Công tác Hội

Nâng cao bản lĩnh để nhận diện và xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Hồng Châu - 16:01 26/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 26/10/2022, tại Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Phòng 3, A05 (Bộ Công an) đã giới thiệu chuyên đề “Nhận diện và xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội”. Đây là 1 trong 2 chuyên đề quan trọng được trình bày tại Hội nghị chuyên đề Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin xấu, độc góp phần tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” 

Truyền đạt nội dung chuyên đề, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Phòng 3, A05 Bộ Công an đã giới thiệu tới các đại biểu cách nhận diện thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, nếu như trước đây người dân tiếp xúc với các nguồn thông tin thông qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình… thì hiện tại, từng người đang phải đối mặt với thông tin xấu độc hàng ngày, hàng giờ.

Thông tin xấu độc thường được các thế lực có tiềm lực, các tổ chức tội phạm, gián điệp nước ngoài, các cá nhân bất đồng chính kiến đưa lên mạng xã hội nhằm thực hiện những mục đích gây nhiễu loạn, bất ổn xã hội.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Phòng 3, A05 Bộ Công an đã giới thiệu tới các đại biểu cách nhận diện thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Hiện nay, thông tin xấu độc sẽ tìm đến từng ngời. Người sử dụng được công nghệ hỗ trợ tìm kiếm thông tin, mạng xã hội sẽ nhanh chóng lan toả những thông tin nóng, trực tiếp. Khi người dùng nắm bắt thông tin xấu độc, dễ dẫn đến thay đổi cách nhìn nhật về sự việc, quá trình cực đoan hoá bắt đầu xảy ra, từ đó hình thành nên sự sai lệch trong nhận thức, thay đổi niềm tin, thay đổi hành vi ứng xử.

Thông tin xấu độc phát tán nhanh chóng trên mạng với tốc độ lan truyền rộng còn do sự cạnh tranh giữa các nguồn phát tán, tạo ra sự lây lan cảm xúc của người nhận. Đặc biệt, với việc tham gia mạng xã hội, tất cả người dùng đều đang là nguồn phát tán thông tin, luôn có sẵn công cụ hỗ trợ xuất bản thông tin như máy tính, điện thoại thông minh… từ đó thông tin được đưa lên mạng xã hội khó kiểm soát được tính chính xác, sự trung thực của nguồn tin, đồng thời cũng khó xử lý thông tin xấu độc bằng những công cụ hành chính, pháp luật. Sau khi lan truyền, nhiều người sẽ bị “nhiễm độc” thông tin, là nạn nhân của các nguồn tin này. Mặt khác, tính ẩn danh trên mạng xã hội làm cho mức độ cực đoan của người dùng cao hơn bình thường.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường cũng nêu ra những nguyên nhân, nguồn gốc của thông tin xấu độc. Theo đó, có 6 nguyên nhân chính, đó là: Sự mâu thuẫn, khác biệt về tôn giáo; yếu tố lịch sử, tư tưởng xét lại lịch sử, diễn giải sự kiện không phù hợp bối cảnh lịch sử; mâu thuẫn chính trị, tranh giành quyền lực; liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; những khác biệt về văn hoá, sắc tộc, vùng miền; liên quan đến lòng tốt – sự sợ hãi do người dùng thiếu thông tin, kiến thức về vấn đề, sự kiện trong thông tin tiếp nhận.

Hiện nay, các cá nhân bất đồng chính kiến, tổ chức phản động luôn có mục tiêu, động cơ chính trị để triển khai bài bản, kéo dài việc đưa thông tin xấu độc trên mạng xã hội nhằm tấn công vào uy tín của các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xúi giục hạ bệ, bôi xấu lãnh đạo cấp cao, xuyên tạc bản chất sự việc.

Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện: Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch”.

Thực tế cho thấy, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của không ít người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt trên chặng đường đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp. Một số cá nhân (có những người trước đó là anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là những nhà khoa học có tầm cỡ được chế độ đãi ngộ của Nhà nước), vì thiếu bản lĩnh, thiếu niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, vì lợi ích nhỏ nhen, đã sẵn sàng bán rẻ cả danh dự, nhân phẩm của bản thân, bán rẻ cả quá khứ vinh quang, tốt đẹp... để mưu lợi rẻ tiền và nuôi trong mình những ảo tưởng.

Cần đấu tranh phản bác lại những thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Điều 5, khoản 1 (điểm a, b, c, d, e), Nghị định 72/CP của Chính phủ quy định những hành vi bị cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và những thông tin trên mạng gồm: a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết:

Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Để thực hiện được kỹ năng đó thì chúng ta cần tỉnh táo nhận diện được thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc được nhận diện ở các yếu tố: Mục đích, ý nghĩa, nội dung...

Về mục đích: Chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Về nội dung: Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc… Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống.

Để xác định chắc chắn đó là thông tin chính thống, nên tiếp nhận hay không thì cần nắm rõ chủ thể đăng tải. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Sau khi nhận diện được thì nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận. Thường thì những thông tin được tung ra nhằm khuấy động dư luận và tạo ra các luồng nhận thức khác nhau. Nhiều người vì tò mò nên tiếp cận thông tin đó mà không suy nghĩ xem nên tiếp nhận như thế nào cho đúng.

Mặt khác, mỗi người cần có kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn thận cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc.

Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng là một vấn đề bắt buộc giúp người sử dụng tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác