tạp chí Nông thôn mới còn đem đến một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu tặng cho các cháu Trường Tiểu học xã Quý Quân. Ông Đàm Văn Mến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học chia sẻ: Trường tiểu học Quý Quân nằm ở nơi vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn, hiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn nhiều, đa số các em vẫn thuộc hộ nghèo. Một số em đi học rất xa, nhiều hôm trời mưa rét gặp nhiều khó khăn trong việc đến trường.
"Được Tạp chí và các mạnh thường quân hỗ trợ, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, đặc biệt trong dịp Tết này. Đây là món quà ý nghĩa để tiếp sức cho các em tiếp tục đến trường và học tập tốt hơn. Thay mặt nhà trường và các em học sinh, tôi bày tỏ lòng cảm ơn đến Tạp chí Nông thôn mới và các nhà tài trợ đã quan tâm và mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ để các em học sinh không bị thiệt thòi, có tuổi thơ vui tươi, đầm ấm bên gia đình.
Phát biểu tại buổi trao tặng, Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Huyền hy vọng món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, có thể góp phần động viên chia sẻ khó khăn với bà con nông dân vùng biên và các em học sinh. Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các doanh nghiệp, nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Uniben, Công ty Báo Sáng, Cơ sở Gà giống Thoa Tuyết… đã đồng hành cùng Tạp chí Nông thôn mới để góp phần đem đến niềm vui, ấm áp tình người đến các hộ nông dân nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.