Diễn đàn

Mong một năm thuận buồm, xuôi gió

13:04 03/02/2022 GMT+7
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Tường ở phường Trang Hạ, TX. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là một trong 63 nông dân xuất sắc năm 2021.
Ông Trần Văn Tường.

Với mô hình nuôi gà giống đẻ trứng, diện tích 3.400m2, nuôi 18.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín, hàng năm cung cấp cho thị trường trong nước hàng triệu con gà giống, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương và lợi nhuận thu về khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Nhân dịp đầu Xuân 2022, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Trần Văn Tường, người cầm tinh con Hổ (năm 1962 -Nhâm Dần) về những kỳ vọng của ông trong năm mới Nhâm Dần này. 

Trải qua năm 2021 dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, cơ sở sản xuất của ông đã gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Hơn một năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc sản xuất kinh doanh của gia đình cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… đã ngừng nhập gà giống do vận chuyển khó khăn vì thực hiện giãn cách xã hội và đầu ra của gà thịt tiêu thụ trên thị trường rất chậm nên họ không dám đầu tư nhiều. Chính điều này đã ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất giống như của gia đình tôi. Chẳng hạn một hộ chăn nuôi nhập từ 5-7 nghìn con gà giống nuôi thịt trong vòng từ 100 - 120 ngày là có thể xuất bán, nhưng hiện nay đầu ra không bán được, chi phí thức ăn tăng cao… nên thực sự người chăn nuôi rất vất vả, thua lỗ là điều có thể nhìn thấy. Trước họ có thể nuôi cả vạn gà, nhưng năm nay còn chưa đến 1.000 con”.

Ông Tường kiểm tra trứng trước khi đưa vào lò ấp.

Trước tình hình khó khăn như vậy, cơ sở chăn nuôi của ông có cách gì để khắc phục và trợ giúp cho các hộ chăn nuôi?

Trong chăn nuôi rủi ro rất chi là lớn, đặc biệt năm nay, mặc dù khó khăn là vậy, nhưng tôi luôn tìm cách để có thể tạo ra gà giống chất lượng đồng đều, khỏe đẹp, đàm bảo cho nông dân nuôi đạt hiệu quả cao. Tôi chỉ lấy tinh từ những con giống đực giống khỏe mạnh, đẹp mã và không có bệnh. Trước đây, tôi thả theo chuồng, 1 vạn con gà bố mẹ tôi phải dùng tới 1.000 con đực, nhưng bây giờ tôi tiến hành thụ tinh theo khoa học, 1 vạn gà chỉ cần dùng hơn 100 con đực. 

Hiện gia đình tôi đang lai tạo 2 dòng gà giống với tỷ lệ đẻ trứng cao từ 70-80%, đó là gà mái Ai Cập vằn lai với gà trống Leghorn để tạo ra giống gà màu trắng, tỷ lệ đẻ trứng bình quân trên 70%; thứ hai là gà mái ISA Brown với Leghorn ra con màu trắng nhưng tỷ lệ đẻ trứng cao hơn từ 81-83%, lúc đỉnh cao gà đẻ tới 90%.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường giống gia cầm, gia đình tôi thường xuyên phải nhập ngoại giống gà bố mẹ. Đàn gà giống đẻ tháng đầu tôi loại bỏ, chỉ khai thác 6-7 tháng là thay đàn mới. 

Trong bối cảnh dịch Covid - 19 như hiện nay thì trứng gà Ai Cập bán được giá cao trên 4.000 đồng/quả, nên người chăn nuôi tập trung nuôi gà đẻ trứng lợi thế hơn so với gà thịt. Đặc biệt, muốn thành công phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vaccine và để tâm chăm sóc đàn gà để đảm bảo gà không bị bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.

Lao động làm việc  tại cơ sở của ông Trần Văn Tường có mức thu nhập từ 6 - 30 triệu đồng/tháng.

Năm Nhâm Dần 2022, theo quan niệm của người xưa sẽ là năm tuổi của ông, vậy mong muốn và kỳ vọng của ông cho năm mới là gì, thưa ông?

Trong gần 2 năm qua, gia đình tôi đã cố gắng để không bị lỗ. Hy vọng dịch bệnh Covid - 19 sẽ sớm được kiểm soát. Dù đã bước sang tuổi 60, có thể nghỉ hưu nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Tôi hy vọng được chính quyền tạo điều kiện về thủ tục, địa điểm để đầu tư vào cơ sở sản xuất theo quy trình khép kín, vừa làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho xã hội, đất nước. Đặc biệt, được Hội ND giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện để vay vốn với lãi suất thấp.

Với tôi, năm tuổi không nói trước được điều gì nhưng hy vọng, mong muốn một năm “thuận buồm, xuôi gió”.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tuệ Anh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác