Công tác Hội

Hội thảo về xây dựng đề án Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Tuệ Anh - 16:09 04/07/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 4.7.2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu tham gia.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có bà Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN); đại biểu đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương liên quan và lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội NDVN; Hội ND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu đóng góp ý kiến, thảo luận để xây dựng đề án phù hợp và phát huy hiệu quả.

Việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 18/3/2022 Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ thứ năm khóa IX, giá trị và vai trò của kinh tế tập thể, HTX đã khẳng định sự phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đã và đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, trong những năm qua, Hội NDVN luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức “5 tự”, “5 cùng”, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Đến nay cả nước đã có 3.645 chi hội nông dân nghề nghiệp với 112.594 hội viên, 36.363 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên, nông dân được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố và theo nghề nghiệp; qua đó, tập hợp, thu hút hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ, tạo tiền đề phát triển kinh tế tập thể, HTX ở địa phương.

Đến hết năm 2022, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có 2.398 HTX nông nghiệp và 19.976 tổ hợp tác nông nghiệp; trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu VietGAP.

Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cũng nhận định: Thực tế hiện nay cho thấy quy mô các HTX còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do vai trò của Hội tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được quan tâm thể chế hóa trong quy định của pháp luật; nguồn lực dành cho các cấp Hội trong tổ chức các hoạt động tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn hạn chế.

Để hoàn thiện hồ sơ Đề án, bà Cao Xuân Thu Vân đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề trọng tâm như làm rõ các quan điểm của Đề án, sự phù hợp, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể; mục tiêu của Đề án, tính khả thi của các chỉ tiêu cụ thể trong Đề án và sự phù hợp, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Đề án.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bình Thuận tham gia ý kiến trực tuyến tại hội thảo. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trên thế giới hiện nay số lượng HTX giảm dần nhưng số lượng thành viên lại tăng lên. Ở Việt Nam thì ngược lại, số lượng HTX tăng lên nhưng quy mô lại nhỏ và hiện nay mới chỉ có 22% lao động nông nghiệp tham gia vào HTX. Chính vì vậy, việc xây dựng Để án làm sao để thu hút, lôi kéo, vận đông nông dân tham gia vào HTX, để phát huy bản chất của HTX và phát huy chức năng nhiệm vụ của Hội ND.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, muốn làm tốt công tác vận động nông dân tham gia vào HTX, hệ thống Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung vào 5 vấn đề cụ thể như: Thứ nhất, cần tuyên truyền cho ND hiểu được bản chất của HTX, chủ trương chính sách, vận động để HV tham gia vào HTX nông nghiệp. Thứ hai là cần đào tạo cán bộ Hội ND cấp xã trang bị kiến thức về HTX để tuyên truyền vận động nông dân vào HTX. Thứ ba là, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX giúp họ có năng lực, phương pháp, cách thức quản lý hoạt động của HTX. Thứ tư, Hội ND là thành lập các mô hình kinh tế tập thể đặc trưng như tổ, chi hội nghề nghiệp, hội quán, CLB tỷ phú nông dân, CLB Nhà khoa học của Nhà nông… đây chính là tiền để để phát triển kinh tế tập thể. Thứ năm là tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đúng với chức năng, nhiệm vụ của Hội ND.

Tham luận trực tuyến tại hội thảo, đại diện của lãnh đạo Hội ND TP. Hà Nội cho biết, về cơ bản nhất trí với bố cục và nội dung của Đề án, tuy nhiên để bố cục và nội dung đề án được rõ ràng, sát với thực tiễn hơn, trong "Phần 1: Những kết quả đạt được", nên bổ sung thêm từ “tuyên truyền” vào cụm từ: “Hàng năm Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch “tuyên truyền, vận động”. Vì công tác tuyên truyền quan trọng, giúp hội viên nông dân hiểu về HTX, có những lợi ích gì thì họ mới muốn vào. Trong phần nêu hạn chế trong dự thảo đề án, cần bổ sung thêm 1 hạn chế đó là: Đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ Hội ở cơ sở luôn có sự biến động; kỹ năng, năng lực vận động quần chúng còn hạn chế nên việc hướng hướng, tổ chực hiện nhiệm vụ công tác hội nói chúng, nhiệm vụ thành lâp các THT, HTX còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; việc hướng dẫn hoạt động các HTX, THT do Hội ND các hỗ trợ thành lập chưa được quan tâm đúng mức…

Đại diện lãnh đạo Hội ND tỉnh Hậu Giang tham gia ý kiến thông qua điểm cầu trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Trên cơ sở dự thảo Đề án của Hội Nông dân Việt Nam, ông Trần Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) góp ý: Nội dung của Tờ trình cần phải trình bày lại ngắn gọn, logic, không nên lặp đi lặp lại. Đặc biệt, đối với các chỉ tiêu cần phải rà soát thật kỹ, có khả năng thực hiện và tham gia ở mức độ nào, đề nghị bộ phận biên tập Đề án và Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN cần cân nhắc điều chỉnh cho hợp lý.

Đối với trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, ông Hải cũng thống nhất với ý kiến của đại diện Hội ND các tỉnh, thành đã phát biểu, là nên đưa thêm Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… để có sự hợp tác, phối hợp. Ông Trần Hải hi vọngTrung ương Hội NDVN tiếp tục biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành và các tham luận từ Hội ND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức phát biểu trực tiếp và tham luận bằng văn bản.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN đánh giá cao về chất lượng các ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; ý kiến tham luận của Hội ND các tỉnh, thành phố; sự chuẩn bị của bộ phận biên tập Đề án, tổ thư ký Hội thảo cũng như các điểm cầu tham gia Hội thảo. Trên cơ sở góp ý tại Hội thảo lần này, Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đề nghị Ban Biên tập Đề án tiếp thu, chỉnh sửa để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án mang tính khoa học, chuyên nghiệp, có uy tín cao. Vị chủ trì hội thảo cũng đề nghị các Hội ND tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương tiếp tục đóng góp ý kiến để có thêm chất liệu chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác