“Ba nội dung cốt lõi” trong xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam hiện nay
Ba cốt lõi gồm vị thế, vai trò, năng lực của nông dân làm tiền đề để nâng cao đời sống nông dân
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông dân Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết như:
Một là, vị thế, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới có nơi, có lúc chưa được coi trọng. Về lý luận, Đảng ta quan niệm giai cấp nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau (thực lực kinh tế, địa vị chính trị, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật có mặt còn thấp...), nông dân là người yếu thế trong các quyết định quan trọng ở nông thôn. Ở một số nơi, nông dân phải đóng góp các khoản xây dựng nông thôn mới vượt quá khả năng của họ. Trong các chương trình, dự án phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhiều khi tiếng nói, ý kiến của nông dân cũng chưa được coi trọng đúng mức. Đất nước càng phát triển, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá diễn ra càng nhanh thì vai trò của nông dân càng mờ nhạt. Bởi lẽ, theo quy luật tự nhiên, vị thế chính trị của một giai cấp do vị thế kinh tế của giai cấp đó quy định.
Chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm càng xanh giúp nông dân xã Đồng Trạch (Bố Trach, Quảng Bình) có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Ảnh I.T
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa làm cho tỷ trọng của nông nghiệp, số lượng nông dân, địa bàn nông thôn ngày càng thu hẹp. Người nông dân đang đối diện những thách thức nghiệt ngã, nếu không có chính sách đúng sẽ dẫn đến nguy cơ bị đẩy vào thế bất lợi. Không ít nơi, nông dân “bỏ” ruộng không sản xuất, “bỏ” quê hương đến đô thị tìm việc làm, tạo ra tình trạng di cư tự do, bất ổn xã hội. Ngay cả khi rời bỏ quê hương, thân phận của họ vẫn là những người làm thuê, sống bấp bênh ở nơi đô thị, nhiều người trong số họ không có việc làm, nhà cửa ổn định, không có bảo hiểm phòng ngừa rủi ro.
Hai là, năng lực làm chủ của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn có một số mặt còn bất cập. Phần đông nông dân chưa đủ năng lực, thói quen tìm hiểu nhu cầu của thị trường để lựa chọn mặt hàng, công nghệ sản xuất, chế biến mà chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dựa trên kinh tế hộ, chính vì vậy, năng suất lao động xã hội thấp, thu nhập không ổn định. Thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp chỉ bằng 1/3 thu nhập của lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TW cho thấy, mức sống, thụ hưởng các thành quả phát triển đất nước giữa giai cấp Nông dân với các giai cấp, tầng lớp khác, giữa thành thị và nông thôn còn khoảng cách khá xa. Tỷ lệ hộ nghèo giữa vùng đồng bằng và miền núi, giữa vùng đô thị và nông thôn ngày càng chênh lệch; đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, ngành nghề phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nông dân, nông thôn. Văn hóa – xã hội nông thôn nhiều nơi biến đổi theo hướng tiêu cực, tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, văn hóa lai căng, mê tín dị đoan... có lúc, có nơi gia tăng.
Ba là, đời sống, sản xuất gặp nhiều rủi ro nhưng hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế, chưa thực hiện được chức năng bảo đảm cuộc sống cho nông dân. Nghị quyết 26-NQ/TW nêu mục tiêu: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn... Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn”. Tuy nhiên, đến nay, chưa có cơ chế pháp lý vững chắc bảo đảm việc làm, thu nhập, mức sống tối thiểu cho nông dân. Số lượng nông dân tham gia các loại hình bảo hiểm còn thấp (1); việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở... còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện nhưng phạm vi còn hẹp, sản phẩm chưa hấp dẫn, phí bảo hiểm cao, quy trình, thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường còn phức tạp cho nên nông dân chưa hăng hái tham gia. Nông dân nhiều nơi đứng trước nghịch cảnh “được mùa mất giá”, luôn trong trạng thái chờ giải cứu nông sản. Trong những năm sắp tới, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, các hiệp định thương mại tự do... khiến nông dân sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Nguyên nhân của thực trạng này rất đa dạng, nhưng có thể khái quát ở mấy điểm chính sau: (1) Cấp uỷ, chính quyền ở một số nơi chưa nhận sâu sắc, quyết tâm chính trị chưa đủ mạnh để khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Không phải không có trường hợp, tạm thời hy sinh lợi ích trước mắt của nông dân để ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. (2) Sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay phổ biến là quy mô nhỏ (có khoảng 9.123,02 nghìn đơn vị sản xuất nông nghiệp (nông, lâm, thuỷ sản) thì có tới 9.108,13 nghìn đơn vị là hộ nông dân (2). Trong bối cảnh kinh tế thị trường, cạnh tranh quốc tế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. (3) Công tác đào tạo nghề cho nông dân còn nhiều bất cập, nội dung, chương trình, chất lượng đào tạo không sát với yêu cầu của nông dân, thị trường lao động. (4) Đặc điểm tâm lý, lối sống truyền thống của nông dân có những mặt không phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. (5) Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu khó khăn cho sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Những quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu được xác định để “nâng cao” ba nội dung cốt lõi
Để nâng cao vị thế, vai trò, năng lực, đời sống của nông dân đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định một số quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu sau:
Về quan điểm chỉ đạo: (1) Tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược lâu dài của nông dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là quan điểm xuyên suốt, thể hiện thái độ của Đảng ta với giai cấp Nông dân. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh), dù quá khứ, hiện tại hay tương lai, nông dân vẫn là lực lượng quan trọng trong bảo đảm, thực hiện các nhiệm vụ đó. (2) Xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp Nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. (3) Hội nghị Trung ương Năm khóa XIII đã cụ thể hóa những yêu cầu năng lực, phẩm chất của nông dân trong giai đoạn hiện nay như: Nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh, có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường, được thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ tiệm cận với đô thị. (4) Xây dựng giai cấp Nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp Nông dân.
Về mục tiêu: Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định đến năm 2030 nông dân và người dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình nông nghiệp, nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2045, nông dân và người dân nông thôn văn minh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Những mục tiêu này bám sát quan điểm Đại hội XIII của Đảng về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Về nhiệm vụ, giải pháp: Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra 5 nhóm giải pháp lớn, trong đó có những giải pháp trực tiếp cho nông dân, có những giải pháp chung cho cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có thể khái quát thành những nhóm chính sau:
Một là, nhóm giải pháp về kinh tế, tổ chức sản xuất: (1) Vấn đề hàng đầu là phải đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ, học vấn, năng lực làm chủ của nông dân và người dân nông thôn. Đây là giải pháp có tính quyết định, nếu không nâng cao được trình độ, năng lực cho nông dân và người dân nông thôn thì không thể cải thiện được vị thế, đời sống nông dân. (2) Đổi mới hình thức tổ chức, nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ đáp ứng yêu cầu của thị trường. (3)
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân nông thôn; (4) Đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để nông dân và người dân nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hai là, nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp; khắc phục tình trạng bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. (2) Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu cụ thể là tăng đầu tư giai đoạn 2021-2030 ít nhất gấp hai lần so với giai đoạn 2011-2020. (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của hộ nông dân. Xây dựng chính sách đủ mạnh để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thu hoạch nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nhiepanhdoisong
Ba là, nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực: (1) Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường... làm cho khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. (2) Hỗ trợ thành lập các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. (3) Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. (4) Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới; Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới.
Bốn là, nhóm giải pháp về chính trị - xã hội: (1) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (2) Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (3) Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. (4) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tự quản cộng đồng tham gia chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nông dân. (5) Thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm bảo đảm đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như tinh thần Đại hội XIII của Đảng nêu ra.
Điểm nổi bật của Hội nghị Trung ương Năm khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đặt vấn đề nâng cao năng lực, vị thế, vai trò làm tiền đề để nâng cao đời sống nông dân. Mục tiêu cao nhất của chính sách “tam nông” là phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống nông dân và người dân nông thôn.
(*) Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện CTQG HCM;
(*) Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội NDVN
(1). Năm 2020, có khoảng 1,1 triệu người (2,2%) người là nông dân và lao động phi chính thức trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(2). Để nâng cao đời sống, nông dân cần hoà vào cuộc cách mạng chuyển đổi số (hoinongdan.org.vn)
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững